Việc này không chỉ gây cho khách hàng thiệt hại về vật chất, mà còn gây tổn thương lớn về niềm tin vào lẽ công bằng trong xã hội.
Hành vi lừa dối khách hàng cực kỳ phổ biến và ngày càng tinh vi, một phần cũng bởi ít có trường hợp bị xử lý nghiêm. Dù rằng Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định rõ về tội lừa dối khách hàng ở điều 198.
Cân điêu từ... vài cân thịt lợn
Ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, hồi tháng 12-2023, TAND huyện này tuyên phạt ba người mua lợn (heo) từ 12 - 18 tháng cải tạo không giam giữ, cùng số tiền 30 - 40 triệu đồng mỗi người.
Chuyện là, ba anh này đi mua lợn của người dân trong huyện. Hai bên thống nhất giá mua và dùng cân đồng hồ lò xo của gia chủ để cân, dùng lồng của mình mang theo để đựng lợn. Thế nhưng chủ nhà không biết rằng trước khi cân chiếc lồng sắt thì mấy anh mua lợn đã chuẩn bị sẵn bùn đất, trét vào đáy lồng.
Mua bán xong xuôi, ông chủ lại dẫn những người này sang khu chuồng trại khác của mình, phương thức cân và thanh toán y như lần trước. Chỉ khác là lần này nhóm trét bùn đất quá tay, chiếc lồng ban nãy chỉ 28,5kg mà lần này lại nặng tới 30kg. Phát hiện ra việc bị cân điêu, ông chủ bắt cạo hết bùn đất đi thì chiếc lồng chỉ còn 19kg! Tính cả hai lần, nhóm này đã gian lận của ông 11,6 triệu đồng.
Biết mình bị gian lận chiếm đoạt tiền, ông chủ lên trình báo công an huyện. Nhóm này bị tạm giam 5 ngày, phải trả lại toàn bộ tiền gian lận, rồi sau đó bị tòa xử mức án như trên.
Cũng một kiểu cân gian tương tự, rất nhiều người bị tòa xử phạt về tội lừa dối khách hàng. Có một số vụ, người mua phế liệu đã lén lắp thêm các bồn nước trên thân xe để gian lận số cân, gian lận cả tấn, chục tấn hàng. "Đi đêm lắm có ngày gặp ma", họ phải trả lại số tiền hàng trăm triệu đồng đã gian lận, đồng thời nộp phạt thêm mấy chục triệu đồng, "dính" án cải tạo không giam giữ.
Ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, một thanh niên tên P., 28 tuổi, tới chợ Nhật Tảo ở quận 10, TP.HCM để mua thiết bị có thể làm thay đổi hệ thống cân điện tử.
Lợi dụng đêm tối, không người trông coi, anh chàng lẻn vào khu thu mua phế liệu lắp thiết bị gian lận. Mỗi lần tới cân lại dùng điều khiển từ xa kích hoạt thiết bị này, khiến cân nặng hiển thị cao gần gấp đôi thực tế.
Chỉ trong một tuần, nhóm của P. gian lận được 114 tấn phế liệu, thu lợi bất chính hơn 667 triệu đồng. P. bị TAND thị xã Bến Cát tuyên phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.
Ở Đà Nẵng, hồi năm 2021, anh Phước Hưng (29 tuổi) lên mạng tìm được một Facebook "tổng kho sắt thép xây dựng" để đặt mua sắt thép xây nhà. Giao hàng, trao tiền xong xuôi, anh mới kiểm tra lại và thấy sắt nhỏ thì đủ mà sắt lớn thì mỗi loại thiếu một nửa.
Anh gọi điện cho người bán nhưng không liên lạc được, nên báo công an. Tại đây, những người ở "tổng kho" mới khai ra việc cố tình đếm gian lận. TAND huyện Hòa Vang xử sơ thẩm, tuyên phạt một người 12 tháng tù, một người 15 tháng tù. Cả hai kháng cáo, hình phạt được thay đổi thành phạt tiền 150 triệu đồng và 100 triệu đồng.
Nếu như hình thức cân gian, đếm thiếu phổ biến và có từ lâu, thì những năm qua việc mua bán qua mạng phát triển mạnh, cũng dẫn tới những chiêu thức gian lận tinh vi và mới mẻ hơn.
Năm 2021, Đỗ Tiên Phong lập công ty có trụ sở ở quận Gò Vấp, TP.HCM, chuyên kinh doanh mặt hàng gia dụng và thực phẩm chức năng. Phong cho nhân viên gọi điện, thông báo nhiều chương trình khuyến mãi để khách mua thêm hàng. Rất nhiều khách "cắn câu".
Có người mua gần 30 đơn hàng với số tiền 309 triệu đồng, trong khi giá trị thực chỉ 18 triệu! Chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng, Phong bị TAND huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An phạt 12 tháng tù và phạt bổ sung 30 triệu đồng.
Bốn nhân viên nhiệt tình bán hàng lừa khách cũng bị phạt 6 tháng tù và phạt bổ sung mỗi người 20 triệu đồng.
Phạt chưa nghiêm, nên không sợ?
Cho đến thời điểm giữa năm 2019, khi "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản bị khởi tố về tội lừa dối khách hàng, nhiều người mới giật mình vì loại hành vi này đã được quy định trong luật từ lâu, thực tế quá phổ biến mà rất ít trường hợp bị xử lý. Ông Thản bị cáo buộc xây sai phép cả một tòa nhà để lừa dối 500 người mua, khiến họ không làm được sổ đỏ.
Nhiều lĩnh vực khác cũng ghi nhận tình trạng khách hàng bị cung cấp thông tin sai sự thật, lừa dối. Mới đây, hàng loạt khách hàng tố cáo "bị lừa" mua bảo hiểm "Tâm an đầu tư".
Họ đến gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, nhưng lại bị tư vấn sang hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà không hề biết.
Hiện nay, hành vi lừa dối khách hàng có thể bị xử phạt hành chính theo điều 61 nghị định 98/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng với mức phạt tiền cao nhất là 20 triệu đồng và một số hình phạt bổ sung.
Bộ luật Hình sự năm 1985, bộ luật năm 1999 và bộ luật hiện hành (điều 198) cũng quy định về tội này. Nhưng số vụ bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự trong thực tế rất hiếm.
Chuyên gia pháp lý cho rằng một trong những nguyên nhân là do giao dịch hằng ngày, giá trị hàng hóa dịch vụ thường không lớn, hoặc hậu quả chưa đến mức bị khởi tố hoặc do khách hàng không tố cáo.
Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất vẫn là ở quy định. Theo quy định tại điều 198 Bộ luật Hình sự 2015, lừa dối khách hàng được hiểu là hành vi cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác đối với khách hàng để thu lợi bất chính.
Những hành vi cân đong đo đếm gian lận, đánh tráo hàng hóa thì khá dễ xác định. Nhưng những hành vi tư vấn sai trong lĩnh vực bảo hiểm, bất động sản chẳng hạn thì rất khó để xác định có phải là "thủ đoạn gian dối khác" hay không, vì đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn, quy định chi tiết việc này.
Bên cạnh đó, với quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, cho nên ngay cả khi xác định được hành vi gian dối thì chủ yếu vẫn là xử lý theo hướng dân sự. Chỉ khi có đơn tố giác của bị hại thì cơ quan điều tra mới có thể vào cuộc.
Thực tế có nhiều hành vi lừa dối khách hàng trong giao dịch
Với thực tế kinh tế - xã hội ngày một phát triển, các giao dịch kinh doanh thương mại ngày càng đa dạng, rất cần mạnh tay hơn với các hành vi lừa dối khách hàng. Cụ thể, cần quy định rõ hành vi lừa dối không chỉ dừng lại ở việc cân đo đong đếm sai, đánh tráo hàng hóa... mà phải quy định thêm các hành vi như che giấu, cung cấp thông tin sai, tư vấn sai về sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời cần nghiên cứu quy định xử lý tội này đối với cả pháp nhân. Bởi các hợp đồng bảo hiểm, bất động sản... hiện nay được ký bởi bên bán là pháp nhân. Mà theo quy định của luật thì pháp nhân sẽ chỉ bị xử lý về một số tội cụ thể, trong đó không có tội lừa dối khách hàng. Nói cách khác, tội này chỉ có cá nhân lừa dối khách hàng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn pháp nhân thì không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận