27/02/2020 08:56 GMT+7

Căn phòng nhỏ ở Bệnh viện Việt Đức và 100 năm truyền lửa

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Không chứa được quá 25 người nhưng là chứng nhân của ngành ngoại khoa Việt Nam. Hơn 100 năm đã qua đi từ khi có căn phòng ấy, các thế hệ bác sĩ ngoại khoa nối tiếp nhau, truyền nhau ngọn lửa nghề nghiệp...

Căn phòng nhỏ ở Bệnh viện Việt Đức và 100 năm truyền lửa - Ảnh 1.

Các thế hệ bác sĩ ngoại khoa (từ trái qua): bác sĩ Đặng Hanh Đệ, bác sĩ Nguyễn Bửu Triều (đã 95 tuổi, từng là trưởng bộ môn ngoại), bác sĩ Trần Bình Giang và các bác sĩ trẻ của ngành ngoại khoa - Ảnh: L.ANH

Ở một góc khiêm tốn của Bệnh viện Việt Đức, trên tầng 2 một nhà cũ tuổi thọ hơn 100 năm có một căn phòng nhỏ, không chứa được quá 25 người nhưng lại là chứng nhân của ngành ngoại khoa Việt Nam...

Căn phòng nhỏ chứng nhân của các thế hệ bác sĩ ngoại khoa từ giáo sư Tôn Thất Tùng, Nguyễn Bửu Triều, Dương Chạm Uyên, Tôn Thất Bách... cho đến mãi sau này.

Hơn 100 năm đã qua đi từ khi có căn phòng ấy, các thế hệ bác sĩ ngoại khoa nối tiếp nhau, truyền nhau ngọn lửa nghề nghiệp và những gì đặc sắc của "cá tính dân ngoại khoa", của những người có thể đứng suốt 13-14 giờ trong phòng mổ để thực hiện một ca phẫu thuật dài mà không ăn, không uống, không đi vệ sinh.

Cái nôi tỏa đi khắp nơi

Trước Tết Nguyên đán, thầy trò bộ môn ngoại ĐH Y Hà Nội khánh thành văn phòng khoa mới được sửa chữa, ở đó có tủ treo tường, có những đồ đạc của thế kỷ 21.

Nhưng ngay ngoài cửa, cầu thang gỗ dẫn lên gác 2, những bậc ván lát cầu thang, những thanh chắn... vẫn là nguyên bản của hơn 100 năm trước, khi người Pháp xây dựng Nhà thương Phủ Doãn, sau này là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Vẫn như khi GS Hồ Đắc Di, sau này là hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, tốt nghiệp bác sĩ nội trú tại Pháp và trở thành bác sĩ người Việt đầu tiên cầm dao mổ trên toàn cõi Đông Dương, bắt đầu hình thành ngành ngoại khoa của người Việt. Thời điểm đó, theo các tài liệu của bộ môn ngoại, là từ khoảng năm 1937-1938.

Ông Đoàn Quốc Hưng, hiện là trưởng bộ môn ngoại, phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, vào ĐH Y Hà Nội năm 1985. Theo chương trình đào tạo hồi đó, ngay từ năm 1 ông Hưng và các bạn đồng học đã đi thực tập bệnh viện.

Ông đến Bệnh viện Việt Đức học ở vai trò điều dưỡng. Năm 1991 ông Hưng tốt nghiệp bác sĩ y khoa, bắt đầu học bác sĩ nội trú chuyên ngành ngoại tại Bệnh viện Việt Đức, rồi làm việc tại Bệnh viện Việt Đức và Trường ĐH Y Hà Nội nhưng vẫn thường trực ở Bệnh viện Việt Đức.

Từ đó đến nay đã 35 năm, căn phòng ấy vẫn là văn phòng của bộ môn. Và trước đó, khi các thầy của ông Hưng còn làm việc, bộ môn ngoại vẫn ở căn phòng đó. Cứ mỗi 6 năm lại một thế hệ bác sĩ ngoại khoa mới từ cái nôi này tỏa đi nhiều bệnh viện khắp cả nước.

Nhiều thế hệ bác sĩ trưởng thành

Trước Tết Nguyên đán, các thế hệ thầy trò bộ môn ngoại khoa đã có dịp gặp gỡ, ở "căn phòng trăm năm".

Người lớn tuổi nhất tham dự cuộc gặp mặt là GS Nguyễn Bửu Triều đã ở tuổi 95, thế hệ kế tiếp là các GS Đặng Hanh Đệ, Dương Chạm Uyên, Đỗ Đức Vân... cũng đã trên 80, và các thế hệ ngoại khoa hiện nay, trong đó có những bác sĩ trẻ mới xấp xỉ 30.

Họ cùng có một buổi sáng để kể lại những giai thoại về nghề. Ai cũng tràn đầy nhiệt huyết, ai cũng say mê, y khoa là nghề phải học mãi, đến già vẫn có những điều phải học, rồi truyền lại cho nhau. Ít có nghề nào lại cần dạy bằng "cầm tay chỉ việc" nhiều như ngành y.

Trong ngành y, những giai thoại được truyền tụng nhiều nhất, những con người cá tính nhất, hào hoa nhất, phần nhiều là về các bác sĩ ngoại khoa.

Một lý do quan trọng nhất, theo ông Hưng, là người bệnh cần mổ xẻ khi họ đang đau đớn "tưởng chết đi sống lại", bệnh đã ở giai đoạn nặng, trong phòng mổ bác sĩ ngoại khoa phải quyết liệt và quyết đoán để bảo vệ sự sống.

Sự quyết đoán ấy đã góp phần làm nên cá tính của dân ngoại khoa và những giai thoại về họ.

Từ khi GS Hồ Đắc Di trở thành bác sĩ Việt Nam đầu tiên cầm dao mổ trên toàn cõi Đông Dương, đến nay Việt Nam đã có rất nhiều thế hệ bác sĩ ngoại khoa trưởng thành.

Đã có những ca mổ ghép tạng hàng trăm người tham gia, Việt Nam cũng đã ghép được tay, gan, tim, phổi, thận, phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ nhẹ cân, phẫu thuật các bệnh lý cột sống với công nghệ luôn dẫn đầu trong khu vực.

Khi nói về dự án "dây rút ngược" thu hút người bệnh là người nước ngoài đến chữa bệnh ở Việt Nam, nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định có rất nhiều kỹ thuật ngoại khoa mà Việt Nam có thế mạnh, có thể thu hút bệnh nhân nước ngoài.

Rất nhiều trong số người làm nên những điều đặc biệt đó, một thời đã là học trò ở căn phòng trăm năm này.

'Đánh giặc corona' theo phong cách ngành y

TTO - Phòng khám đa khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM kết hợp cùng TS Lê Thống Nhất thực hiện MV "Đánh giặc corona" theo phong cách ngành y.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp