Bộ Công thương tổ chức hội thảo lần 2 lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Quy hoạch điện VIII - Ảnh: N.KH.
Sáng 28-9, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo lần 2 Quy hoạch điện VIII: Chương trình phát triển lưới điện, các vấn đề kỹ thuật, kinh tế, môi trường của chương trình phát triển điện lực.
Nguồn vốn lớn, chi phí tăng
Thông tin về chương trình phát triển lưới điện Quy hoạch điện VIII, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó trưởng phòng Phát triển Hệ thống điện (Viện Năng lượng) cho hay giai đoạn 2021 - 2030 cần xây mới 81 GVA công suất TBA 500 kV và khoảng 12.000 km đường xây 500 kV, 83 GVA công suất trạm biến áp 220 kV và 20.000 km đường dây 220 kV.
"Như vậy việc đầu tư lưới truyền tải 500-220 kV giai đoạn 2021 - 2030 là thách thức lớn cho ngành điện khi khối lượng đầu tư trung bình hàng năm cao gấp khoảng 2 lần năng lực hiện nay" - ông Cường nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Thu Hà, phòng phát triển hệ thống điện (Viện Năng lượng), cho hay hệ thống điện tăng trưởng quy mô lớn với cơ cấu nguồn phức tạp khi bổ sung khối lượng lớn nguồn biến đổi gió và mặt trời, nguồn linh hoạt và tích năng. Vì vậy, khối lượng lưới truyền tải tăng gấp khoảng 2 lần vào năm 2030 và gấp 3 lần vào năm 2045 so với hiện nay.
Vì vậy, vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 cần tới 133,3 tỉ USD. Trong đó, nguồn điện cần tới 96 tỉ USD, lưới điện cần gần 37,3 tỉ USD, tức mỗi năm cần 13,3 tỉ USD cho vốn đầu tư nguồn và lưới điện.
Đến giai đoạn 2031 - 2045 , nhu cầu vốn đầu tư cần 184,1 tỉ USD, trong đó nguồn điện là 136,4 tỉ USD, lưới điện là 47,7 tỉ USD, mỗi năm cần 12,3 tỉ USD.
Theo đó, chi phí sản xuất điện sẽ tăng theo. Cụ thể theo chi phí biên dài hạn của điện năng sẽ tăng từ hơn 7 cent/kWh hiện nay lên 9,2 cent/kWh vào năm 2030 và lên 9,6 cent/kWh vào năm 2045.
Trong đó, với riêng giá truyền tải nếu sản lượng điện truyền tải năm 2020 là 215 tỉ kWh, thì giá của khâu này cần tăng từ 101,3 đồng/kWh năm 2019 lên 138 đồng/kWh năm 2025 và giảm còn 130 đồng/kWh giai đoạn 2026 - 2030.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh cần có cơ chế chính sách đặc thù phát triển dự án điện - Ảnh: N.KH.
Cần chính sách đặc thù
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh theo Chương trình phát triển nguồn điện giai đoạn tới năm 2030, dự kiến tổng công suất nguồn điện sẽ tăng thêm khoảng gần 80.000 MW so với năm 2020. Trong đó, các nguồn điện lớn như các nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến sẽ tăng thêm khoảng trên 30.000 MW; các nhà máy điện gió onshore, offshore và điện mặt trời dự kiến tăng thêm khoảng gần 30.000 MW.
"Phần lớn các nguồn điện này đều tập trung nằm xa trung tâm phụ tải. Vì vậy, công tác phát triển lưới truyền tải để giải tỏa công suất các nguồn điện này đặt ra nhiều nội dung cần xem xét và nghiên cứu.
Xu hướng truyền tải điện sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Thay vì truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam như những năm qua, chiều truyền tải có xu hướng thay đổi dần theo chiều ngược lại" - ông Vượng cho hay.
Quy hoạch điện VIII là quy hoạch hạ tầng phát triển điện lực quốc gia, là quy hoạch có tính hệ thống rất cao, có sự gắn kết chặt chẽ với các quy hoạch ngành khác như ngành than, dầu khí, sử dụng tài nguyên, môi trường, năng lượng tái tạo, giao thông, kinh tế xã hội, không gian đô thị…
Chính vì vậy, ông Vượng cho rằng cần thiết phải có những cơ chế, chính sách cụ thể và rất đặc thù để có thể triển khai thành công các dự án điện nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận