Chúng tôi vừa đến thăm ông Lê Như Tiến (đại biểu Quốc hội các khóa 12, 13). Ông bà hiện cư ngụ tại một căn hộ chung cư chật hẹp, trong hẻm sâu đường Trích Sài (Tây Hồ, Hà Nội). "Ở hết mấy đâu. Nhà nhỏ ngõ nhỏ nhưng được cái thuận tiện là đạp xe một chút đã ra đến hồ Tây, mình luyện tập thể dục, rồi ngồi cà phê tán gẫu với bạn bè" - ông Tiến tâm sự.
Mười năm hoạt động nghị trường, ông Tiến nhiều lần lên tiếng về những bức xúc từ công tác quản lý nhà công vụ. Trong một kỳ họp Quốc hội năm 2014, ông bày tỏ: "Đến lúc chúng ta phải đưa vào Bộ luật hình sự một loại tội danh tham nhũng mới: tham nhũng nhà công vụ".
Theo ông Tiến, có những cán bộ khi về hưu đã mắc một bệnh chung, đó là bệnh "quên trả lại nhà công vụ" mà "thực chất là biến nhà công vụ thành nhà tư. Có người cho con cháu sử dụng nhà công vụ theo cơ chế ở nhờ, giữ hộ. Có người còn tính toán hơn, cho thuê nhà công vụ để hằng tháng đều đặn lĩnh một khoản tiền trời cho, lớn hơn tiền lương nhiều".
Tháng 4 năm nay, xã hội một phen bức xúc sau khi báo Tuổi Trẻ đăng tin 12 cựu quan chức chây ỳ không chịu trả nhà công vụ. Trước búa rìu dư luận, 12 vị sau đó đã phải ký biên bản trả nhà. Thật không thể lý giải được tại sao các vị vẫn đi vào "vết xe đổ" khi mà chính sách của Nhà nước đã rõ ràng và đặc biệt là trong mười năm qua đã có nhiều tấm gương xấu cho người sau soi vào.
Và mới đây, dư luận lại dậy sóng về nội dung đơn của một cựu thứ trưởng xin giữ lại nhà công vụ - căn hộ bà vẫn ở mặc dù đã nhận sổ hưu suốt 13 năm qua. Nếu bà cựu thứ trưởng không thuộc diện được cấp hoặc thuê nhà công vụ nữa thì nên tự lo chỗ ở, hoặc khó khăn quá thì xin hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội, quy định của pháp luật đã rõ ràng và không có ngoại lệ.
Hơn thế, giữa thời điểm đại dịch COVID-19, nhiều tầng lớp nhân dân rất khó khăn, Thủ tướng bận trăm công ngàn việc, sao một cán bộ đã về hưu lại gửi đơn chỉ để xin giải quyết chuyện thuê nhà?
Có lẽ cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà công vụ là Bộ Xây dựng cần kiên quyết, dứt khoát hơn với các trường hợp sở hữu nhà công vụ không đúng đối tượng. Đừng để báo chí, dư luận phải "đòi hộ" nhà giúp cơ quan chức năng.
Xin trích lại phát biểu của ông Lê Như Tiến từ năm 2014: "Tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên, bác sĩ, lực lượng vũ trang, những người được điều động, luân chuyển và tự nguyện đến công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn".
Đó là những đối tượng cần quan tâm liên quan đến nhà công vụ và hi vọng có thể kết thúc chuyện về nhà công vụ, bởi báo chí đã tốn quá nhiều giấy mực trong suốt thời gian dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận