Phóng to |
Ông Trịnh Hòa Bình - Ảnh: Việt Dũng |
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội (Viện Xã hội học), cho rằng căn nguyên sâu xa của tình trạng này là khi giá trị ảo lấn át giá trị thật. Mở đầu, ông Bình nói:
- Trường hợp cô gái tát anh cảnh sát giao thông vừa rồi, hay bác sĩ Phạm Đức Giàu ở Thái Bình bị người nhà bệnh nhân đâm, anh cảnh sát không sai, ông Giàu không sai, nhưng họ bị cộng dồn tội vạ từ những vụ việc trước đó ở đâu đó. Có thể coi đó như những đứt gãy, rối loạn về mặt chuẩn mực. Giáo dục của chúng ta là giáo dục nêu gương, trong gia đình có cha mẹ, anh chị, ngoài xã hội là người lớn, nhưng nếu những người này chưa đủ sức để làm gương thì con trẻ sẽ bối rối, không tìm được hình mẫu để học tập. Thực tế có không ít những chuyện làm giả ăn thật hay làm tắt, làm ẩu nhưng vẫn được cho qua. Trẻ sẽ thấy, sẽ học và coi đó là điều đương nhiên.
* Hàng loạt vụ trọng án diễn ra gần đây mà thủ phạm là thanh niên, vị thành niên khiến dư luận bất bình và hết sức lo ngại. Theo ông, lý do nào dẫn đến những vụ việc kiểu này và làm sao để giáo dục được những người trẻ đó?
- Họ đều là những người đang ở độ tuổi thanh niên, lứa tuổi dư thừa nội lực, khao khát bày tỏ cái tôi. Thông thường, những thanh niên phạm tội là những người hoặc không công ăn việc làm hoặc việc làm chẳng đâu vào đâu, không ai thừa nhận, cá nhân họ nhìn mọi chuyện méo mó, lệch lạc, phiến diện, thậm chí họ đối chọi xung khắc với chuyện ăn nên làm ra của người khác. Ý thức phủ định cuộc sống, có thể cướp đi mạng sống của người khác bởi lòng tham, thói đố kỵ, sự thấp hèn trong tư tưởng lười lao động nhưng muốn gặt hái.
Ngoài những lý do này, chắc chắn có lý do liên quan nhiều tới giáo dục từ gia đình và cả ảnh hưởng cái xấu trong xã hội. Tôi cho rằng cần thiết phải quay về giáo dục luân lý cá nhân, dạy đạo đức cho trẻ, nhất là giáo dục từ gia đình, giáo dục nêu gương từ cha mẹ.
* Khi xảy ra những vụ việc liên quan đến vị thành niên, thanh niên, người ta thường đổ lỗi cho nhà trường hay gia đình. Theo ông, chỉ nhà trường và gia đình liệu đã đủ sức giáo dục cái tôi cá nhân?
- Khi xã hội chúng ta tiến về phía trước, càng hiện đại chuyên nghiệp càng cần phải có ý thức về luật pháp, coi trọng luật pháp. Không thể vì yêu ghét mà đứng lên trên luật pháp. Nếu liên quan đến vị thành niên, bạn trẻ thì không chỉ nhà trường mà có phường, hội.
Tôi rất đề cao hội sở thích, ví dụ như hội đá bóng, đánh cờ, hội dịch sách - những nhóm ấy sẽ trang bị kỹ năng sống, uốn chỉnh kỹ năng sống cho giới trẻ. Còn nhà trường cung cấp kiến thức. Nếu những người có vị thế xã hội, người cha người mẹ trong gia đình sống lành mạnh thì lối sống ấy sẽ trở thành lối sống của con trẻ trong nhà, rộng ra là của giới trẻ.
* Ai cũng có thể có lúc đứng trước một quyết định đúng - sai. Làm sao để nhân lên những giây phút đúng và giảm những giây phút lựa chọn sai lầm, xấu xa?
- Khi sự việc xảy ra rồi, người ta mới nhận ra lúc đó lựa chọn là sai hay đúng. Trong thời khắc quyết liệt không kịp lựa chọn. Ở đây cần bàn đến chuyện văn hóa, văn hóa phải tích góp từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành giá trị, chuẩn mực, khuôn mẫu, ai cũng phải tôn thờ.
Thật ra có những hành vi giản dị mà anh hùng, nhưng vì chúng ta vẫn nghĩ là giản dị mà quên nó đi, như lái tàu Trương Xuân Thức cứu cả đoàn tàu, lúc đó anh ấy chỉ nghĩ buông tay ra thì tai họa lớn hơn. Cái vĩ đại của anh hùng là ít toan tính, chỉ có thủ ác là toan tính. Lựa chọn đúng là sự mách bảo của con tim, tinh thần. Trong một gia đình lúc nào cũng công bằng, hướng thiện, không toan tính chụp giật, người được “tắm” trong không khí ấy sẽ luôn hướng thiện.
* Nếu như thế lại quy vào trách nhiệm gia đình thì có vẻ may rủi cho xã hội. Có cách gì để nhiều gia đình tạo được môi trường sống tốt đẹp hơn?
- Gia đình là tế bào của xã hội, có gia đình tốt là xã hội tốt. Nhưng bên cạnh đó có công tác tuyên truyền, các môn khoa học thẩm mỹ để truyền bá, nhân lên, kích hoạt giá trị sống lành mạnh cho mọi thành viên trong xã hội. Còn nhà trường là các bài giảng chính thống. Ở cấp vĩ mô, đó là các thiết chế đạo đức, chính trị, gia đình... hoạt động hài hòa bằng luật pháp. Vấn đề là tinh thần tôn trọng luật pháp. Phải biến tư duy luật pháp thành văn hóa pháp luật, thực hiện ở mọi lúc mọi nơi mọi chỗ, không có miễn trừ.
* Theo ông, đâu là giải pháp để khép lại những câu chuyện tương tự chuyện cướp tiền của người đánh rơi, đánh người thi hành công vụ, hay giết người cướp của vừa rồi?
- Đây là một câu chuyện dài, không dễ gì một sớm một chiều giải quyết được. Nhưng chưa giải quyết được không có nghĩa là ngồi chờ, mà mỗi người với vị trí của mình phải góp phần giải quyết. Nếu ai đó làm được điều gì tốt, điều gì chuẩn mực thì cứ làm. Nếu không làm tốt trong phạm vi toàn cộng đồng vẫn có thể làm tốt trong phạm vi gia đình mình. Dẫu nói gì thì nói, văn hóa gia đình rất quan trọng. Không nhất thiết phải dòng dõi nọ kia, chỉ cần trong đời sống của một gia đình thấm đẫm tinh thần nhân văn thì con cháu của những gia đình đó có thể đứng bên ngoài những tục lụy, không dây vào những trò chơi bẩn ngoài xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận