Căn nhà hoang tàn của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị ở Huế được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh - Video: NHẬT LINH
Sáng 30-6, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ công bố quyết định công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Lưu niệm danh nhân Ưng Bình tại Châu Hương Viên (thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế).
Đây là căn nhà được cụ Ưng Bình xây dựng trong mảnh vườn rộng 4 sào 7 thước vào năm 1933 sau khi rời chốn quan trường.
Căn nhà rường này được xây dựng theo lối kiến trúc ba gian hai chái. Nơi đây từng là địa điểm hội tụ các văn nhân, mặc khách của "Hương Bình thi xã" vang bóng một thời.
Căn nhà rường của cụ Ưng Bình được xây dựng theo lối hai gian ba chái đã xuống cấp nghiêm trọng do bị bỏ hoang từ lâu - Ảnh: NHẬT LINH
Sau thời gian dài bỏ hoang không ai chăm sóc, căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Một phần mái nhà và cột, rường chịu lực đã bị sập xuống do mối mọt. Khu vườn rộng 4 sào 7 thước của Châu Hương Viên cũng đã bị thu hẹp do người dân chuyển về đây sinh sống, lấn vào.
Nhà thơ Võ Quê - chủ nhiệm CLB Ca Huế thính phòng - cho biết chứng kiến một địa danh văn hóa xuống cấp nghiêm trọng như vậy không khiến ông khỏi đau lòng.
"Chúng tôi đã vận động các cấp, ngành làm sao đó để cứu vãn căn nhà này và thật tốt nếu nó được phục hồi nguyên trạng" - ông Quê nói.
Ông Nguyễn Đức Lộc - giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế - cho biết sau khi Châu Hương Viên được công nhận di tích lịch sử, bảo tàng sẽ cùng các đơn vị chuyên môn phối hợp khảo sát, tìm phương án bảo tồn căn nhà rường đã xuống cấp này.
Sau khi được công nhân di tích, sắp tới nơi này sẽ được khảo sát để lên phương án bảo tồn - Ảnh: NHẬT LINH
Sau khi có phương án bảo tồn, khôi phục căn nhà phù hợp, bảo tàng mới tiếp tục tìm phương án để phát huy giá trị địa điểm di tích lịch sử này.
"Có thể sau đó chúng tôi sẽ cùng các đơn vị lữ hành đưa địa điểm này vào tour tuyến du lịch Huế, kết hợp với việc du lịch bằng thuyền trên sông Hương. Nơi đây sau khi được bảo tồn cũng có thể trở thành nơi biểu diễn ca Huế của CLB ca Huế thính phòng nhằm mục đích tạo nguồn xã hội hóa" - ông Lộc nói.
Ưng Bình Thúc Giạ Thị tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình, hiệu Thúc Giạ Thị. Ông sinh ngày 9-3-1877 và mất ngày 4-4-1961, là cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh.
Ông từng thi đỗ và làm đến chức Bố chính Hà Tĩnh. Sau khi về hưu, ông được triều đình thăng Thượng thư trí sự. Từ năm 1940-1945, ông được bầu làm viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ. Năm 1943, ông được thăng Hiệp tá Đại học sĩ.
Ông được người dân yêu mến bới dù là hoàng tộc, từng làm quan to nhưng chủ trương sống thanh đạm, giữ lấy cái tâm thuần chất không nhuốm tục luỵ, lòng vẫn hướng về cái đẹp, và yêu Huế thì đến tận cùng gan ruột.
Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã góp phần quan trọng trong việc phát triển lên tầm nghệ thuật các làn điệu ca Huế và hò Huế.
Đến mức, có những bài ca, câu hò do ông sáng tác đã nhanh chóng đi vào đời sống của người dân. Ông là tác giả của điệu hò Huế nổi tiếng được cho là viết về vua Duy Tân trong lúc chờ gặp Trần Cao Vân bàn việc nước:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu,
Ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm,
Ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận