Những tín hiệu tích cực gần đây liên quan tới nghề giáo đem lại niềm vui cho thầy cô. Nhưng thực tế nhà giáo vẫn còn nhiều áp lực. Thầy cô cần "cởi trói" áp lực như giảm bớt hồ sơ sổ sách không cần thiết, rà soát các cuộc thi gây áp lực, giải phóng giáo viên thoát nhiệm vụ thu tiền trường…
Theo bạn đọc Thanh Nguyễn - giáo viên đang giảng dạy tại một trường THPT, người thầy phải hạnh phúc mới sản sinh những tiết học hạnh phúc và đào tạo những thế hệ học sinh hạnh phúc.
Sau đây là chia sẻ của bạn đọc này, gửi đến Tuổi Trẻ Online.
Muốn có trường học hạnh phúc, đừng bỏ quên người thầy
Mùa tuyển sinh mấy năm trở lại đây, ngành giáo dục liên tục đón nhận tin vui: Điểm chuẩn của nhiều ngành sư phạm bật lên cao chót vót. Nhiều người vui mừng bởi vị thế người thầy đã và đang được neo giữ, vun bồi.
Tín hiệu tích cực ấy là quả ngọt của hàng loạt quyết sách từ các ban ngành nhằm vực dậy trường sư phạm sau một hồi dài "trượt giá" trước sức nóng của các ngành nghề "hot" và thời thượng.
Đó là chính sách miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí đối với sinh viên ngành giáo, là chính sách đặt hàng sư phạm đảm bảo đầu ra sau khi tốt nghiệp, là hàng loạt chính sách "cởi trói" áp lực cho người thầy…
Giáo dục luôn được khẳng định là quốc sách hàng đầu, nâng cao vị thế nhà giáo để giữ chân người giỏi và kéo người tài về với giảng đường sư phạm là khát vọng cao đẹp của biết bao con người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà.
Từ khóa "trường học hạnh phúc" được gợi nhắc nhiều hơn nhen lên trong lòng người bức tranh tươi đẹp về môi trường học đường an toàn, thân thiện, vui vẻ, năng động, sáng tạo.
Một vài tín hiệu vui nhen lên niềm hy vọng về những đổi thay tích cực: giảm bớt hồ sơ sổ sách không cần thiết, rà soát các cuộc thi gây áp lực, giải phóng giáo viên thoát nhiệm vụ thu tiền trường…
Và muốn trường học hạnh phúc, xin đừng bỏ quên người thầy!
Người thầy phải hạnh phúc mới sản sinh những tiết học hạnh phúc và đào tạo những thế hệ học sinh hạnh phúc.
Còn đó những áp lực bủa vây nhà giáo
Dẫu vậy, tiếp xúc và lắng nghe tâm sự của nhiều nhà giáo gồng gánh nhiệm vụ gieo hạt hôm nay, chúng tôi chạnh lòng nghĩ về những áp lực vô hình vẫn đang bủa vây bục giảng phấn trắng.
Đó là áp lực từ công việc giảng dạy đổi mới liên tục đã đủ quay cuồng, thêm vô số nhiệm vụ dồn ép.
Áp lực từ những con số, chỉ tiêu in hằn thành tích về tỉ lệ khá giỏi, số lượng huy chương năng khiếu, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, số giải học sinh giỏi các môn văn hóa… cứ cuốn thầy trò vào cuộc đua mải miết ôn luyện, giải đề, thi cử, rà soát chỉ tiêu, đánh giá thành tích, bài học kinh nghiệm và giải pháp khắc phục.
Và áp lực lớn nhất có lẽ là sự kỳ vọng của phụ huynh muốn con trẻ phát triển toàn diện. Thế mà trong phương pháp giáo dục trẻ, đôi khi nhà trường và gia đình lại chưa tìm thấy tiếng nói chung.
Đưa trẻ đến trường cùng lời gửi gắm "trăm sự nhờ cô". Nhưng không ít lần chưa hiểu rõ nội hàm câu chuyện, chưa tường tận đúng - sai trong vụ việc, nhiều phụ huynh chỉ nghe lời nói một phía từ con cái đã vội xúc phạm người thầy.
Câu quát mắng ném thẳng về phía người thầy ngay trên bục giảng, trước mặt học sinh, và rêu rao trên mạng xã hội.
Nghề nghiệp nào cũng tiềm ẩn áp lực, nhưng có quá lời chăng khi khẳng định nghề giáo luôn đứng tốp đầu về áp lực bủa vây? Con số thống kê về nhà giáo bỏ việc mấy năm trở lại đây như một nốt lặng buồn…
Chính vì vậy, nhà giáo đang cần hơn hết là sự thấu cảm.
Về phía phụ huynh và dư luận xã hội, hãy bình tĩnh phân định rạch ròi giữa đúng - sai, phải - trái để đối xử công bằng với người thầy.
Mong lắm thay phụ huynh và những ngành liên quan nhìn nhận một cách thấu đáo những lực cản trên sự nghiệp "trồng người" để gỡ từng nút thắt, cởi trói áp lực vô hình đang bủa vây nghề giáo…
Tạo môi trường sư phạm dân chủ, đoàn kết và gắn bó để người thầy yên tâm công tác, thoải mái đổi mới sáng tạo, mạnh dạn cất lên chính kiến cá nhân góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục là yêu cầu cấp thiết!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận