05/12/2023 08:52 GMT+7

Cần kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm không khí

Nhiều ngày qua Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức cao. Ở Bắc Ninh thậm chí còn ở mức nguy hại. Chuyên gia cho rằng cần phải kiểm soát nguồn thải để cải thiện, nâng chất lượng không khí.

Đường phố Hà Nội vào sáng sớm với bầu không khí mù mờ và kết quả quan trắc xấu - Ảnh: DANH KHANG

Đường phố Hà Nội vào sáng sớm với bầu không khí mù mờ và kết quả quan trắc xấu - Ảnh: DANH KHANG

Nhiều ngày qua, trạm quan trắc chất lượng không khí đặt ở trụ sở UBND xã Đại Đồng (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) luôn có kết quả chất lượng không khí ở ngưỡng xấu, rất xấu và nguy hại.

Để cải thiện, nâng cao chất lượng không khí phải kiểm soát nguồn thải. Việc này không phải một sớm một chiều, tuy nhiên thực tế cho thấy trong những năm qua chúng ta làm ít quá...

TS Hoàng Dương Tùng (chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam)

Đeo khẩu trang thường xuyên tránh bụi mịn

Để phòng tránh bụi mịn PM2.5 (nhỏ bằng 1/30 sợi tóc), mỗi khi ra đường người dân Tiên Du, Bắc Ninh thường trực khẩu trang.

Bà Đào Thị Lan (68 tuổi, thôn Đại Huy, xã Đại Đồng) cho biết: "Những ngày này, tôi hay bị ho, ra đường là phải đeo khẩu trang.

Ngày nào chất lượng không khí được cảnh báo ở mức nguy hại tôi cảm thấy khó thở. Mong muốn cơ quan chức năng quyết liệt cùng vào cuộc, tìm giải pháp để cải thiện không khí tốt hơn".

Tại trạm quan trắc ở số 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) nhiều ngày cũng ghi nhận chất lượng không khí ở mức rất xấu. Không chỉ các quận nội thành mà ngoại thành cũng mịt mờ trong sương, bụi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết UBND TP Hà Nội đã giao UBND các quận, huyện có trách nhiệm đánh giá nguồn phát thải để tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng không khí.

Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng không khí ở Hà Nội như tình trạng đốt rác thải sinh hoạt tự phát, thi công hạ tầng kỹ thuật và mật độ giao thông gia tăng vào cuối năm.

"Nhờ các giải pháp đồng bộ nên tình trạng đốt rơm rạ, đun nấu bằng than tổ ong đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, theo tôi phải có các giải pháp dài hơi hơn để có kết quả khả quan trong việc giảm ô nhiễm không khí", vị này nói.

Kiểm soát nguồn thải

Ngày 4-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - nêu giải pháp giải quyết ô nhiễm không khí ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc là buộc phải kiểm soát nguồn thải.

Theo ông Tùng, nguồn thải dẫn đến ô nhiễm không khí đến từ các cơ sở sản xuất, làng tái chế (kim loại, nhựa, giấy...), cuối năm xe đông, nhiều công trình xây dựng, việc đốt than, đốt rác (đặc biệt là ở các huyện ngoại thành Hà Nội)... là nguyên nhân gia tăng, phát tán bụi mịn.

"Kiểm soát khí thải phức tạp hơn nhiều so với kiểm soát chất thải xả ra môi trường nước, đất. Cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát từ các ống khói của nhà máy, làng nghề.

Cần tuyên truyền để người dân không đốt rác tự phát. Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông và đầu tư thêm các trạm quan trắc ở các địa phương...", ông Tùng nói.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng mới ban hành văn bản đề nghị sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương triển khai giải pháp nhằm kiểm soát các hoạt động phát sinh khí thải, bụi.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, chất lượng không khí tại nhiều điểm thuộc mạng lưới quan trắc quốc gia cho thấy ô nhiễm bụi trong không khí đang có diễn biến xấu.

Thời tiết giao mùa nhiệt độ, độ ẩm chênh lệch ngày và đêm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt... cũng góp phần ảnh hưởng khả năng khuếch tán chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Đặng Kim Chi, phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, có ý kiến:

"Hiện nay nguồn thải phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt ở đô thị, nông thôn, trong đó có tình trạng đốt rác thải tự phát đã sinh ra các loại khí, bụi độc hại. Tình trạng đốt rơm rạ trong những năm qua đã giảm nhiều nhưng vẫn còn, gây ô nhiễm cả một khu vực rộng lớn.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong khâu thu gom, tập kết, xử lý và nâng cao ý thức của từng người dân để góp phần giảm ô nhiễm không khí".

Cần phòng tránh bụi mịn ra sao?

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng, trưởng khoa bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi trung ương, những hạt bụi có thể xâm nhập vào hệ thống hô hấp qua không khí, đi vào phổi. Khi không khí bị ô nhiễm, có nhiều bụi nhỏ, hạt bụi càng nhỏ sẽ càng đi sâu vào cơ thể hơn.

Tại những môi trường đô thị với mật độ giao thông đông sẽ khiến lượng bụi hữu cơ nhiều hơn. Việc đốt cháy nhiên liệu động cơ, sản sinh ra các tạp chất phát tán ra môi trường như cacbon, nitơ, lưu huỳnh... rất độc hại. Những hạt bụi này có kích thước nhỏ và chứa nhiều hợp chất hóa học, lơ lửng trong không khí.

"Những chất này khi vào cơ thể nhẹ thì gây kích ứng như hắt hơi, sổ mũi, nặng có thể khiến con người có phản ứng ho, khạc đờm kéo dài, thậm chí khó thở.

Đặc biệt, ở những người có bệnh hô hấp, bệnh mạn tính ở phổi như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, làm nặng thêm vấn đề tim mạch. Sống trong môi trường ô nhiễm không khí kéo dài còn gây các rối loạn tắc nghẽn", bác sĩ Hồng nêu.

Bác sĩ Hồng cho biết thêm trong môi trường ô nhiễm, những người có cơ địa dị ứng, nhạy cảm, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, hoặc các bệnh nền mạn tính đều có thể khiến bệnh nặng thêm hoặc dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vì vậy, trong thời điểm môi trường ô nhiễm, những người này hạn chế đi ra đường. Trong trường hợp bắt buộc phải ra đường cần chú ý đeo khẩu trang.

Những người bệnh mạn tính, bệnh tim mạch, hô hấp hoặc người có sẵn bệnh nền nếu thấy bất cứ triệu chứng ho, khó thở tăng lên, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

TP.HCM sẽ có 57 điểm quan trắc ô nhiễm không khí

Sương mù tại TP.HCM - Ảnh: L.PHAN

Sương mù tại TP.HCM - Ảnh: L.PHAN

Những ngày gần đây, vào sáng sớm đến trưa bầu trời tại TP.HCM xuất hiện lớp sương mù khiến tầm nhìn hạn chế.

Lớp mù này được chuyên gia khẳng định có tồn tại chất ô nhiễm khói, bụi gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên hiện nay thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM còn chậm.

Nhận định về chất lượng không khí tại TP.HCM những ngày qua, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết không khí TP.HCM đang bị ô nhiễm do khói, bụi nhưng không quá nặng như Hà Nội.

Hiện tượng mù ở TP.HCM là mù khô và sương mù hỗn hợp với điểm chung là đều chứa các hạt lơ lửng gồm bụi, khói... và không bị khuếch tán lên cao do gió yếu. Ngoài cản trở tầm nhìn, lớp mù trên sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gây ra các bệnh về hô hấp, đau họng, cay mắt...

Bầu không khí ô nhiễm nhưng hiện tại thông tin về chất lượng môi trường tại TP.HCM khá "mù mờ". Trước đây Cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thường đăng tải thông tin chất lượng nước, không khí theo chu kỳ nửa tháng và một tháng. Từ tháng 5-2023 đến nay bảng tin này không được cập nhật nữa.

Về vấn đề này, phía sở cho biết do gặp một số vướng mắc nên thông tin bị chậm. Sở này khẳng định sẽ đăng tải trở lại thông tin quan trắc về môi trường cho người dân được biết trong những ngày tới.

Được biết, hiện nay TP.HCM chưa có quan trắc tự động nên vẫn làm thủ công. Nhược điểm của cách làm thủ công là sẽ có kết quả chậm. Vậy về lâu dài TP.HCM sẽ giải quyết bài toán này như thế nào?

Ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết phương án đã được thực hiện gần đây là đầu tư xây dựng Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường có đầy đủ phòng chức năng (thí nghiệm, quan sát, tiếp nhận số liệu trực tuyến...).

"Trung tâm này có vốn đầu tư khoảng 78 tỉ đồng. Trụ sở có phòng thí nghiệm, các cơ quan chuyên môn của trung tâm tập trung tại chỗ và liên thông với nhau thì công việc sẽ nhanh hơn", ông Thắng nói.

TP.HCM đang đầu tư nâng cao năng lực quan trắc. Theo lộ trình, khoảng năm 2025 sẽ khởi công xây dựng các trạm quan trắc tự động trên toàn địa bàn TP, cụ thể là 57 điểm, vị trí quan trắc.

Hà Nội ô nhiễm không khí: Mùa đông có phải nguyên nhân?Hà Nội ô nhiễm không khí: Mùa đông có phải nguyên nhân?

Chuyên gia cho rằng dù mùa đông hay mùa hè thì nguồn ô nhiễm phát ra không khí cũng tương đương. Tuy nhiên, đặc trưng của mỗi mùa lại khiến lượng khói bụi này có những diễn biến khác nhau, từ đó làm tăng hoặc giảm chỉ số ô nhiễm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp