30/09/2014 21:13 GMT+7

​Cần hỗ trợ thanh niên trên nhiều phương diện

KIỀU LINH
KIỀU LINH

TT - Các đại biểu cho rằng cần hoàn thiện chính sách đối với giáo dục thanh niên, đẩy mạnh hơn nữa về hướng nghiệp và tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp tại địa phương...

Sau gần một ngày thảo luận, sáng 30-9 hơn 100 đại biểu thanh niên chia làm bốn nhóm tổng hợp cho ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên trong các lĩnh vực: học tập, việc làm, vui chơi giải trí và tiếp cận thông tin tại diễn đàn “Thực thi pháp luật, chính sách đối với thanh niên và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật thanh niên năm 2005” diễn ra ở Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Trung Hà (tỉnh Phú Thọ) cho rằng chính sách đối với giáo dục thanh niên còn tồn tại một số điểm hạn chế.

Điển hình như ở tỉnh Phú Thọ, hệ cử tuyển vẫn còn cử những đối tượng đi học chưa đúng so với chính sách của Nhà nước đề ra; nhiều trường như trường công lập, trường tư, trường có yếu tố nước ngoài đều tạo điều kiện cho thanh niên tham gia học tập nhưng một số thanh niên không tiếp cận được thông tin, hoặc các trường đào tạo chưa thu hút được thanh niên học nghề nên còn tồn tại nhiều thanh niên lao động tự do ngắn hạn.

Vì vậy, để hỗ trợ học sinh, sinh viên, Luật thanh niên sửa đổi, bổ sung cần cụ thể nguồn ngân sách dành cho tổ chức Đoàn thanh niên, đẩy mạnh hơn nữa về hướng nghiệp và tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp tại địa phương.

Ông Bùi Văn Linh - phó vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên Bộ GD-ĐT - cho rằng nên tiếp tục điều chỉnh, tăng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên, đảm bảo tương đối đủ nộp học phí đào tạo và trang trải cuộc sống.

Mở rộng đối tượng cho vay đối với sinh viên có thành tích học tập khá, giỏi và có thành tích khác để tạo cơ hội nâng cao thành tích học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên tiềm năng.

Ngoài ra, theo ông Linh, Nhà nước cần tiếp tục tăng cường kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường học - giảng đường, trang thiết bị học tập; nghiên cứu và xem xét hỗ trợ thu nhập, nhà ở cho giảng viên trẻ công tác tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Đại biểu Nguyễn Đình Thung (Phú Thọ) cho rằng công tác tuyên truyền, tư vấn định hướng cho thanh niên học nghề còn nhiều bất cập, chưa có cơ quan chuyên trách trực tiếp hướng dẫn và định hướng việc làm cho thanh niên.

Ông Hà Minh Phương, vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH), cũng cho biết thách thức lớn nhất là nhận thức của một bộ phận không nhỏ thanh niên và gia đình về dạy nghề, tạo việc làm chưa đúng, thanh niên vẫn coi việc học nghề là lựa chọn cuối cùng, vẫn cố gắng vào được cổng trường đại học cho “bằng anh, bằng em” dù lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không có việc làm ngày càng tăng và một số đã quay lại học nghề.

Ông Phương cho rằng luật nên quy định rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước, nhà trường, xã hội và doanh nghiệp trong phân luồng học nghề, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên.

Đồng thời ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.

KIỀU LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp