Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã có điều chỉnh, bổ sung liên quan quy định về đèn vàng.
Xung quanh vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt này của bạn đọc, Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của tiến sĩ Phạm Sanh - chuyên gia về giao thông.
Đèn vàng: Vấn đề cũ nhưng luôn mới
Theo dự thảo quy định trên, khi có tín hiệu đèn vàng, tài xế phải dừng lại trước vạch dừng.
Trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà có tín hiệu đèn vàng thì được đi tiếp.
Trường hợp đèn vàng nhấp nháy, tài xế được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các xe khác theo quy định.
Như vậy quy định về đèn vàng đã được điều chỉnh, bổ sung thêm nội dung nếu tài xế đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà có tín hiệu đèn vàng sẽ được đi tiếp.
Không riêng gì Việt Nam, trên thế giới hiện nay vẫn còn nghiên cứu liên tục nâng cao hiệu quả an toàn về đèn tín hiệu giao thông và đèn vàng.
Trong đó có các nghiên cứu về: Tín hiệu giao thông thông minh, tự động điều chỉnh chu kỳ đèn theo lưu lượng và thời gian thực sao cho năng lực thông qua tốt nhất và giảm kẹt xe toàn mạng lưới giao thông, dựa trên các công nghệ cảm ứng, AI, GIS...
Thậm chí người ta còn nghiên cứu về hành vi người lái, giảm bẫy đèn vàng, khu vực tiến thoái lưỡng nan của đèn vàng...
Lịch sử ly kỳ của đèn vàng
Để có được định hình tiêu chuẩn như hiện nay, đèn vàng đã có một lịch sử phát triển khá dài và ly kỳ.
Ngày 10-12-1868: Ngày chính thức ra đời của đèn giao thông đầu tiên trên thế giới chạy bằng khí tại London. Năm 1914, đèn điện 2 màu xanh, đỏ xuất hiện tại Cleveland, Hoa Kỳ.
Sau đó Detroit và New York đã thêm màu vàng vào giữa màu đỏ và xanh lá cây vào năm 1920.
Từ đó đèn giao thông mà chúng ta biết ngày nay đã ra đời và trở thành tiêu chuẩn trên toàn thế giới.
Năm 1923, đèn giao thông điện được lắp đặt ở Paris. Hầu hết các thành phố lớn nhất châu Âu đều sớm làm theo: Berlin năm 1924, Milan năm 1925, Rome năm 1926, London năm 1927, Praha năm 1928, Barcelona năm 1930…
Và hệ thống này được xuất khẩu sang Tokyo vào năm 1931. Công ước đầu tiên về tín hiệu đường bộ được ký tại Geneva vào ngày 30-3-1931. Phần lớn các dấu hiệu mà chúng ta nhận ra ngày nay đều được xác định thông qua hiệp ước này.
Đèn giao thông có ba màu (đỏ, vàng, xanh) trở thành tiêu chuẩn. Sau đó là Geneva 1949, Vienna 1968. Rất tiếc, các công ước này đậm màu sắc châu Âu, nhiều nước không tham gia như Mỹ (đã có MUTCD), Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Phi (SADC-RTSM), Malaysia…
Hệ thống màu đầu tiên được sử dụng trong hệ thống tín hiệu giao thông dựa trên hệ thống đèn định vị 2 màu xanh - đỏ được sử dụng trên tàu biển và 3 màu đỏ, xanh, trắng trên tàu hỏa.
Đèn màu vàng được sử dụng trên đèn giao thông hiện đại được giới thiệu năm 1921, khi nhà phát minh William Potts mang đèn giao thông ba màu đến Detroit.
Sự phát minh này đã bổ sung thêm đèn "cảnh báo" màu vàng vào các tín hiệu màu đỏ và xanh hiện có - báo hiệu cho người lái xe rằng đèn sắp thay đổi và cảnh báo họ giảm tốc độ.
Khi đến gần một ngã tư và đèn giao thông chuyển sang màu vàng, người lái xe phải dừng lại nếu thấy an toàn. Các luật và hướng dẫn cụ thể về đèn vàng có thể khác nhau tùy theo luật pháp từng quốc gia, vì vậy điều quan trọng là bạn phải nắm rõ luật giao thông tại đất nước và khu vực mà mình tham gia giao thông.
Những cảnh báo về tai nạn đèn vàng
Phải thận trọng và phán đoán tốt nhất khi đến gần giao lộ có đèn vàng. Là tín hiệu cảnh báo, đèn vàng sẽ nhắc người lái xe giảm tốc độ và chuẩn bị dừng khi đèn chuyển sang màu đỏ.
Tuy nhiên không phải tài xế nào cũng tuân theo cảnh báo này. Người lái ô tô thường xuyên nhìn thấy đèn vàng và lái xe nhanh hơn để vượt đèn đỏ dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.
Các nguyên nhân khác gây ra tai nạn đèn vàng bao gồm: Không chú ý khi lái xe, rẽ trái nguy hiểm trước mặt xe đang chạy tới, chạy quá mau, lái xe trong khi say, buồn ngủ bất cẩn...
Cho dù bạn đã lái xe bao nhiêu năm, bạn vẫn có thể gặp phải những tình huống cần phải đưa ra quyết định xem phải làm gì khi gặp đèn vàng.
Tùy thuộc vào địa điểm và thời điểm bạn lái xe, bạn có thể gặp phải tình trạng này thường xuyên và luôn đặt ra câu hỏi: Dừng lại hay đi?
Câu trả lời phần lớn phụ thuộc vào việc bạn ở cách đèn giao thông bao xa khi đèn chuyển sang màu vàng lần đầu tiên.
Tuy nhiên một số tài xế có thời gian phản ứng chậm hơn những tài xế khác, đặc biệt là những tài xế lớn tuổi. Điều kiện thời tiết và đường sá cũng ảnh hưởng đến hành động của bạn.
Hiện tại các quy trình để xác định thời gian đèn vàng thường cho thời gian phản ứng là 1 giây. Thế nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy nhiều người cần nhiều thời gian hơn để phản ứng, dẫn đến thường nhấn phanh mạnh hơn để bù đắp cho khoảng thời gian đã mất khi phản ứng với sự thay đổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận