Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải Bình Dương và Đồng Nai về phương án đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) kết nối Bình Dương và Đồng Nai.
Kéo dài tuyến metro tới Bình Dương và Đồng Nai
Ngày 25-5, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Bình Dương và Đồng Nai, Sở Xây dựng Bình Dương cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan về phương án đầu tư kéo dài tuyến metro số 1.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan tại cuộc họp này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã phối hợp với đơn vị tư vấn (Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam) rà soát, cập nhật các quy hoạch liên quan của các địa phương và hoàn thiện báo cáo phương án đầu tư.
Để có cơ sở báo cáo UBND các địa phương xem xét, thống nhất phương án đầu tư xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị Sở Giao thông vận tải Bình Dương và Đồng Nai sớm có văn bản góp ý về phương án đầu tư.
Trong đó, tập trung có ý kiến về quy hoạch, hướng tuyến, vị trí các nhà ga trên tuyến, phương án phân chia các dự án thành phần, đề xuất nguồn vốn đầu tư cho các dự án thành phần, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, kế hoạch thực hiện…
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị Sở Giao thông vận tải Bình Dương và Đồng Nai quan tâm, phối hợp; có văn bản phúc đáp gởi về sở trước ngày 10-12.
Cần hơn 86.000 tỉ đồng
Theo báo cáo phương án đầu tư của đơn vị tư vấn, sơ bộ khái toán tổng mức đầu tư của toàn dự án kéo dài tuyến metro số 1 khoảng 86.150 tỉ đồng (hơn 3,6 tỉ USD), dự kiến sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Dự án có tổng chiều dài 53,3km, được chia làm 3 dự án thành phần.
Cụ thể, dự án thành phần 1 từ sau ga bến xe Suối Tiên đến ga S0 (phường Bình Thắng, TP Dĩ An) dài 1,8km do TP.HCM chủ trì thực hiện.
Tuyến bắt đầu từ sau ga bến xe Suối Tiên đi trên cao dọc bên phải xa lộ Hà Nội vào ga S0. Ga này dự kiến đặt trước nút giao Tân Vạn và là ga nối ray giữa hai nhánh rẽ đi Bình Dương và Đồng Nai.
Dự án thành phần 2 từ ga S0 nối dài lên TP Tân Uyên (Bình Dương) với tổng chiều dài 31,35km do Bình Dương thực hiện. Toàn đoạn tuyến có 14 ga và 1 depot dự kiến đặt tại phường Phú Chánh, TP Tân Uyên.
Hướng đoạn tuyến đi chung hành lang cùng tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng và tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh, sau đó vượt qua đường Mỹ Phước - Tân Vạn đi giữa đường Trung tâm hành chính TP Thủ Dầu Một vào trung tâm thành phố Tân Uyên.
Dự án thành phần 3 từ ga S0 nối dài lên huyện Trảng Bom (Đồng Nai) với tổng chiều dài 20,1km, bao gồm nhánh rẽ và depot do Đồng Nai chủ trì thực hiện. Toàn đoạn tuyến gồm 11 ga và 1 depot dự kiến đặt tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom.
Hướng đoạn tuyến đi trên cao bên dải đất cây xanh dọc theo xa lộ Hà Nội đến trước khu vực nút giao đường Amata, đi trên cao vào giữa quốc lộ 1 đến công viên 30-4.
Sau đó tuyến rẽ phải đi trên cao dọc quốc lộ 1 đến khu vực giao cắt với đường Thái Hòa (nhà thờ Thái Hòa), rồi rẽ trái vào khu vực depot tại xã Hố Nai 3. Đoạn tuyến được bố trí tránh hầm chui Tam Hiệp và cầu vượt Amata.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận