04/11/2015 09:25 GMT+7

Cần lắm sự cảm thông, chia sẻ

NGUYỄN CAO
NGUYỄN CAO

TT - Nhân đọc bài “Đừng quá khắt khe với bảo mẫu” (Tuổi Trẻ ngày 31-10).

Giáo viên hiện nay có rất nhiều áp lực, bởi chủ trương của Bộ GD-ĐT đang thực hiện là lấy học sinh làm trung tâm. Cứ thử hình dung trong một gia đình có 1 - 2 đứa con nhưng nhiều lúc chúng ta còn bất lực, muộn phiền và cáu gắt dù đó là đứa con chúng ta sinh ra, hiểu nó từng đường tơ kẽ tóc. Trong lúc đó thầy cô có cả mấy trăm “đứa con” một lúc, cũng là chừng ấy tính cách khác nhau.

Nếu là thầy cô chủ nhiệm thì còn có thời gian gần gũi và biết được hoàn cảnh, tính nết của học trò. Nhưng những thầy cô bộ môn mỗi tuần chỉ có vài tiết, nhiều môn chỉ có một tiết/lớp thì rất khó hiểu được học trò của mình.

Trong khi bây giờ chúng ta dành cho học sinh quá nhiều đặc ân. Học sinh không còn kính trọng và sợ thầy cô như ngày trước nữa. Trả bài học sinh một lần, hai lần và thậm chí nhiều lần sau nữa các em vẫn không thuộc bài, thậm chí có em còn thách thức thầy cô muốn cho bao nhiêu điểm thì cho!

Gặp những trường hợp như vậy liệu chúng ta có giữ mãi được sự bình tĩnh và không nóng nảy không? Nhưng chỉ một lời nói lớn, nói nặng học sinh là vi phạm đạo đức nhà giáo, bị dư luận lên án...

Chúng tôi đã từng chứng kiến chuyện buồn của một cô giáo cùng trường đã có gần 30 năm đứng lớp, chỉ còn hai năm nữa là về hưu. Trong lớp của cô có một học sinh đã nhiều lần không thuộc bài. Cô đã khuyên nhủ, động viên em này nhiều lần nhưng không được, sau đó cô dọa rằng nếu em cứ học như vậy là cuối năm cô cho ở lại lớp.

Dọa như vậy là để học sinh chăm lo học bài, nhưng không ngờ em học sinh này không đi học nữa. Mẹ của em đã đến trường gặp hiệu trưởng và đòi làm đơn thưa lên phòng giáo dục. Cuối cùng, ban giám hiệu phải giảng hòa và cô giáo phải xin lỗi phụ huynh.

Thật đau lòng khi thiện ý tốt đẹp lại phải cúi đầu trước suy nghĩ non nớt của học trò. Giọt nước mắt bất lực lăn dài trên gương mặt người giáo viên già, vì những quy định khắt khe của ngành.

Ngày nay nhiều gia đình cưng chiều con. Phụ huynh coi con mình như “ông trời con”, con mình là nhất, làm cái gì cũng đúng, nên đã có những suy nghĩ và phản ứng chưa đúng mực khi con em mình gặp chuyện. Vô tình quý vị dung dưỡng cho con những điều sai trái và không giúp các em nhận ra cái sai của mình.

Muốn học sinh ngoan hiền, biết ý thức học tập và lo cho tương lai phía trước thì không có cách nào thiết thực hơn là sự sẻ chia, hợp tác giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh.

Cha mẹ nào cũng mong con cái trưởng thành và thầy cô nào cũng mong học trò mình đỗ đạt thành tài. Nhưng nếu gặp phải những em chưa ngoan, biện pháp giáo dục không chỉ là yêu thương, động viên mà cần có sự nghiêm khắc nhắc nhở, để các em thấy được trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội mà phấn đấu học tập, rèn luyện.

Sự tôn vinh người thầy dù ở thời đại nào cũng cần thiết, chúng tôi - những người thầy - cần lắm cái nhìn cảm thông, sự chia sẻ từ xã hội để có thể dành trọn tâm huyết với nghề, toàn tâm dạy dỗ học sinh nên người.

NGUYỄN CAO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp