16/08/2012 07:15 GMT+7

Cần lập ủy ban giám sát thị trường

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Trước tình hình hàng loạt mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, điện... tăng giá, TS Nguyễn Đình Cung, viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng do thị trường chưa vận hành thật sự.

Đồng thời còn tồn tại những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nên đề nghị lập cơ quan giám sát độc lập để giám sát thị trường.

BK8cbvg0.jpgPhóng to
TS Nguyễn Đình Cung - Ảnh: Việt Dũng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cung nói:

- Việc tăng giá điện, xăng dầu, gas... thời gian gần đây là một đòn đánh mạnh vào nhiều doanh nghiệp. Cứ nói tăng giá như thế chỉ tăng 0,25% giá thành thôi nhưng áp lực thực tế lên doanh nghiệp cũng đã rất lớn rồi. Họ đang chịu lỗ, đáng ra cần giảm giá đầu vào nhưng giá tăng có thể khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn hơn. Bởi họ không thể tăng giá mà người dân vẫn phải mua như các doanh nghiệp điện, xăng dầu...

"Có rất nhiều yếu tố mới tạo nên thị trường. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước là tạo nên một thị trường thật sự và giám sát để nó vận hành đúng. Chứ chỉ quản lý giá thôi thì mãi chúng ta cứ phải chạy theo đuôi thị trường"

TS Nguyễn Đình Cung

* VN đã theo cơ chế thị trường mấy chục năm, nay giá xăng dầu, điện... cũng phải theo thị trường, thưa ông?

- Tôi rất ủng hộ việc xăng dầu hay điện, than vận hành theo cơ chế thị trường. Nhưng đầu tiên là phải để thị trường vận hành theo đúng quy luật đã. Khi thị trường đã vận hành đúng rồi thì giá mới là kết quả của thị trường. Chứ cho giá theo thị trường trước, nhưng cơ chế vận hành vẫn chưa thật sự thị trường là không hẳn đúng. Hiện nay, mỗi khi giá tăng, người dân vẫn băn khoăn bởi các cơ quan nhà nước chưa tạo ra được một thị trường vận hành theo đúng nghĩa. Đây là lỗi của quản lý nhà nước.

Chẳng hạn như xăng dầu, Petrolimex vẫn chiếm tới khoảng 60% thị phần. Có quan chức khẳng định họ không độc quyền, nhưng về nguyên tắc, đã chiếm 60% thị phần thì dù không độc quyền doanh nghiệp vẫn ở vị trí thống lĩnh thị trường, và họ có thể trở thành người quyết định giá. Khi phải cạnh tranh đích thực, doanh nghiệp sẽ buộc phải xem xét lại hệ thống của mình, chỗ nào chưa hiệu quả thì cắt, chi phí phải giảm tối đa, quản trị buộc phải theo quy luật khắt khe... Thậm chí đôi khi lỗ họ cũng không dám tăng giá, chứ không phải cứ có khó khăn gì lại kiến nghị Nhà nước tháo gỡ và chỉ trông vào tăng giá.

* Hiện đã có các cơ quan như Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính hay Cục Quản lý cạnh tranh, Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công thương giám sát hoạt động xăng dầu, điện... Như thế vẫn chưa đủ để giá thật sự theo thị trường?

- Hiện cứ nói Cục Quản lý giá đã độc lập rồi, nhưng tôi cho rằng không nên duy trì một cơ quan như thế. Giá chỉ là sản phẩm cuối cùng của một quá trình, phương thức kinh doanh. Anh không quản nổi quá trình kinh doanh của họ mà lại đi quyết giá thì có ổn? Chúng ta cần một cơ quan giám sát thị trường mà giá chỉ là một khâu trong đó. Còn Bộ Công thương cũng như các bộ khác hiện đang đảm nhiệm chức năng “3 trong 1”: vừa là chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, vừa là người giám sát thị trường, lại vừa là nhà làm chính sách cho thị trường. Các chức năng này có thể xung đột nhau, khi điều hành các cơ quan nhà nước dễ giải quyết sự việc trên vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp, phản ánh tiếng nói doanh nghiệp. Vì vậy, để tránh các rủi ro, tôi cho rằng tốt nhất cần thành lập một ủy ban độc lập giám sát thị trường đủ mạnh. Chính phủ có thể ra các cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp A, doanh nghiệp B. Ủy ban giám sát đó nên thuộc Quốc hội, độc lập với Chính phủ và phải có quyền ra chính sách để thị trường thật sự vận hành.

C4zfwpHk.jpgPhóng to
Cây xăng trên đường đường Trường Chinh, Q. Thanh Khê treo bảng “đang nhập hàng tạm nghỉ bán” cả sáng 13-8 trước giờ xăng tăng giá - Ảnh: Trường Trung
Svc6hjUG.jpgPhóng to
Mời bạn vào tải ứng dụng Tuổi Trẻ dành cho smartphone và tablet sử dụng hệ điều hành Android đã có trên
* Như thế lại phải ra một cơ quan hành chính nữa?

- Hiện VN có nhiều cơ quan, như Cục Quản lý giá, Cục Quản lý cạnh tranh hay Cục Điều tiết điện lực... nằm trong các bộ, vai trò thấp, mỗi anh quản một khúc. Tôi cho rằng nên tập hợp các cơ quan có chức năng quản lý thị trường lại với nhau. Nhật Bản hay hầu hết các nước đều có ủy ban giám sát thị trường hoặc ủy ban kiểm soát độc quyền. Cơ chế trên sẽ giúp các bộ tránh được một lúc đảm nhiệm chức năng “3 trong 1”. Và nếu tách được các cơ quan giám sát thị trường ra khỏi các bộ, ta sẽ có giám sát chéo giữa các cơ quan nhà nước với nhau.

* Nhiều lĩnh vực như điện, than... cũng còn độc quyền và giá luôn là nỗi lo của người dân. Nhưng việc tách nhỏ tập đoàn để giải quyết độc quyền, có ý kiến lại cho rằng sẽ đi ngược chủ trương là xây dựng các tập đoàn mạnh?

- Thật ra, chủ trương đặt ra là xây dựng tập đoàn mạnh, nhưng cũng nên phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Nhà nước với vai trò chủ sở hữu có thể muốn doanh nghiệp nhà nước càng mạnh càng tốt. Nhưng Nhà nước với vai trò điều phối thị trường thì phải tạo môi trường cạnh tranh tốt. Mà thị trường có một người chiếm hầu hết thị phần sẽ khó lòng cạnh tranh. Đã theo thị trường phải giúp nó vận hành đầy đủ, khi đó tôi nghĩ sẽ giải quyết được các khúc mắc giữa các bên tham gia thị trường, người tiêu dùng sẽ tin tưởng, đồng thuận hơn.

* Nếu cứ như hiện nay, giá xăng dầu, điện... có tăng đúng nhịp thế giới cũng chưa hẳn là giá thị trường tốt nhất?

- Tăng giá người dân nói chung không thích là dễ hiểu bởi liên quan đến lợi ích của họ. Nhưng đúng là cũng phải xem lại cơ chế thị trường trong các ngành như xăng dầu, điện, than... Một doanh nghiệp luôn tìm cách ứng xử phù hợp với vị thế của mình. Khi một doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thì phương thức kinh doanh của họ khác xa với một người phải cạnh tranh ngang ngửa với một anh khác. Áp lực tái cơ cấu, cắt giảm chi phí... sẽ khác xa. Về nguyên tắc, doanh nghiệp trên cả thế giới này đều vận hành theo cách làm cho vị thế của mình ngày càng lớn lên, hạn chế sự gia nhập của anh khác, cạnh tranh đè bẹp đối thủ để lợi nhuận lúc nào cũng có giới hạn tốt nhất. Khi đã có vị thế độc tôn thì doanh nghiệp sớm muộn cũng phải có lợi ích trong đó. Điều này không thể trách doanh nghiệp. Trách nhiệm của Nhà nước là mở được thị trường để cạnh tranh tốt nhất, loại bỏ rào cản, hạn chế và giám sát vị thế thống lĩnh nhằm không để xảy ra giá độc quyền bởi giá độc quyền bao giờ người dân cũng thiệt. Nếu chúng ta không sớm tạo ra các thị trường cho các mặt hàng thiết yếu, thiếu một cơ quan độc lập giám sát thị trường để giúp thị trường có thể vận hành đầy đủ, tôi e những thất bại thị trường sẽ ngày càng nhiều.

1cv6M0DQ.jpgPhóng to
xKH2TKm6.jpg
xROKWvPP.jpg

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (nguyên thứ trưởng Bộ Tài chính):

Cần công khai hơn nữa cách tính giá

Theo tôi, để giám sát chặt chẽ đối với những lĩnh vực còn có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thì từ khâu xây dựng chính sách đến khi thực hiện phải có thanh tra, kiểm tra. Không chỉ có mặt hàng xăng dầu mà tất cả mặt hàng, dịch vụ khác mà Nhà nước vẫn phải quản lý, điều hành thì không thể buông lỏng thanh tra, kiểm tra. Nếu họ giám sát chưa khách quan, chưa tốt phải có chế tài để buộc họ thực hiện nghiêm.

Còn khi chúng ta điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, tức là tăng và giảm cùng chiều với giá thế giới là điều hết sức bình thường. Nhưng phải có sự giám sát chặt chẽ xem mức tăng như thế có đúng không.

Tôi đề nghị Cục Quản lý giá phải công khai quản lý giá xăng dầu bằng cách đăng tải giá thế giới từng ngày một. Cùng với các loại thuế và chi phí khác thì mức tăng bao nhiêu là hợp lý. Ngay cả doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng phải yêu cầu doanh nghiệp công khai cách tính.

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Hiền (chuyên gia về giá):

Không còn độc quyền mới cho cạnh tranh

Cơ quan quản lý đã có nhưng cung cách quản lý như thế nào thôi chứ không nên thành lập một đơn vị tư vấn độc lập để quản lý giá xăng dầu. Vì thị trường đang có độc quyền là Tập đoàn Xăng dầu VN chiếm 60% thị phần thì ai dám chắc đơn vị giám sát độc lập sẽ hoạt động công khai.

Vấn đề ở chỗ việc tăng giảm không hòa nhập với giá thế giới do chu kỳ tính giá của ta quá lâu. Còn ở các nước, giá thế giới tăng thì lập tức họ tăng ngay, còn giảm họ cũng điều chỉnh xuống kịp thời. Chính vì vậy, người dân không hề thắc mắc như ở ta. Theo tôi, chu kỳ tính giá phải ngắn lại, không phải 30 ngày như hiện nay mà là năm hoặc bảy ngày. Dần dần khi thị trường không còn doanh nghiệp độc quyền thì chúng ta hoàn toàn để cho doanh nghiệp cạnh tranh với nhau.

LÊ THANH ghi

GS.TS Nguyễn Vân Nam (chuyên gia về Luật cạnh tranh):

Nghịch lý chỉ có ở VN

Lâu nay Bộ Tài chính và Bộ Công thương là các cơ quan đảm nhận vai trò kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường (điện, xăng dầu, gas...) nhưng cần phải xem lại bản chất công tác kiểm soát giá hiện nay như thế nào. Cơ quan kiểm soát giá của Chính phủ lâu nay cân nhắc việc tăng hay giảm giá các sản phẩm thiết yếu này, về cơ bản, là căn cứ theo đề xuất của doanh nghiệp và theo nguyên tắc đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Đây là nghịch lý mà chắc chỉ có ở VN. Đã là doanh nghiệp dù là tư nhân hay Nhà nước khi kinh doanh phải chấp nhận lỗ và phải tự chịu trách nhiệm về những rủi ro trong kinh doanh.

Muốn có giá cả phản ánh đúng quan hệ cung cầu của thị trường phải có một môi trường cạnh tranh tự do thật sự giữa nhiều doanh nghiệp trong cùng một mặt hàng. Tuy nhiên, hiện nay ở VN một số mặt hàng thiết yếu như: điện, xăng dầu, gas... doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, chưa kể khung pháp lý cho vấn đề này ở VN vẫn chưa phù hợp, nên việc có một môi trường cạnh tranh thật sự vẫn chưa thành hiện thực. Vì vậy, việc cơ quan quản lý đề nghị trao lại cho các doanh nghiệp xăng dầu quyền chủ động quyết định giá trong bối cảnh hiện nay là vô nghĩa, thậm chí lại để cho doanh nghiệp có cớ tăng giá vô tội vạ.

Các mặt hàng như điện, nước, xăng dầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đảm bảo cuộc sống hằng ngày của người dân, nền kinh tế, nên việc kinh doanh cũng phải khác với kinh doanh các mặt hàng khác. Trong môi trường tự do cạnh tranh, giá cả các mặt hàng này vẫn có lúc cao hơn khả năng mua của đa số người lao động. Ngay cả đối với những nước phát triển, việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu đó được giao cho những công ty nhà nước thực hiện độc quyền, độc quyền đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân chứ không phải độc quyền kinh doanh. Họ không được phép lấy lợi nhuận làm mục tiêu hoạt động mà phải đáp ứng tốt nhất nhu cầu thiết yếu của người dân.

Vì vậy, trước mắt rất cần có một ủy ban giám sát độc lập và hoạt động của ủy ban này không thể là xem xét bảo hộ lợi ích của các doanh nghiệp nhà nước qua việc tăng giá, mà là có đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của người dân hay không.

ThS Nguyễn Trí Dũng (dự án “Chính sách kinh tế vĩ mô”, Ủy ban Kinh tế Quốc hội):

Lập ủy ban độc lập là cần thiết

Tại VN, nhiều sản phẩm thiết yếu như điện, xăng dầu... vẫn do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cung cấp, một số trường hợp là độc quyền phân phối. Các doanh nghiệp này trực thuộc các bộ, ngành. Khi một cơ quan chức năng có quyền quyết định giá, rất có thể doanh nghiệp sẽ có mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan đó cũng như với các cá nhân có trọng trách và đương nhiên không loại trừ khả năng tạo nhóm lợi ích.

Để thật sự tạo môi trường cạnh tranh và minh bạch, cần tạo sự cân bằng, đảm bảo có thể kiểm tra được cả sự chấp hành của doanh nghiệp và sự điều hành của các bộ. Và việc có một ủy ban giám sát độc lập với các bộ quản lý ngành là cần thiết để tạo sự cân bằng đó. Tôi cho rằng thị trường xăng dầu cũng như điện hiện nay vẫn chưa thật sự minh bạch nên khi điều chỉnh giá thường không tạo sự đồng thuận cao. Vì vậy, nên sớm nghiên cứu, thành lập ủy ban độc lập giám sát thị trường. Tuy nhiên, quan điểm của tôi, cơ quan này không nhất thiết thuộc Quốc hội mà có thể thuộc Chính phủ.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp