Xuất khẩu thiết bị khử mặn siêu trường siêu trọng tại một dự án FDI lớn của VN - Ảnh: D.S.
Trong dự thảo này có nhiều vấn đề quan trọng, nhưng trong đó có điều khoản nâng mức vốn dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ từ 5.000 tỉ đồng lên 10.000 tỉ đồng.
Theo tôi, đã đến lúc cần phải tăng phân cấp, phân quyền cho các địa phương để có quyền quyết định với những dự án đầu tư quy mô lớn hơn, trong đó ưu tiên cho các địa phương trực thuộc trung ương, có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài lớn.
Hơn thế nữa, cần phải giảm bớt các thủ tục "xin - cho", tránh chuyện "muốn đầu tư phải chạy ra Thủ tướng", song muốn đến tới tay Thủ tướng thì phải đi qua các bộ, ngành với một rừng thủ tục rất tốn thời gian, công sức của nhà đầu tư.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy vậy, việc giao về cho địa phương phải đảm bảo những nguyên tắc như không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, không thay đổi tổng thể quy hoạch quốc gia, buộc địa phương phải tôn trọng quy hoạch này khi cấp phép một dự án. Khi chúng ta đã đưa ra những tiêu chí định lượng cụ thể như thế thì địa phương buộc phải chấp hành.
Thực tế một dự án đầu tư sẽ trải qua nhiều bước thẩm định từ cấp tỉnh, đến các bộ, trong đó có Bộ Quốc phòng, rồi mới đến Văn phòng Chính phủ rồi Thủ tướng mới đi đến quyết định cuối cùng. Thời gian càng dài thì sẽ càng làm giảm cơ hội của các nhà đầu tư và thu hút đầu tư.
Ngoài ra, một thực tế mà nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng là thủ tục hành chính của chúng ta vẫn còn "dài dòng", làm nản lòng nhà đầu tư. Do đó, tôi đề nghị những cái còn bất cập, doanh nghiệp còn tâm tư thì chúng ta xem xét, sửa đổi phù hợp hơn để luật đi vào với thực tiễn và có tính ổn định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận