Thảo luận về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh phải dùng khái niệm “sở hữu riêng” trong luật để nổi bật được tuyên bố của Nhà nước về vấn đề bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu tư nhân.
“Điều 32 Hiến pháp quy định mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. Nội dung này cần phải thể hiện được định hướng và bản chất của Nhà nước ta” - ông Lưu nói.
Thống nhất với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng sáu hình thức sở hữu được ban soạn thảo gom lại như phương án Chính phủ trình dường như có lẫn lộn giữa hình thức sở hữu và chế độ sở hữu.
Ông Phùng Quốc Hiển đề nghị cần làm rõ vấn đề này và cho rằng việc quy định sở hữu riêng trong dự thảo không rõ, cần có sự tiếp thu để phù hợp với pháp luật.
Tại buổi thảo luận, các đại biểu thống nhất việc lấy ý kiến nhân dân về dự án luật sẽ được kéo dài trong ba tháng (từ ngày 5-1 đến 5-4-2015).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng các nội dung lấy ý kiến trong dự thảo không nên liệt kê theo điều mà có thể theo nhóm vấn đề để có tính hệ thống, liên kết và bảo đảm khái quát được những nội dung trọng tâm, cơ bản của dự thảo bộ luật.
Nhấn mạnh việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Ngô Thị Minh cho rằng các nội dung lấy ý kiến nên tập trung vào những vấn đề gần gũi, trọng tâm với nhân dân thì nhân dân tham gia sẽ có hiệu quả cao.
Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: việc lấy ý kiến nhân dân phải được chắt lọc, khách quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận