Chế biến gạo xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Tiền Giang - Ảnh: Vân Trường |
Để đảm bảo an ninh lương thực, Nhà nước đã giao quyền cho một số tổ chức để bảo đảm không bao giờ có sự cố về thiếu lương thực cho đất nước VN. Nhưng bây giờ tình hình đã khác...
Cải tổ VFA và bộ phận chỉ đạo chính sách
Nhà nước đã giao quyền cho hai tổng công ty nhà nước, là Tổng công ty Lương thực 1 và 2 (Vinafood 1 và Vinafood 2) lo sản lượng lúa gạo, đồng thời giao cho VFA quyền ấn định các chính sách - nhất là giá gạo tối thiểu mà một doanh nghiệp (DN) được phép xuất khẩu. VFA cũng được phân phối hạn mức (quota) xuất khẩu gạo.
Nếu sản lượng gạo của VN không đủ bảo đảm cho an ninh lương thực thì việc kiểm tra và khống chế lượng gạo xuất khẩu là cần thiết. Nhưng khi gạo VN có quá nhiều thì sự kiểm soát này trong thực tế có thể thành một công cụ cho một nhóm lợi ích thao túng, bất lợi cho các công ty xuất khẩu gạo.
VFA không phải cơ quan của Nhà nước, nhưng thực tế VFA đang dùng quyền lực Nhà nước để kiểm soát xuất khẩu lương thực, đặt các điều kiện không đơn giản cho các công ty xuất khẩu gạo, khiến nhiều công ty chán ngán, bỏ cuộc.
Đáng lý chính sách kiểm soát xuất khẩu gạo phải do một hội đồng lúa gạo (HĐLG) do Nhà nước lập ra.
Như ở Thái Lan, HĐLG do Bộ Thương mại lập ra với các thành viên từ đại diện của Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, Hiệp hội Nông dân trồng lúa Thái Lan, Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại, chủ trì là thủ tướng Thái Lan.
Nhưng ở VN thì chỉ đơn phương VFA độc quyền. Mà chủ tịch VFA lại thường là tổng giám đốc của Vinafood 2.
Như vậy, VFA chịu ảnh hưởng, hay nói cách khác, là nằm dưới chỉ đạo của một lãnh đạo tổng công ty cũng đang trực tiếp cạnh tranh, kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Với tổ chức và hiệu quả thực tế, đã đến lúc Nhà nước không nên giao quá nhiều quyền cho VFA. VN cần có một HĐLG như các nước xuất khẩu gạo đã làm, gồm nhiều thành phần liên quan từ sản xuất đến xuất khẩu. VFA chỉ là một thành phần của HĐLG VN.
Trong hội đồng trên, VFA nên trở về vị trí một tổ chức xã hội, có hội viên là các DN thực sự có nhiệm vụ sản xuất và tiêu thụ hạt gạo.
VFA mà hội viên quan trọng là Vinafood phải đi khắp nơi trên thế giới để tìm thị trường cho gạo của mình, chứ không phải như VFA hiện tại không tìm được đầu ra mà lại kiểm soát đầu ra của các DN gạo khác.
Nhà nước cũng cần nhanh chóng cải tổ bộ phận chỉ đạo về chính sách và quản lý lúa gạo VN. Vấn đề hạn ngạch xuất khẩu nên tạm thời bỏ đi, thay bằng cách điều hành linh động hơn.
Đơn giản hóa giấy phép xuất khẩu gạo
Để tạo công bằng, tất cả các DN thành viên của VFA đều phải có quyền ngang nhau với điều kiện có giấy phép xuất khẩu gạo của Bộ Công thương.
Điều kiện xin được phép xuất khẩu gạo nên đơn giản, không yêu cầu gì khác hơn là các chứng nhận gạo của DN đã đạt tiêu chuẩn do Bộ Công thương quy định (để chắc chắn gạo xuất từ VN không phải là gạo không đạt chất lượng).
Về giá, hãy để thị trường điều phối, thống nhất bằng sự gắn kết trong hiệp hội. Thủy sản không hề có hiệp hội siêu quyền lực, dù rằng có thể có một vài DN bán phá giá, nhưng cơ bản họ vẫn hoạt động hiệu quả.
Sự thay đổi cơ chế như đề xuất trên có nhiều ưu điểm: thứ nhất, bãi bỏ rào cản với các DN nhỏ sản xuất được gạo có chất lượng. Sẽ không còn mua bán hạn ngạch như trước.
Thứ hai, sẽ khuyến khích các DN xuất khẩu gạo hăng hái đi tìm đầu ra để phổ biến thương hiệu gạo của mình.
Thứ ba, gạo xuất khẩu của VN từ đây đều là gạo chất lượng theo chuẩn quốc gia; thứ tư, đầu ra xuất khẩu đa dạng sẽ khuyến khích DN có hợp đồng chặt chẽ với nông dân trồng lúa, giúp nông dân có đầu ra bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận