22/10/2014 00:10 GMT+7

​Cần hơn 250 triệu USD để tẩy độc dioxin sân bay Biên Hòa

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Cần biết - Kết quả khảo sát gần đây cho thấy khối lượng đất, trầm tích bị nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) lớn gấp nhiều lần ước tính trước đó.

Khoảng 250.000m3 đất tại thành phố Biên Hòa bị ô nhiễm dioxin với nồng độ từ 1.000 ppt đến hơn 1 triệu ppt (hàm lượng dioxin dưới mức 10 ppt là thấp, khoảng trên dưới 100 ppt là cao). Để xử lý triệt để toàn bộ khối lượng đất này, Việt Nam cần nguồn kinh phí trên 250 triệu USD.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Đánh giá thực trạng ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa - những việc cần làm”.

Hội thảo do Ban Chỉ đạo 33 (Dự án quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 21/10, tại Đồng Nai.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 33 phối hợp cùng các bộ, ngành đã khảo sát, nghiên cứu mức độ ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và khu vực lân cận.

Trước khảo sát, ước tính chỉ có trên 75.000m3 đất bị ô nhiễm, song trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo đã phát hiện thêm nhiều điểm bị ô nhiễm dioxin. Vì vậy, trên thực tế, khối lượng đất, trầm tích bị nhiễm chất độc hóa học ở đây còn có thể lớn hơn 250.000m3.

Trong điều kiện có kinh phí, Việt Nam phải mất hơn 5 năm mới xử lý hết khối lượng đất này.

9nWTFBN5.jpg

Theo đại diện Bộ Quốc phòng, những năm qua, với nguồn kinh phí khoảng 73 tỷ đồng, Bộ đã xử lý gần 100.000m3 đất bị nhiễm dioxin trên diện tích 4,3ha bằng phương pháp chôn lấp cô lập.

Việc chôn lấp đã cách ly hoàn toàn đất nhiễm với môi trường bên ngoài, ngăn không cho dioxin phát tán vào môi trường, góp phần đảm bảo sức khỏe của cộng đồng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã xây dựng công trình ngăn chặn tạm thời sự lan tỏa của dioxin tại sân bay Biên Hòa ra môi trường xung quanh.

Đất bị ô nhiễm ở Biên Hòa có đặc điểm và thành phần chưa từng được thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Vì vậy, việc cải tạo môi trường và quy hoạch sử dụng đất ở trong và xung quanh sân bay đòi hỏi nỗ lực chung từ nhiều phía.

Trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng công nghệ sinh học, hóa học để xử lý dioxin, tuy nhiên ở Việt Nam vì ô nhiễm quá nặng nề, diện tích lớn và thời tiết khắc nghiệt nên những công nghệ này khi thực hiện đều thất bại.

Trong khi chờ công nghệ xử lý triệt để ô nhiễm chất độc hóa học, việc áp dụng công nghệ chôn lấp, cách ly là giải pháp hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ban Chỉ đạo 33 sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến để lựa chọn phương pháp xử lý chất độc hóa học phù hợp nhất tại sân bay Biên Hòa và vùng phụ cận.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp