11/06/2013 11:01 GMT+7

Cần giám sát chặt vốn trái phiếu chính phủ

LÊ ĐĂNG DOANH
LÊ ĐĂNG DOANH

TT - Trên diễn đàn Quốc hội trong những ngày qua, trước sự giảm sút tăng trưởng kinh tế, sức mua của dân chúng kiệt quệ trong khi tồn kho còn cao, Chính phủ đã đề nghị nâng mức trái phiếu chính phủ năm 2013 từ 150.000 tỉ lên 170.000 tỉ đồng nhằm tăng đầu tư công để tăng tổng cầu xã hội.

Đề nghị này được sự ủng hộ của Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội và nhiều đại biểu. Về cơ bản, đây là đề nghị đúng hướng và cần thiết khi thu ngân sách giảm sút và đang ở trong tình trạng rất khó khăn. Câu hỏi lớn đề ra là có thể đồng ý tăng đầu tư công trong khi lãng phí, thất thoát và tham nhũng trong đầu tư công chưa có giải pháp rõ ràng hay không?

Hội nghị III BCH T.Ư Đảng khóa XI kết thúc ngày 15-10-2011 đã có kết luận về tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó yêu cầu tái cấu trúc đầu tư công. Trong khi đề án tái cơ cấu nền kinh tế đã được trình Quốc hội thì cho đến nay, sau gần hai năm kể từ khi có nghị quyết T.Ư, chưa thấy có đề án tái cấu trúc đầu tư công. Thủ tướng đã ký chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15-11-2011 về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ, cắt giảm dự án chưa cân đối được vốn... Tuy nhiên, chế độ trách nhiệm về hiệu quả kinh tế - xã hội của vốn đầu tư công, trách nhiệm giải trình trước dân, yêu cầu công khai minh bạch trong đầu tư công, giải quyết cơ chế “xin - cho”, tình trạng “đi có, về có, đi không, về không”, đấu thầu “quân xanh - quân đỏ”... chưa được đề cập.

Đáng chú ý, dù Nhà nước liên tục đầu tư từ bao thập kỷ nay, năm 2011 có 66.000 dự án đầu tư công với yêu cầu vốn lên đến 220.000 tỉ đồng, cảng biển, sân bay đầu tư kém hiệu quả, nhưng đến nay Quốc hội vẫn chưa hề ban hành Luật đầu tư công và Luật mua sắm công để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương cùng sự giám sát của Quốc hội và người dân.

Tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công kéo dài và nhức nhối đem lại hệ quả rất nhiều mặt cho nền kinh tế: hiệu quả đầu tư công rất thấp, chi phí đầu tư cao không thể giải thích được làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và người dân, giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tham nhũng, lãng phí, thất thoát diễn ra trên các dự án đầu tư công, đụng đâu phát hiện đó đến nỗi đại biểu Quốc hội đã phải thốt lên: “Vốn trái phiếu chính phủ là vốn trời cho”. Ví dụ về nhà vệ sinh với trị giá lên đến 600 triệu đồng được báo chí thông tin đang gây bức xúc cử tri. Nếu tăng đầu tư công, nâng cao trần nợ công theo cách làm này thì chắc chắn cử tri sẽ không thể đồng tình vì sẽ chỉ tăng thêm lạm phát, tăng nợ công mà hiệu quả tăng tổng cầu xã hội sẽ không có gì chắc chắn đạt được.

Vì vậy, đề nghị Quốc hội chỉ thông qua đề nghị tăng trái phiếu chính phủ, tăng đầu tư công kèm theo những yêu cầu giám sát chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, đòi hỏi sớm có dự án tái cấu trúc đầu tư công và ban hành Luật đầu tư công.

LÊ ĐĂNG DOANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp