Mặt trái của hình thức mua bán qua sàn thương mại điện tử cần được lưu tâm hơn, kịp thời ngăn chặn các vi phạm, bảo vệ người tiêu dùng.
Nhiều vụ bán hàng giả, chế, nhái bị phát hiện
Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Long An vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ sản xuất 30.000 chai dầu gió giả bán qua sàn thương mại điện tử.
Trước đó lực lượng chức năng đã phát hiện gần 30.000 chai dầu gió các loại giả mạo nhãn hiệu nước ngoài, trong đó có 21.000 chai đã dán nhãn giả. Còn lại chỉ mới rót chất lỏng giả dầu vào chai nhưng chưa kịp dán nhãn.
Đối tượng bị bắt quả tang thừa nhận đã mua hóa chất, hương liệu về phối trộn và bán các chai dầu gió giả này qua sàn thương mại điện tử.
Nhưng thử tìm thông tin trên mạng về loại dầu bị làm giả này sẽ thấy sản phẩm có bán trên các trang sàn thương mại điện tử với đủ giá cùng mác hàng "nhập ngoại". Nhiều người phản hồi đã mua phải sản phẩm không đúng như thông tin, hình ảnh...
Theo thông tin trên báo, Công an huyện Hà Trung (Thanh Hóa) mới đây cũng vừa bắt nhóm sản xuất pháo ngay trong khu trọ rồi rao bán trên mạng, thu giữ hơn 100kg pháo nổ và các nguyên liệu làm pháo. Thật may mắn vì cơ quan chức năng đã ngăn chặn được hiểm họa từ pháo chế.
Trước đó tháng 6-2024, gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang Trí bị phát hiện làm giả với quy mô lớn ở Bắc Ninh. Tại một xưởng sản xuất, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục tấn gạo đang trong quá trình đóng bao bì.
Hình thức bao bì hàng nhái y như thật khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt được. Điều đáng nói là các sản phẩm giả này đang được bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử.
Các vụ việc trên có thể coi là tiêu biểu về hành vi bán hàng giả, nhái, hàng cấm trên mạng. Mua hàng trên sàn điện tử người tiêu dùng có thể mua nhầm sản phẩm giả, có nguy cơ với sức khỏe.
Nhiều hàng hóa độc hại, nguy hiểm vẫn được bán tràn lan, giao hàng tận nhà, dễ mua hơn bao giờ hết.
Trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử
Vì tin cậy các sàn thương mại điện tử có thể kiểm soát tốt thông tin, chất lượng sản phẩm rao bán nên người tiêu dùng tìm đến. Thế nhưng ở đó có những thông tin, mặt hàng đáng lo ngại.
Gần đây thấy Google hiển thị xu hướng tìm kiếm thịnh hành của người dùng mạng Việt Nam có cụm từ tên "đá gà thomo…".
Thử tra tìm trên mạng thì thấy "đá gà thomo" xuất hiện cùng một số trang mạng của cơ quan nhà nước, giáo dục trong các kết quả tìm kiếm. Và cũng nằm kèm với tên một số sàn thương mại điện tử, được dẫn đến tài khoản bán sản phẩm bồi bổ, tăng cường sức khỏe cho gà trống nuôi đá độ.
Trong tựa sản phẩm và phần mô tả, người bán cố tình cài cắm nhiều từ khóa "casino", "thomo"…, thêm một cách rải thông tin cùng với các thủ đoạn cài cắm tinh vi khác trên mạng đang dẫn dụ người dùng mạng đến với các sới đá gà online, trang cờ bạc?
Các sàn thương mại điện tử có phát hiện việc này? Với chính sách xử lý hành vi vi phạm của người tham gia, việc xóa thông tin, tạm khóa tài khoản, khóa vĩnh viễn tài khoản chỉ sau khi bị phản ảnh vi phạm là chuyện "hậu kiểm".
Còn trước mắt, những thông tin, sản phẩm rao bán đang có nguy cơ gây hại cho cộng đồng.
Đến hẹn lại lên, vài tháng trước Tết lại thấy các hóa chất dùng chế pháo "đội lốt" phân bón được bán trên các sàn thương mại điện tử. Người ta có thể giải thích hợp lý rằng đây là các sản phẩm được dùng cho nông nghiệp.
Thế nhưng khi tra tìm các từ khóa liên quan đến chế pháo, sẽ thấy "gắn" với các sản phẩm bày bán trên các sàn thương mại điện tử. Chưa kể có người bán sản phẩm phân bón lại cho biết đây còn là thành phần chế thuốc nổ, ghi rõ công thức, liều lượng(!?).
Nhiều vụ việc về pháo chế bị phát hiện, người mua khai báo mua hóa chất làm pháo trên các sàn thương mại điện tử rồi bán trên mạng. Những vụ việc thương tâm vì pháo chế, nhất là với trẻ em chẳng phải là thước đo lương tâm và trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử?...
Nếu không kiểm soát nội dung tốt hơn, các sàn đã tiếp tay cho mục đích xấu và việc bán sản phẩm giả, nhái.
Việc tăng cường kiểm tra, quản lý, xử lý sai phạm của hoạt động thương mại điện tử trên mạng từ cơ quan chức năng sẽ lành mạnh hóa môi trường kinh doanh trên mạng, gia tăng trách nhiệm của người bán hàng và nền tảng cho đăng tải thông tin hàng hóa.
Đồng thời là cách bảo vệ người mua và xã hội thiết thực nhất trước nguy cơ hàng giả, hàng cấm nguy hiểm trên mạng, trên các sàn thương mại điện tử...
Tiềm ẩn nguy hại với khách hàng thiếu nhi
Có thể thấy trên các sàn thương mại điện tử thứ gì cũng có với giá siêu rẻ. Nhưng chất lượng lắm lúc cũng hên xui.
Cùng với sự xuất hiện của các nền tảng mới từ nước ngoài giá có thể cạnh tranh hơn nữa, cùng với đó có thể có nhiều chiêu mánh mới. Và việc mua bán hàng giả, hàng độc hại… vẫn chưa được kiểm soát tốt, lỡ mua rồi rất khó khiếu nại đòi quyền lợi.
Đáng lo nhất là các sản phẩm hướng đến khách hàng tuổi thiếu nhi. Việc mua bán các sản phẩm hướng đến người mua độ tuổi này đang dễ dàng như với người lớn.
Có những món hàng cả triệu đồng. Có những món siêu khuyến mãi khi mua nhiều nên trẻ em mua về bán lại cho bạn để kiếm lời.
Đây là một góc khuất cần được quan tâm, kiểm soát tốt hơn để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận