05/08/2022 06:29 GMT+7

Căn hộ và nền đất tái định cư bỏ hoang: Chọn lối ra nào?

Kỹ sư TRẦN VĂN TƯỜNG
Kỹ sư TRẦN VĂN TƯỜNG

TTO - Sống bên cạnh những khu tái định cư bỏ hoang, người lao động khát khao một cơ hội có thể thuê nhà ổn định ở đó. Nhưng dù bỏ hoang vẫn chưa thể cho thuê. Lối ra nào cho căn hộ và nền đất tái định cư đang hoang phế?

Căn hộ và nền đất tái định cư bỏ hoang: Chọn lối ra nào? - Ảnh 1.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM sau nhiều năm vẫn còn hàng trăm căn hộ chưa có người ở (ảnh chụp vào trưa 4-8) - Ảnh: VŨ THỦY

Nên tận dụng số căn hộ đang bỏ hoang bố trí tái định cư hoặc tạm cư cho các hộ dân bị giải tỏa, cho các dự án cấp thiết, cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng (như đường vành đai 3 TP.HCM). Tái định cư trước, giải tỏa sau: tại sao không?

Theo số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM, TP có 11.681 căn hộ và nền đất tái định cư, trong đó đã phân bổ cho quận/huyện khoảng 4.000 căn hộ và nền đất, dùng làm quỹ dự phòng hơn 2.500 căn hộ và nền đất, đang làm thủ tục bán đấu giá gần 5.000 căn hộ và nền đất. Trước đó, báo chí từng phản ánh TP.HCM có 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất tái định cư bỏ trống trong nhiều năm, chi phí duy tu bảo dưỡng hơn 70 tỉ đồng/năm.

TP.HCM chưa có nhiều loại căn hộ giá rẻ để bán và cho thuê, nhà lưu trú công nhân hầu như chỉ là phòng ở tập thể trong khi nhiều người cần loại nhà ở cho gia đình. Nếu hàng chục ngàn căn hộ tái định cư đang bỏ trống được bán với giá bình dân cho đúng đối tượng cấp thiết về nhà ở, chuyển mục đích làm nhà ở xã hội thì sẽ có nhiều người mua, góp phần làm cho giá cả nhà đất trên thị trường hạ nhiệt, người có nhu cầu thật sự dễ tiếp cận.

Nguyên nhân dẫn đến vi phạm xây dựng tràn lan cũng đã được nhận diện, một phần do người ít tiền không thể mua nhà đất. Bên cạnh chấn chỉnh trật tự kỷ cương, cần có giải pháp căn cơ là tạo điều kiện cho người dân có nhà ở hợp pháp. Mấu chốt vấn đề ở đây, một khi được hóa giải thì các trở ngại khác cũng tự được tháo gỡ.

Nhiều năm làm quản lý dự án và công tác đền bù giải phóng mặt bằng cùng chính quyền địa phương, tôi nhận thấy việc xây nhà tái định cư phục vụ người dân có nhà đất bị giải tỏa trắng không còn phù hợp, nhất là khi nơi ở mới cách xa chỗ cũ.

Xử lý khối lượng lớn nhà, đất này cần có thời gian nhất định. Nên chăng rà soát phân loại từng căn hộ để đưa ra mức giá phù hợp, chỉ tổ chức đấu giá với căn hộ có vị trí đắc địa như khu vực trung tâm thành phố, khu đô thị Thủ Thiêm.

Có thể sử dụng nền đất tái định cư có sẵn để hoán đổi, công bố quy đổi ra giữa giá bồi thường dự kiến với tỉ lệ nhận lại đất ở, để người bị giải tỏa được quyền lựa chọn nhận số tiền bồi thường hoặc nhận đất.

Nếu có cách tính toán hoán đổi căn hộ, nền đất đảm bảo các quyền lợi thì người dân sẽ hưởng ứng và ủng hộ. Được vậy sẽ giảm gánh nặng ngân sách, giải được bài toán chi phí, tận dụng ngay những gì có sẵn.

Những căn hộ tái định cư có diện tích nhỏ, giá trị thấp thì ưu tiên bán giá bình dân cho đối tượng có nhu cầu về nhà ở, chuyển mục đích sử dụng làm nhà ở xã hội.

Chưa có quy định cho thuê nhà tái định cư

Theo ông Phạm Đăng Hồ - trưởng Phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM - hiện nay chưa có quy định về cho thuê tạm nhà tái định cư.

Nếu cho thuê thì việc xác định giá thuê, đối tượng được thuê và đấu thầu quyền thuê như thế nào chưa có hướng dẫn. Quỹ nhà tái định cư dự phòng có thể sử dụng bất cứ lúc nào nên thời gian cho thuê cũng không dài và không ổn định.

Do vậy, cơ quan quản lý cần rà soát, nếu nhà đất nào không còn phù hợp thì sẽ bán đấu giá, còn nhà đất phù hợp thì sẽ giữ để phục vụ tái định cư cho dự án.

T.LONG

Nhìn chung cư bỏ hoang thấy tiếc

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B có đường sá liên thông rộng rãi, khuôn viên thoáng đãng, sau hơn 10 năm xây dựng vẫn vắng lặng. Anh Thái Minh - một người dân sinh sống gần khu này - cho biết khu vực này có đầy đủ trường mẫu giáo, cấp I, II, III và cả siêu thị khang trang, đường lớn (đường Trần Văn Giàu nối quốc lộ 1A) sát bên "nhưng để hoang thế này tiếc thật".

Gia đình chị Lê Thị Tuyết Mai (công nhân Công ty Pou Yuen) thuê căn phòng trọ chật hẹp ở Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Hai dãy trọ gần chục phòng với lối đi bé xíu, bít bùng. Nhìn sang dãy nhà tái định cư 5 tầng rộng rãi nằm trước dãy trọ gần 100m, chị Mai tiếc rẻ: "Cả mấy ngàn căn rộng rãi vậy mà để trống. Thuê được trong đó để ở thì tốt quá. Chỉ cần chạy thẳng một đường ra quốc lộ 1A là tới công ty. Trong công ty có 60.000 - 70.000 công nhân, đa phần ở phòng trọ chừng mười mấy mét vuông, trong khi bao nhiêu căn hộ ở đây lại không có người ở". "Nghe nói cũng có người được phân căn hộ tái định cư ở đây, họ không ở nên cũng cho thuê lại giá cỡ 4 triệu, công nhân sao mà thuê nổi! Tầm 2 triệu thì lương công nhân mới trang trải nổi", chị chia sẻ.

Anh Cao Thanh Tuấn (34 tuổi, quê Quảng Nam) cũng thuê trọ đối diện chung cư tái định cư khu vực này. "Trước đây gia đình tôi thuê trọ ở quận khác, mới chuyển qua đây nửa năm thôi. Nhà có bé 2 tuổi gửi ở trường mầm non bên kia đường cho tiện. Chung cư ở đây bỏ trống nhiều, phòng ốc cũng rộng rãi nhưng đâu có được thuê!", anh cho biết.

V.THỦY

Nhà tái định cư bỏ hoang: Đánh thức chục ngàn tỉ Nhà tái định cư bỏ hoang: Đánh thức chục ngàn tỉ 'đắp chiếu'

TTO - Hàng ngàn căn hộ, nền đất phục vụ tái định cư (gọi tắt là nhà tái định cư) tại TP.HCM và Hà Nội với giá trị hàng ngàn tỉ đồng bị "bỏ hoang" nhiều năm nay gây lãng phí và tốn tiền bảo trì, bảo dưỡng.

Kỹ sư TRẦN VĂN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp