Thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy - chuyên viên Vụ pháp chế, Bộ Y tế - phát biểu tại hội thảo báo chí - Ảnh: XUÂN MAI
Gặp nhiều rào cản
Đó là thông tin mà thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy - chuyên viên Vụ pháp chế, Bộ Y tế - cho biết trong buổi hội thảo báo chí "Luật chuyển đổi giới tính vì người chuyển giới" vào ngày 2-11 tại TP.HCM.
Theo đó, hiện nay dự thảo Luật chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế soạn thảo để đưa vào ban hành trong năm 2019 hoặc 2020.
Bà Thủy cho biết trong dự thảo Luật chuyển đổi giới tính còn một số điểm quan trọng do nhiều ý kiến trao đổi chưa nhận được sự đồng thuận với cộng đồng người chuyển giới.
Cụ thể, điểm 5 điều 2 dự thảo quy định: "Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là một hoặc toàn bộ quá trình từ điều trị nội tiết tố sinh học đến phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục để thay đổi giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện".
"Quy định này dẫn đến nhiều người chuyển giới ở Việt Nam có nguy cơ không được hưởng quyền lợi từ dự thảo luật này vì một số lý do sau: về kinh tế không đủ điều kiện chi trả, về sức khỏe một số người không thể sử dụng hormone, bị sốc khi tiêm hormone hoặc tử vong hoặc điều kiện sức khỏe không thể sử dụng hormone hay phẫu thuật" - bà Thủy phân tích.
"Đã có những trường hợp người chuyển giới chết do sốc thuốc khi tiêm hormone, may mắn hơn thì đưa đi cấp cứu kịp thời. Nhưng còn chưa biết bao nhiêu các bạn khác đang từng ngày từng giờ đánh cược mạng sống của mình bất chất rủi ro về địa lý, điều kiện chăm sóc y tế...
Tại Việt Nam, chỉ có hành lang pháp lý những người chuyển đổi giới tính mới có cơ hội sống bình đẳng, có quyền kết hôn và hưởng được hạnh phúc trong một xã hội mà họ được công nhận.
Nhưng tương lai ấy phụ thuộc vào cộng đồng, Bộ Y tế - đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo luật. Rào cản tâm lý họ đang, đã và sẽ vượt qua nhưng liệu rào cản pháp lý có nghiêng về phía ủng hộ cho tiếng nói của những người chuyển giới, bảo vệ họ được bình đẳng trong xã hội?" - bà Thủy đặt vấn đề.
Chị Đỗ Tây Hà (25 tuổi, TP.HCM) chia sẻ trong buổi hội thảo Luật chuyển đổi giới tính và mong muốn luật sớm ban hành và được xã hội công nhận - Ảnh: XUÂN MAI
Những mong mỏi của người trong giới
Theo ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 400.000 người chuyển giới. Các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương.
Trong nghiên cứu người chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TP.HCM cho thấy 83% cộng đồng người chuyển giới bị chế giễu, 45% cộng đồng người chuyển giới bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới, 23% buộc phải quan hệ tình dục, 16% đề cập rằng đã bị bạo lực tình dục và 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm.
Chị Trần Nhã Đan (27 tuổi, TP.HCM) cho biết thời gian đầu, gia đình và xã hội không chấp nhận giới tính thật. "Ba mẹ sinh ra tôi một người con trai, nhưng bên trong lại là một con gái, làm sao mà họ chấp nhận được.
Đến nay, tôi chưa thực hiện ca phẫu thuật chuyển giới mà chỉ tiêm hormone nữ. Hormone này được bạn bè trong cộng đồng truyền tay nhau, nghe nói là hàng xách tay từ Thái Lan" - chị Nhã Đan nói.
May mắn hơn chị Đan, chị Đỗ Tây Hà (25 tuổi, TP.HCM) đã chuyển giới năm 19 tuổi và được gia đình dần chấp nhận. Tuy nhiên, chị Hà thường xuyên phải đối mặt nhiều rào cản từ ngoài xã hội.
Theo đó, chị Hà kể từng gặp những ánh mắt kỳ thị, dè bỉu trong lúc cung cấp thông tin cho bệnh viện để khám bệnh. Kể từ đó, khi ốm đau, chị Hà chỉ đến tiệm thuốc tây hoặc phòng khám tư nhân khám, chữa bệnh.
"Việc sớm ban hành Luật chuyển đổi giới tính và cởi mở trong các quy định của bộ luật này theo xu hướng tiến bộ của thế giới là mong muốn không chỉ của cộng đồng người chuyển giới, người cung cấp dịch vụ liên quan cũng như cả động đồng" - chị Hà nhấn mạnh.
Năng lực cơ sở khám, chữa bệnh tại Việt Nam
Cả nước có 03 cơ sở khám, chữa bệnh đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện xác định lại giới tính, bao gồm: Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Trong quá trình xác định lại giới tính, các bệnh viện trên đã thực hiện điều trị nội tiết và phẫu thuật ngực từ nam sang nữ, từ nữ sang nam, phẫu thuật bộ phận sinh dục (cắt bỏ hoặc tạo bộ phận sinh dục)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận