Đại biểu đặt vấn đề liên quan đến trách nhiệm sử dụng vốn nhà nước trong hoạt động khai thác dầu khí - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đồng tình cần có chính sách hỗ trợ các loại thuế suất cho dầu thô, thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút đầu tư, song ông băn khoăn về "mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm".
"Đây là chính sách áp dụng với các mỏ đã đưa vào khai thác. Tuy nhiên sau khi họ khai thác, không hiệu quả và họ rút đi, thì lại là tận thu. Nếu áp dụng chính sách thuế bình thường hiện hành thì không đủ khả năng tận thu. Kéo giàn khoan đi thì mỏ đó coi như bỏ" - ông nói và đề nghị cần phải nghiên cứu một cơ chế đủ mạnh để có thể tận thu được lượng mỏ dầu khí còn lại, tăng thu thêm cho ngân sách.
Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) băn khoăn với hoạt động điều tra, thăm dò dầu khí là lĩnh vực có tính rủi ro rất lớn, chi phí đầu tư rất lớn, cơ chế quản lý sử dụng hiệu quả vốn nhà nước sẽ ra sao?
"Nếu tôi không nhầm thì một mũi thăm dò vài triệu USD nhưng chuyện thăm dò, khoan nhiều mũi là bình thường và hỏng là chuyện bình thường. Vậy người quyết định thăm dò khai thác đấy mất hàng chục triệu USD sẽ bị như thế nào, có chịu trách nhiệm pháp lý gì không? Chi phí như thế, nhưng người quyết định sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?" - ông Thành đặt câu hỏi.
Do đó, ông cho rằng vấn đề ở đây lại là câu chuyện dám nghĩ, dám làm, nên nếu không có quy định rõ ràng về loại trừ trách nhiệm đối với những trường hợp rủi ro như trên, sẽ rất khó để quyết định là tiếp tục tìm kiếm thăm dò những mỏ dầu ở vùng khơi xa.
"Theo tôi, cần quy định rõ hơn trách nhiệm. Đối với trường hợp này cần quy định về loại trừ trách nhiệm của những người quyết định khi thăm dò, khai thác dầu khí. Đồng thời cần có quy định chống lợi dụng, ràng buộc để tránh tình trạng lợi dụng gây thất thoát tài sản của doanh nghiệp, của Nhà nước" - ông Thành đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị có hướng dẫn cụ thể chính sách về dịch vụ kỹ thuật dầu khí cho nhà thầu trong nước có năng lực thực hiện, cũng như nhóm nào khuyến khích nhà thầu nước ngoài tham gia. Mục tiêu nhằm bảo vệ ngành dịch vụ dầu khí nội địa; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nặng sản xuất vật liệu phục vụ ngành công nghiệp dầu khí.
Bà lý giải, lý do cần phải cân nhắc bổ sung hai chính sách này, vì thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực dầu khí ngoài khơi ở các giàn khoan và lĩnh vực công nghiệp dầu khí trên bờ của Việt Nam "chưa theo kịp yêu cầu, không cạnh tranh và theo kịp các nước".
Giải trình tại tổ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, phạm vi điều chỉnh của dự án luật là hoạt động thượng nguồn, chứ không phải hạ nguồn và trung nguồn, do tính chất đặc thù của thăm dò và khai thác.
"Trong quá trình điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò và khai thác cũng giống như "tìm kim ở đáy bể", bỏ tiền và công sức để tìm kiếm thăm dò ngoài biển, chưa ai biết có hay không. Nhưng nếu không có những quy định đặc thù của hoạt động này thì không ai dám bỏ tiền của ra để làm" - ông Diên nêu.
Dẫn chứng mấy năm trước đây, PVN cũng có hoạt động đầu tư ở nước ngoài, bỏ chi phí một khoản rất lớn nhưng cuối cùng không dễ gì lấy được các dữ liệu… Điều này cho thấy, quy định về tính đặc thù của hoạt động thượng nguồn, trong Luật dầu khí hiện hành có nhưng quy định không đủ rõ, không bảo đảm hệ số an toàn, nên cần thiết phải bổ sung chính sách ưu đãi phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận