20/08/2015 09:41 GMT+7

​Cần lắm những quy trình “báo động đỏ”

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Quy trình “báo động đỏ” có từ 5-6 năm nay. Nhờ có quy trình này mà BV Nhi Đồng 1 đã cứu sống nhiều em bé vào cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm (áo trắng) đang kiểm tra sức khỏe cho bé Phát sáng 18-8 - Ảnh: L.TH.H.

Sự hồi sinh kỳ diệu của bé trai 12 ngày tuổi bị đâm thấu sọ được các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhân Dân 115 cứu sống không chỉ mang lại niềm vui cho gia đình cháu bé mà còn đem đến rất nhiều cảm xúc cho những ai quan tâm đến sức khỏe cháu bé.

Cảm xúc đó còn là sự trân trọng, cảm phục trước những nỗ lực của các y bác sĩ hai bệnh viện này.

Nói về việc cứu sống ngoạn mục cháu bé này, bác sĩ Đào Trung Hiếu - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - chia sẻ: ngoài sức sống mãnh liệt của chính cháu bé còn do bệnh viện đã xây dựng và thực hiện quy trình “báo động đỏ” từ 5-6 năm nay. Nhờ có quy trình này mà bệnh viện đã cứu sống nhiều em bé vào cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh. Người có ý tưởng và đưa vào thực hiện quy trình này là TS.BS Tăng Chí Thượng - nguyên giám đốc bệnh viện, hiện là phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Quy trình “báo động đỏ” cho phép huy động cùng lúc nhiều bộ phận liên quan, cùng nhau tập trung cứu chữa một bệnh nhi trong thời gian cực ngắn. Và chỉ trong 5-10 phút, sinh mạng của bệnh nhi có thể sẽ được cứu sống.

Quy trình này được xây dựng bằng tất cả tâm huyết và quyết tâm của cả tập thể Bệnh viện Nhi Đồng 1 khi thấy có nhiều trường hợp cấp cứu phải can thiệp phẫu thuật khẩn cấp đã không qua khỏi bởi những thủ tục hành chính - dù là đúng quy định.

Thường một trường hợp khẩn cấp vào viện phải phối hợp rất nhiều khoa, từ cấp cứu đến trực phẫu thuật, trực phòng mổ, ngân hàng máu, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh...

Các y bác sĩ làm cấp cứu dù rất nhiệt tình nhưng nếu làm theo quy trình bình thường thì mất rất nhiều thời gian vì bệnh nhân vào cấp cứu phải mời hội chẩn, xem có chỉ định mổ không và báo phòng mổ. Rồi chờ xếp phòng mổ, đăng ký máu... trong khi sinh mệnh con người có thể tính bằng giây, bằng phút.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng chia sẻ rằng khi quy trình “báo động đỏ” ra đời, cơ hội cứu sống bệnh nhi được tăng thêm rất nhiều. Để làm được điều này, bệnh viện phải phân quyền.

Người được quyền “phát tín hiệu đỏ” là bác sĩ cấp cứu và bác sĩ trực ngoại khoa mà không cần phải chờ xin ý kiến trưởng khoa hay trực lãnh đạo bệnh viện, nếu đánh giá cần phải mổ khẩn cấp. Khi lệnh phát ra, tất cả các bộ phận liên quan đều phải thực hiện ưu tiên số một cho ca mổ này...

Thời gian qua, sau hàng loạt sự cố y khoa, Bộ Y tế đã liên tục ban hành các quy định để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Hàng loạt quan điểm mới, việc đổi mới về quản lý, kiến thức, cách làm, phương pháp, phong cách... đã và đang được triển khai vì an toàn và sự hài lòng của người bệnh.

Các quy định này là cần thiết nhưng chưa đủ nếu người lãnh đạo bệnh viện chỉ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn. Nếu không có sự chủ động, sáng tạo, không trăn trở với sinh mạng, sức khỏe của người bệnh thì quy định chỉ là quy định.

Cuộc giành giật với “thần chết” để giữ lại mạng sống cho bệnh nhân luôn đòi hỏi phải có những sự sáng tạo như quy trình “báo động đỏ” của Bệnh viện Nhi Đồng 1.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp