02/08/2019 09:25 GMT+7

Cần ngăn Trung Quốc giành lợi thế từ COC

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Bên cạnh các chiến lược được bàn thảo, một cuộc chạy đua khốc liệt diễn ra đằng sau bàn nghị sự của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần 52 (AMM-52) ở Bangkok, Thái Lan năm nay: soạn khung đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Cần ngăn Trung Quốc giành lợi thế từ COC - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại AMM-52 ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Reuters

Những cọ xát trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc phủ bóng AMM. Nhưng một trong những yếu tố quan trọng có khả năng định hình cục diện khu vực nhất sắp tới là "luật chơi". Và vì vậy, sau thời gian dài gần như mất hút, câu chuyện về COC lại trở thành tâm điểm.

Cần "cảnh sát" buộc Trung Quốc tuân luật

Đã có thời gian Trung Quốc bị cho cố tình trì hoãn, "câu giờ" trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Nhưng năm nay, nước này hăm hở lạ thường.

Đoàn ngoại giao Trung Quốc là bên đầu tiên tuyên bố việc đạt đồng thuận trong nội dung bản dự thảo duy nhất về các vấn đề cần đàm phán COC trong năm nay. Báo chí Trung Quốc cũng tích cực, đơn cử hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc trong buổi sáng 1-8 đã đưa liền 3 tin bài về tiến triển trong đàm phán COC.

Hãng thông tấn trung ương Trung Quốc dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị nói ở Bangkok: "Nó đánh dấu một tiến trình mới và to lớn trong việc tham vấn COC, và là một bước tiến quan trọng đến mục tiêu chốt các tham vấn trong thời hạn 3 năm".

COC được xem là bộ quy tắc hoàn chỉnh hơn so với Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC). Nó được kỳ vọng sẽ có tính ràng buộc - khác biệt lớn nhất so với DOC, vì vậy sẽ giúp tạo ra quy chuẩn hành động, chế tài và tạo cơ chế giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Nhưng một COC như thế nào để là văn bản vừa thực chất vừa công bằng? Liệu có cái gọi là "giữ nguyên hiện trạng" ở Biển Đông sau khi Trung Quốc đã tôn tạo, quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông, hay nói cách khác đã chuẩn bị đầy đủ một "hiện trạng" có lợi cho bản thân và buộc các nước khác phải duy trì "hiện trạng" ấy? Và điều gì sẽ xảy ra nếu các bên buộc phải kiềm chế hành động khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền "đường chín đoạn"?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về ý định của Trung Quốc, TS Satoru Nagao, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson (Mỹ), cho rằng nếu Trung Quốc không tôn trọng thì COC không còn quan trọng nữa: "Tình huống này giống như là có luật mà không có cảnh sát vậy. Nếu thủ phạm ngó lơ luật pháp, chúng ta cần cảnh sát để buộc họ tuân thủ".

COC sẽ là COC cho Trung Quốc nếu họ là viên cảnh sát duy nhất trong khu vực.

TS Satoru Nagao

Các nước khác tăng sức ép

Trong khi cho rằng Trung Quốc với sức mạnh quân sự sẵn có sẽ muốn là "người làm luật" ở Biển Đông thông qua COC, TS Nagao cho rằng các nước ASEAN cần phải tranh thủ các nguồn lực khác, không để Trung Quốc dùng sức mạnh độc bá.

"Tại Biển Đông, ASEAN không đủ năng lực quân sự cần thiết. Mà không có sức mạnh quân sự, COC chỉ là xấp giấy mà thôi. ASEAN cần nhiều nguồn lực từ cường quốc khác để trung hòa ảnh hưởng của Trung Quốc" - ông Nagao nói thêm.

Trên thực tế, có một xu hướng tương đối rõ ràng về việc các nước "ngoài khu vực" muốn ngăn cản ý đồ của Trung Quốc đối với COC, Biển Đông và cạnh tranh địa chính trị nói chung.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản dẫn lời Kavi Chongkittavorn, cựu phóng viên Thái Lan và là chuyên gia về khu vực, khẳng định ASEAN "hi vọng Nhật và Mỹ tác động, "định hình" cách hành xử của Trung Quốc". 

Nhật Bản cũng là nước tỏ ra quyết đoán nhất trong việc chỉ ra và bày tỏ lo ngại về Trung Quốc, bên cạnh các "quốc gia ngoài khu vực" khác.

Báo chí Nhật Bản sau giai đoạn im lặng, sáng 1-8 đã đăng những bài lớn liên quan tới tình hình Trung Quốc, Biển Đông và ASEAN. Trong đó, truyền thông Nhật tập trung vào việc phân tích ý đồ của Trung Quốc với ASEAN và COC.

Báo Asahi số ra ngày 1-8 giật dòng tít Trung Quốc hung hăng trước ASEAN, thận trọng đặt nền móng cho đàm phán COC. Tờ báo này cho rằng Trung Quốc "thể hiện tình bằng hữu, nhưng không nhượng bộ một chút nào về cái gọi là "chủ quyền" của mình".

Nikkei trong khi đó đăng dòng tít tập trung xoáy vào phản ứng xung quanh bản tuyên bố chung: "Ở Biển Đông, một số nước thể hiện sự lo ngại trong tuyên bố chung". Tờ báo này còn khẳng định Việt Nam và Philippines thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề này.

Tờ Yomiuri trong khi đó cũng nói như Kyodo News rằng: "Tại Biển Đông, các nước ngoài khu vực là điểm quan trọng trong sự phản đối đối với Trung Quốc về đàm phán COC".

Nhìn chung, việc có hay không sự can thiệp của các nước bên ngoài - bằng bất kỳ hình thức nào, cũng là điểm mấu chốt trong COC.

Có vẻ Trung Quốc hoàn toàn ý thức được điều này và muốn ngăn bất kỳ sự có mặt của "thế lực bên ngoài". Trả lời câu hỏi liệu COC có làm phương hại lợi ích của "nước bên ngoài" hay không, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tỏ ra nước đôi: "Chúng tôi, dĩ nhiên, hi vọng các nước bên ngoài khu vực có thể thấu hiểu, tôn trọng và ủng hộ tham vấn và thực thi COC, và đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc duy trì ổn định trong khu vực, thay vì làm ngược lại".

ASEAN thúc đẩy quan hệ với Mỹ, Nhật

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ AMM-52, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các đồng nghiệp ASEAN tham dự hai sự kiện Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Nhật Bản và Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Mỹ hôm 1-8.

Đồng chủ trì hội nghị cùng Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt ASEAN phát biểu, ghi nhận quan hệ ASEAN - Nhật Bản đã phát triển bền chặt hơn 45 năm qua, chia sẻ tin cậy và hiểu biết, đem lại những lợi ích lớn lao cho hai bên và đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.

Tại sự kiện ASEAN - Mỹ, Phó thủ tướng chia sẻ đánh giá của các nước ASEAN về ý nghĩa và tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ. Ông cũng nêu rõ lo ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, xâm phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, không quân sự hóa, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Ngoại trưởng Việt Nam cùng ASEAN và Trung Quốc nói chuyện Biển Đông

TTO - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng ngoại trưởng các nước ASEAN và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp