Phóng to |
Ông Trần Công Trục - Ảnh: Tuấn Phùng |
* Với tư cách cử tri và là một chuyên gia về biên giới lãnh thổ, ông đón nhận nội dung trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ như thế nào?
- Khi đăng đàn trước Quốc hội, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian để ưu tiên nói kỹ bốn nhóm vấn đề về biển Đông, trong đó tôi chú ý nhất đến nhóm vấn đề quần đảo Hoàng Sa. Sáng 26-11, đây cũng là câu chuyện được bàn luận nhiều nhất bên ly cà phê giữa tôi với một số bạn bè, dù già hay trẻ đều đồng tình với ý kiến của Thủ tướng. Riêng tôi, với tư cách là một nhà nghiên cứu, đánh giá rất cao các nội dung Thủ tướng đã trình bày trước Quốc hội. Tất cả đều đúng đắn, rõ ràng.
* Thủ tướng Chính phủ cho biết chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Theo ông biện pháp hòa bình ở đây cụ thể là gì?
- Trước hết cần thấy rằng chủ trương này phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)... Và chủ trương này cũng phù hợp với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” giữa VN và Trung Quốc.
"Sự đoàn kết của dân tộc VN là hết sức quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Trước hết chúng ta phải đoàn kết trong nội bộ, đồng thời phải tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với chính nghĩa của mình" |
Việc đàm phán hòa bình cũng chính là trên các cơ sở như vừa nêu, trong đó có việc hai bên tiến hành cuộc gặp định kỳ trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường.
Cũng theo thỏa thuận nêu trên, đối với tranh chấp trên biển giữa VN - Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Ở đây, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN là vấn đề song phương giữa VN và Trung Quốc. Biển Đông có nhiều loại vấn đề, những vấn đề liên quan đến nhiều nước và nhiều bên khác như vấn đề quần đảo Trường Sa thì giải quyết giữa các bên có liên quan...
* Về mặt luật pháp quốc tế, vấn đề đó giải quyết như thế nào?
- Hiến chương Liên Hiệp Quốc có quy định các bên trong cuộc tranh chấp phải cố gắng tìm cách giải quyết bằng con đường đàm phán... Ngoài ra các bên cũng có thể tính đến các giải pháp khác, chẳng hạn như thông qua cơ quan tài phán quốc tế.
* Với tư cách một chuyên gia, ông có đề xuất gì?
- Đối với quốc tế, khi các bên trong cuộc tranh chấp có lập trường quá xa nhau thì cần có tiếng nói khách quan hơn bằng cách đưa ra cơ quan tài phán quốc tế. Đương nhiên, muốn đưa ra cơ quan tài phán quốc tế thì phải thực hiện nhiều thủ tục khá phức tạp, có tòa án đồng ý giải quyết vấn đề một bên đưa ra, nhưng cũng có tòa án đòi hỏi hai bên đều đồng ý đưa ra tòa thì họ mới giải quyết.
Đối với chúng ta, tôi nghĩ rằng cần phải huy động lực lượng từ các nhà lập pháp đến ngoại giao, khoa học, kỹ thuật... để cùng nhau nghiên cứu, tìm ra được những phương án, những giải pháp tốt nhất để thực hiện chủ trương. Chúng ta công khai, minh bạch về chủ trương, nhưng không phải chỉ dừng lại ở chủ trương mà phải tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia am hiểu luật pháp quốc tế để nghiên cứu sâu mới giải quyết được những vấn đề cụ thể. Đơn cử như vấn đề có đưa ra tòa án quốc tế hay không, chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng, từ đó mới xác định được cách hành xử phù hợp và có lợi nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận