28/05/2015 18:59 GMT+7

Cần hạn chế truy hỏi nguồn tin của báo chí

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Buổi hội thảo Góp ý kiến cho Dự thảo Luật báo chí sửa đổi do Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức đã diễn ra hôm nay 28-5 tại TP.HCM

Ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên phát biểu tại hội thảo - Ảnh Hoàng Điệp

Cần phải rạch ròi trong việc cải chính trên báo đối với những thông tin báo chí đăng, phát sai; nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng; cần quy định về hoạt động tài chính của cơ quan báo chí … là những nội dung được các đại biểu góp ý trong buổi hội thảo này.

Ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho rằng, hoạt động tài chính của một số cơ quan báo chí hiện nay không khác gì các doanh nghiệp. Bởi nếu báo chí không có kinh phí để hoạt động thì có thể phá sản tờ báo giống như việc phá sản một doanh nghiệp.

Cụ thể, góp ý về điều 25 trong dự thảo về tình hình tài chính của các cơ quan báo chí, ông Thông nói: “Nếu cơ quan báo chí hoạt động kinh tế phù hợp thì áp dụng luật phá sản, nếu không đảm bảo thu chi thì phá sản là bình thường. Và thực sự nên coi báo chí như một sản phẩm trên thị trường và cần thiết phải luật hóa điều này”. 

Theo ông Thông, cơ quan báo chí sản xuất ra sản phẩm báo chí đặc biệt, nó là loại hàng hóa đặc biệt cũng chịu ảnh hưởng bởi quy luật kinh tế, độc giả bỏ tiền mua và quảng cáo thì đó là một sản phẩm. Vậy nên, nếu hoạt động không hiệu quả, không đảm bảo đời sống cho anh em hoạt động nghề nghiệp thì việc phá sản hay giải thể tờ báo là cần thiết.

Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý báo chí, ông Võ Văn Long, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cho rằng hiện nay hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp có màu sắc y như báo điện tử. Ngoài các cơ quan quản lý biết đó là trang thông tin điện tử thì bạn đọc không thể phân biệt được đâu là báo điện tử, đâu là trang tin.

“Dự thảo luật chưa quy định về việc quản lý các trang tin này như thế nào dù các trang tin được dẫn lại thông tin từ báo chí, được quyền khai thác quảng cáo. Nếu luật không điều chỉnh thì có thể sẽ bỏ sót, và xu thế này thì trang tin sẽ phát triển thành báo điện tử luôn”, ông Long nói.

Ông Đỗ Danh Phương, Tổng biên tập Báo Người Lao Động phát biểu tại hội thảo - Ảnh Hoàng Điệp
Ông Đỗ Danh Phương, Tổng biên tập Báo Người Lao Động phát biểu tại hội thảo - Ảnh Hoàng Điệp

Góp ý về vấn đề bảo vệ nguồn tin của báo chí, ông Đỗ Danh Phương, Tổng biên tập Báo Người Lao Động cho rằng: “Dự thảo luật quy định chỉ có 2 người là viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh và Chánh án TAND cấp tỉnh mới có quyền yêu cầu báo chí cung cấp thông tin về nguồn tin nếu có vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên thực tế hoạt động nghiệp vụ thì có nhiều cá nhân khác cũng yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin.

"Tôi đề nghị luật cần quy định việc cấm các cơ quan, cá nhân khác truy hỏi về nguồn tin để bớt đi khó khăn cho nhà báo”, ông Phương nói.

Ngoài ra, ông Phương cũng nêu vấn đề quy chế người phát ngôn hiện nay thực sự đang trở thành việc né tránh và cản trở báo chí. Bởi vậy theo ông Phương, “cần phải có điều luật quy định rõ hình thức xử lý xử phạt, hoặc cản trở hoạt động, không cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí”.

Một nội dung khác liên quan đến việc cải chính trên báo, ông Hoàng Chương, phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM đồng tình với quy định về việc báo chí đăng, phát tin sai thì phải đăng tin cải chính vào đúng vị trí chuyên mục đã đăng bài viết sai.

Tuy nhiên, ông Chương cũng đề nghị luật cần quy định rõ trách nhiệm của biên tập viên trong bản tin đính chính khi biên tập viên là người có lỗi trong việc xử lý thông tin, dẫn đến sai sót.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp