28/09/2012 12:02 GMT+7

Cần một tổ chức chăm lo cho dân tái định cư

D.NGỌC HÀ thực hiện
D.NGỌC HÀ thực hiện

TT - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Thành, trưởng phòng nghiên cứu văn hóa xã hội Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, sau khi đọc loạt bài “Mỏi mòn chờ tái định cư” (Tuổi Trẻ 26 và 27-9).

KyIPhegq.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Thành - Ảnh: Ngọc Hà

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông NGUYỄN VĂN THÀNH nhận định:

- Xét về vật chất, đa số khu tái định cư (TĐC) ở TP.HCM đều có đường sá thuận lợi, có công viên cây xanh, trường học, khu vui chơi, hệ thống điện nước đầy đủ, an toàn. Nhà của người dân chắc chắn, khang trang khác xa nơi ở cũ. Tuy nhiên, nhiều người dân ở khu TĐC vẫn còn khó khăn khi lập nghiệp trên mảnh đất mới, môi trường mới. Họ thường không tìm được việc làm thích hợp, thu nhập bấp bênh lại lạ lẫm với xung quanh nên thiếu sự hỗ trợ kiểu tình làng nghĩa xóm. Đặc biệt, đa số người TĐC đều nghèo nên rất dễ bị tổn thương.

* Theo ông, vấn đề nằm ở đâu?

- Theo tôi, cách tổ chức TĐC của TP.HCM hiện chưa mang lại cuộc sống ổn định cho người dân. Muốn làm tốt việc này, Nhà nước cần điều tra xã hội học về tâm lý người dân trước khi di dời bà con đến nơi ở mới một cách nghiêm túc, cụ thể. Khi người dân sống ở một nơi nào đó thì họ tự sắp xếp việc học, việc làm, giờ giấc và nhiều thứ khác cho phù hợp, tạm gọi là môi trường sống. Khi thay đổi chỗ ở tức là thay đổi môi trường sống. Nếu muốn sự thay đổi làm cho cuộc sống của người dân tốt hơn, Nhà nước phải chăm lo, giải quyết rốt ráo tất cả những vấn đề trên.

* Cách làm cụ thể như thế nào?

- Tổng kết kinh nghiệm của Ngân hàng Thế giới về quá trình TĐC có ba giai đoạn: tiền TĐC, TĐC và hậu TĐC. Ở giai đoạn tiền TĐC: Nhà nước cần tổ chức các cuộc điều tra xã hội học để nắm rõ tình hình của từng cá nhân bị di dời. Cụ thể gia đình có bao nhiêu nhân khẩu, ai đang làm nghề gì, bao nhiêu người có khả năng tiếp tục nghề cũ ở nơi TĐC, bao nhiêu người có khả năng học nghề mới... Đối với những nghề cần thời gian học lâu dài, Nhà nước có thể hướng dẫn, đào tạo cho dân trước khi di dời để về nơi ở mới họ có thể đi làm, có thu nhập ngay. Chính quyền nơi đến phải lập kế hoạch dự kiến trong thời gian tới bao nhiêu gia đình sẽ chuyển về sinh sống trên địa bàn của mình, có bao nhiêu học sinh tăng thêm, cần xây dựng thêm phòng học, trường học hay không... Hiện các quy định pháp luật về TĐC của VN không hề đề cập giai đoạn này.

Giai đoạn TĐC thì người dân có thể nhận tiền tự lo nơi ở mới hoặc nhận nhà do Nhà nước bố trí. Nếu người dân nhận tiền tự lo nơi ở mới, họ phải được tư vấn cách chọn nơi ở, chi tiêu số tiền được bồi thường ra sao cho có ích, làm nghề gì cho phù hợp... nhằm bảo đảm cuộc sống ổn định. Nếu người dân nhận nhà thì nơi TĐC phải gần nơi ở cũ, có trường học, bệnh viện, chợ, việc làm... đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của họ. Sau khi TĐC, Nhà nước phải theo dõi cuộc sống của người dân tại nơi ở mới trong 1-2 năm để tư vấn, hỗ trợ, giải quyết nhanh, kịp thời những vấn đề khó khăn phát sinh từ việc di dời.

* Theo ông, thành phố nên làm theo kinh nghiệm trên?

- Sắp tới TP có chiến lược cải tạo điều chỉnh rất lớn, nhiều dự án phải giải phóng mặt bằng, nên việc TĐC cho dân còn diễn ra. Theo tôi, Nhà nước cần ban hành những quy định bắt buộc phải thực hiện ba giai đoạn của quá trình TĐC như trên với các dự án có di dời dân. Thứ hai, cần phải có một tổ chức chuyên trách, tổ chức này chịu trách nhiệm điều tra xã hội học, nắm thông tin chính xác, cụ thể của người dân trong giai đoạn tiền TĐC, tư vấn cho người dân trong quá trình TĐC cũng như theo dõi, hỗ trợ người dân sau khi di dời 1-2 năm. Chính quyền TP cũng nên thành lập hẳn một ban chỉ đạo TĐC, tập trung các sở ngành liên quan, quán xuyến từ đầu đến cuối việc di dời của người dân (tựa như ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo). Ví như đến chỗ ở mới trẻ em học trường nào, xây thêm trường hay mở thêm phòng học... thì sở giáo dục - đào tạo điều phối; khi nào xây trường thì sở xây dựng lo; sở công thương điều phối tăng diện tích chợ, trung tâm thương mại...

Điều chỉnh chính sách cho phù hợp

Sau đợt giám sát của HĐND TP.HCM về bồi thường, hỗ trợ TĐC và đào tạo, giải quyết việc làm khi Nhà nước thu hồi đất (theo nghị quyết 57 của HĐND TP), ông Nguyễn Thanh Chín - ủy viên thường trực HĐND TP - cho biết:

- Qua sáu năm thực hiện nghị quyết trên, về cơ bản TP chăm lo khá tốt chỗ ở mới cho người dân. Giai đoạn trước tháng 6-2007, TP đã tổ chức TĐC cho hơn 4.000 hộ tạm cư, nhưng từ đó đến nay lại phát sinh hơn 1.400 hộ tạm cư tại 24 dự án.

* Cam kết về TĐC rằng “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ” được lưu tâm như thế nào trong đợt giám sát này, thưa ông?

- Về cơ bản, việc chăm lo của TP đạt được yêu cầu trên. TP cũng đã lập quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi, góp phần sớm ổn định cuộc sống cho nhóm dân cư này (đã hỗ trợ trên 300 tỉ đồng).

Tuy nhiên, còn một số khu TĐC chưa đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Người dân đâu phải chỉ cần chỗ ở là đủ, mà nơi ở mới của họ phải tiện nghi, tiện lợi hơn trong cuộc sống, đi lại, học hành của con cái... Thực tế không phải nơi TĐC nào cũng có thể đáp ứng được điều này. Các cơ quan chức năng của TP phải tiếp tục nghiên cứu, lý giải để có điều chỉnh phù hợp hơn trong chính sách TĐC. Mục tiêu của di dời, giải tỏa đất đai không chỉ để có quỹ đất làm việc này, việc khác..., mà còn phải đạt mục tiêu sắp xếp lại và dần ổn định dân cư.

* Thực tế có nhiều người không đủ tiền mua nhà, đất TĐC sau khi nhận tiền bồi thường nhà, đất đã bị giải tỏa?

- Từ thực tế này, UBND TP đã kiến nghị Thủ tướng cho phép các chủ dự án (dự án làm bằng vốn ngân sách và cả dự án dùng vốn ngoài ngân sách) được chi bù cho người dân TĐC khoản tiền thiếu hụt do giá bán nhà đất TĐC cao hơn giá đất ở được tính để bồi thường trước đó.

D.NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp