21/11/2012 08:49 GMT+7

Cân nhắc về biểu tượng của thủ đô

YÊN TÙNG thực hiện
YÊN TÙNG thực hiện

TT - Theo dự kiến, hôm nay 21-11 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật thủ đô, trong đó có quy định về biểu tượng của thủ đô. Trước đó, trong phiên thảo luận về dự án luật này, đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ đôi chút băn khoăn.

Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết thêm:

sWv1kzHm.jpgPhóng to
Khuê Văn Các gắn với không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ảnh: Nguyễn Khánh

- Đã hơn một thập kỷ Hà Nội sử dụng biểu tượng của mình là Gác Khuê Văn (Khuê Văn Các). Biểu tượng này được tuyển chọn vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Chắc chắn biểu tượng cũng đã được tiến hành khá quy củ và sự lựa chọn cũng trải qua nhiều ý kiến khác nhau để tìm thấy sự đồng thuận. Tôi theo dõi chỉ có đôi điểm đồng thuận chưa cao liên quan đến biểu tượng đã được cách điệu đồ họa (theo tiêu chí đẹp và dễ sử dụng).

* Nói vậy thì ông cũng có sự băn khoăn khi trong dự thảo luật có quy định về biểu tượng của thủ đô?

- Lần này, nhân Luật thủ đô, có những ý kiến muốn xem xét lại, tôi thấy cũng cần thiết vì có một số yếu tố mới mà quan trọng nhất là Hà Nội mở rộng bổ sung thêm không gian Hà Tây cũ với văn hóa Xứ Đoài cũng rất đáng trân trọng, có Núi Tản vốn linh thiêng từ lâu gắn với kinh đô Thăng Long và tâm thức quốc gia. Hơn nữa, trong tâm lý xã hội và thời cuộc cũng có những băn khoăn cần nhìn nhận.

"Tôi đề nghị không đưa vào văn bản Luật thủ đô nội dung khẳng định biểu tượng của thủ đô Hà Nội là Khuê Văn Các"

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Tôi vẫn thấy nếu lựa chọn những dấu ấn của Hà Nội giàu tính lịch sử thì Khuê Văn Các vẫn chuẩn hơn cả. Tháp Rùa thân thiết như một trong những dấu ấn gắn với thủ đô vì gắn với hồ Hoàn Kiếm với những giá trị phi vật thể - truyền thuyết hoàn gươm của vua Lê cùng tinh thần hòa hiếu của dân tộc, cộng với cảnh quan đẹp, nhưng tháp Rùa được xây khá muộn (thời thuộc địa - cuối thế kỷ 19) và phong cách kiến trúc cũng không mấy đặc sắc.

Chùa Một Cột mới đây nhất vừa được thế giới công nhận kỷ lục độc đáo về kiến trúc, lại gắn với một ngôi chùa nổi tiếng (Diên Hựu) có từ thời Lý. Còn chính ngôi chùa thì đã qua nhiều lần trùng tu. Gắn với một ngôi chùa nổi tiếng, lại gắn với Phật giáo - một tôn giáo gắn bó và đồng hành với dân tộc - là một giá trị lớn. Nhưng nước ta là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, vì thế chọn một biểu tượng của thủ đô gắn với một tôn giáo lại là điều cần cân nhắc.

Hoàng thành Thăng Long mới được phát lộ có nhiều hiện vật đẹp và quý, có giá trị mỹ thuật cao, còn kiến trúc thì hầu như đã bị phá hủy hoàn toàn. Điện Kính Thiên chỉ còn nền và đôi rồng là có giá trị tiêu biểu. Mang tính biểu tượng cao là Cột Cờ, công trình được xây dựng đầu triều Nguyễn (đầu thế kỷ 19) khi Hà Nội không còn là kinh đô nữa, là Bắc Thành rồi Hà Nội Thành. Kiến trúc Cột Cờ có vẻ đẹp riêng nhưng mang tính tiêu biểu thì chưa thật chuẩn.

Còn Khuê Văn Các gắn với không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ lâu đã được biểu trưng cho thiết chế văn hóa Đại Việt, nêu cao nguyên lý “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Khuê Văn Các là một công trình độc lập nhưng lại nằm trong không gian và hài hòa về ý tưởng khi đề cao nền văn hiến hay nền quốc học qua biểu tượng Khuê Văn - ngôi sao biểu thị cho tài năng văn chương như lời ví của vua Lê Thánh Tông gắn Nguyễn Trãi với ánh sáng của ngôi sao Khuê...

Có nhà nghiên cứu khẳng định tuy gắn với không gian Văn Miếu nhưng Gác Khuê Văn không phải là một thành phần trong kết cấu kiến trúc kinh điển của nơi thờ Khổng Tử và các học trò, cũng là nơi tôn vinh Nho giáo. Công trình do các vị quan trông nom Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Đặng Văn Hòa) chủ trương xây vào nửa đầu thế kỷ 19. Nó mang dấu ấn không phải Trung Hoa, cũng có thể coi là một sáng tạo Việt (?)...

Tuy nhiên, theo tôi, cách đây hơn một thập kỷ, những lập luận như vậy dễ thuyết phục nhưng đến nay vì Khuê Văn Các gắn với không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám nên yếu tố Trung Hoa vẫn đậm nét. Sự tiếp nhận, ảnh hưởng của một nền văn minh lớn như Trung Hoa là lẽ thường tình cũng như nhiều nước Đông Á khác. Nhưng trong không khí ít nhiều bị ảnh hưởng bởi thời cuộc hiện tại, cũng không nên bỏ qua hay coi thường cách suy nghĩ này của một bộ phận nhân dân.

Vì đúng là vào không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám nơi có Khuê Văn Các, cảm nhận về ảnh hưởng văn minh Trung Hoa là đậm. Văn hóa Việt Nam phải là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa Đông và Tây, giữa truyền thống và hiện đại (quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

* Vậy ông có gợi ý gì khác cho biểu tượng thủ đô?

eAupmV0d.jpgPhóng to
Biểu tượng Khuê Văn Các được sử dụng lâu nay
- Việc Hà Nội mở rộng không gian cũng làm cho những lựa chọn có thể tìm đến những ý tưởng mới. Ví như một biểu tượng kết hợp giữa núi Tản + sông Hồng + Khuê Văn Các thành một biểu tượng chung phản ánh cả sông, núi và con người trí tuệ Việt Nam...(!?). Theo tôi, nhân lần ban hành Luật thủ đô, cũng nên tạo một cơ hội để tiếp tục đào sâu hơn nữa những giá trị mang ý nghĩa biểu tượng... Để rồi nếu cân nhắc kỹ vẫn thấy Khuê Văn Các là sự lựa chọn không khác được thì tiếp tục sử dụng biểu tượng này.

* Được biết, ông cũng từng đề nghị là không nên quy định cứng biểu tượng thủ đô Hà Nội ngay trong luật?

- Đúng thế, nên giao trách nhiệm này cho các cơ quan có trách nhiệm của thủ đô. Điều đó cũng phù hợp với tinh thần của Luật thủ đô là giao nhiều quyền, nhiều sự tin cậy cho Hà Nội. Điều đó cũng thể hiện sự thận trọng của Quốc hội đối với một đạo luật mà thật sự nó chưa được sự đồng thuận cao. Những điều này tôi đã suy nghĩ kỹ và tham khảo những ý kiến khác nhau từ các nhà nghiên cứu, từ dư luận xã hội ở thời điểm này.

Tóm lại, tôi đề nghị không đưa vào văn bản Luật thủ đô nội dung khẳng định biểu tượng của thủ đô Hà Nội là Khuê Văn Các mà giao cho Hà Nội có trách nhiệm và quyền hạn quyết định vào thời điểm sau luật.

YÊN TÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp