31/12/2017 12:14 GMT+7

Cần lắng nghe người bị khủng hoảng

HỒNG VÂN ghi
HỒNG VÂN ghi

TTO - Nhiều người VN khi gặp những sự cố, những biến động trong cuộc sống đã không được chia sẻ, tư vấn kịp thời dẫn đến những bi kịch đau lòng, có khi tan nát, hủy hoại cả một gia đình... Một số người nước ngoài chia sẻ về điều này.

Cần lắng nghe người bị khủng hoảng - Ảnh 1.

Các bạn nữ tại một lớp học về tâm lý cho phụ nữ ở Q.1 (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Anh TANASAK PHOSRIKUN (giảng viên Đại học Udon Thani Rajabhat, Thái Lan):

Hãy quan tâm đến người thân, bạn bè

Theo tôi, cách tốt nhất để giải quyết những vấn đề khủng hoảng tâm lý hay trầm cảm là ngăn ngừa không cho nó xảy ra, vì khi xảy ra thì hậu quả thường khó lường. 

Để ngăn ngừa, hãy quan tâm, lo lắng đến những người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình để giúp đỡ họ, lắng nghe họ, cho họ mượn bờ vai khi cần chứ đừng để họ phải chống chọi một mình. 

Trong gia đình, hãy dùng tình yêu để bảo vệ người thân yêu của mình trước những vấn đề có thể gây trầm cảm hay âu lo.

Từ những gì phản ánh trên báo chí, tôi thấy những vấn đề gây khủng hoảng tâm lý hoặc dẫn đến trầm cảm ở Thái Lan là do bạo lực trong gia đình giữa vợ - chồng khi họ quá ghen tuông hoặc trong các trường hợp li dị, chia tay mà người kia không mong muốn. 

Nhiều trường hợp người chồng hoặc bạn trai đã giết vợ hoặc bạn gái của mình rồi tự tử. Đối với thanh niên, các bạn trẻ thường lạm dụng chất gây nghiện như một giải pháp để quên đi vấn đề thực tại của bản thân và việc này lại gây thêm nhiều ảnh hưởng cho chính họ và xã hội.

Cần lắng nghe người bị khủng hoảng - Ảnh 2.

Anh Tanasak Phosrikun

Ở Thái Lan, Bộ Phát triển xã hội và an sinh con người đã đề ra chương trình tư vấn cho thanh niên trong trường hợp họ không muốn nói chuyện hay được tư vấn bởi cha mẹ, thầy cô giáo. Trung tâm Prachabodhi được lập ra để giúp trẻ em và phụ nữ bị bạo lực gia đình. 

Các bạn trẻ có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng 1323 để được tư vấn về những vấn đề của họ bất cứ lúc nào. 

Các trường hợp trầm cảm nặng, người bệnh cần được những người xung quanh giúp đỡ đưa đến bệnh viện và điều trị tâm lý. Ở Thái Lan, chúng tôi được điều trị tâm lý miễn phí do đã có chính phủ tài trợ.

Ngoài ra, tại Thái Lan, các địa phương cũng có nhiều hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng để thu hút các tầng lớp trong xã hội tham gia. 

Các hoạt động này cũng phần nào giúp xoa dịu các vấn đề tâm lý của giới trẻ, kết nối mọi người, tạo sự hiểu biết, thông cảm và chia sẻ lẫn nhau.

Tôi từng có thời gian sống ở Hà Nội và thấy người Việt Nam khá cởi mở và hay nói chuyện với nhau khi họ đi uống cà phê. Tôi nghĩ điều này cũng giúp giảm bớt phần nào những ức chế ở nhà hay ở cơ quan của họ. 

Từ thực tế này, nhà chức trách có thể nghĩ đến những mô hình câu lạc bộ xã hội để giúp giải quyết những vấn đề mà người Việt Nam hiện phải gồng mình chịu đựng do áp lực xã hội.

Chị MAYURI MUKHERJEE (sinh viên, người Ấn Độ):

Công bố các địa chỉ tư vấn trên Internet

Ở Ấn Độ, người dân cũng không có nhiều hiểu biết về vấn đề sức khỏe tâm lý. Hậu quả là nhiều người phải chịu đựng trong âm thầm hoặc thậm chí bị bêu xấu. 

Trong một số trường hợp, chính người trong gia đình cũng không hiểu người thân của họ gặp vấn đề về tâm lý.

Cần lắng nghe người bị khủng hoảng - Ảnh 3.

Chị Mayuri Mukherjee

Theo thời gian, tình trạng này ở Ấn Độ đã được cải thiện. Đầu năm nay, chính phủ đã thông qua một đạo luật mới về sức khỏe tâm thần, trong đó trang bị cho các bang thêm cơ sở vật chất và bảo vệ quyền của những người mắc bệnh tâm lý. 

Luật này thay thế một đạo luật cũ hơn có từ năm 1987 đã lỗi thời do có tính bôi xấu và xem người bệnh tâm thần như con nít.

Chính phủ cũng bỏ việc hình sự hóa các vụ tự tử nếu có bằng chứng người tự tử bị bệnh tâm lý, có vấn đề tâm thần hoặc trong tình trạng cần được giúp đỡ. Họ sẽ không còn bị phạt vì có hành vi lệch lạc nữa.

Ở Ấn Độ, chính phủ cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí hoặc với giá rất rẻ ở một số bệnh viện công. Ngoài ra, khối tư nhân đóng vai trò rất lớn và các tổ chức phi chính phủ cũng có nhiều chương trình giúp đỡ những người gặp vấn đề về tâm lý. 

Các địa chỉ, chương trình hỗ trợ tâm lý được công bố rộng rãi trên Internet và được phổ biến đến người dân. Đây là một trang web giới thiệu các địa chỉ mà bất cứ ai cũng có thể được hỗ trợ: https://www.thebetterindia.com/94553/suicide-helplines-india/.

bill-harany

Ông BILL HARANY (người Canada):

Đường dây nóng cho người bị khủng hoảng

Khi còn ở Canada, tôi từng làm việc tình nguyện cho một đường dây nóng chuyên tiếp nhận các vụ khủng hoảng.

Tôi nghĩ ở Việt Nam, cước phí điện thoại khá rẻ, chúng ta có thể triển khai một đường dây nóng như vậy. Ngoài ra, cũng có thể có thêm các đường dây nóng ở quy mô khu vực.

Ở Canada, nhiều tổ chức phi chính phủ và các nhà thờ đã có những nỗ lực trong việc tư vấn tâm lý cho mọi người, bên cạnh những nỗ lực (chưa nhiều) của các cấp chính phủ.

Thường thì những dịch vụ tư vấn tâm lý sẽ do nhân viên nhà thờ hoặc các tổ chức đó thực hiện, có chỗ miễn phí, tùy lòng hảo tâm, hoặc cũng có chỗ tính phí dưới nhiều hình thức.

Tôi có nghe việc một số trường học ở Việt Nam đã có các văn phòng tư vấn tâm lý cho học sinh.

Tôi nghĩ điều đầu tiên để những nơi này hoạt động hiệu quả là phải hoàn toàn bảo mật thông tin. Nếu thông tin tư vấn không được bảo mật sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, nhân viên tư vấn ngoài chuyện phải được đào tạo bài bản, còn phải là người nhạy cảm trong các vấn đề của các em.

Trẻ vị thành niên luôn cần cảm giác an toàn và điều này sẽ đạt được nếu các em có thể tin tưởng tư vấn viên của mình.

NGỌC ĐÔNG ghi

HỒNG VÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp