05/04/2021 09:21 GMT+7

Cần diễn tập thoát nạn trong nhà phố, nhà ống

LÊ PHAN - DANH TRỌNG
LÊ PHAN - DANH TRỌNG

TTO - Người dân cần làm gì nếu chẳng may có hỏa hoạn khi sống trong những căn nhà phố, nhà ống để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra?

Cần diễn tập thoát nạn trong nhà phố, nhà ống - Ảnh 1.

Nhà bị cháy ngày 30-3 tại phường Cát Lái (TP Thủ Đức) khiến 6 người chết, chỉ có một lối ra vào - Ảnh: MINH HÒA

Liên tiếp hai vụ cháy xảy ra tại TP.HCM và Hà Nội đã lấy đi tính mạng 10 người. Những căn nhà bị cháy này đều là nhà phố, nhà ống, không có lối thoát, dẫn đến thiệt hại về người rất lớn.

Diễn tập chữa cháy ở khu dân cư

Sau nhiều vụ cháy nhà ống xảy ra, thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng - phó trưởng Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN - PC07) Công an TP.HCM - cho rằng việc diễn tập PCCC tại các khu dân cư vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Theo ông Trưởng, hoạt động diễn tập PCCC&CHCN tại các khu dân cư do lãnh đạo phường, xã, thị trấn tổ chức. Theo quy định hiện nay mỗi năm phải có ít nhất một đợt diễn tập, tập huấn cho người dân.

"Địa phương phải vận động người dân dành thời gian tham gia để có kiến thức bảo vệ mình và người thân" - ông Trưởng nói.

Còn theo ông Hoàng Đôn Dũng - chuyên gia trong lĩnh vực kiểm định xây dựng, hiện nay chỉ có quy định PCCC đối với các cao ốc, tòa nhà, trung tâm thương mại, còn nhà ở đơn lẻ vẫn chưa có.

Theo đó, cơ quan chức năng quy định các công trình trên 7 tầng phải có lối thoát hiểm và các hạng mục đảm bảo PCCC khác. Còn đối với nhà ở đơn lẻ, nhà dân thì không có quy định.

Ông Dũng cho rằng nguyên tắc người dân khi xây dựng nhà cần có lỗ thông gió kích thước lớn để khói thoát ra bớt nếu xảy ra cháy. Đồng thời, chừa lối thoát lên mái để khi cháy thì có thể thoát hiểm bằng đường mái nhà.

"Lối thoát phía sau thì rất khó vì tường giáp tường. Còn chạy ra phía trước thì đồ đạc, xe máy chắn đường. Do đó hai phương án ô thông gió và lối thoát trên mái có tính khả thi nhất" - ông Dũng nhận định.

Một chuyên gia PCCC cho rằng trong trường hợp vì lo ngại an ninh, người dân có thể lắp đặt hàng rào kiên cố bằng sắt trước mặt tiền nhà hay các ô thông gió. Trong trường hợp này nếu có ý thức PCCC, thoát nạn vẫn có thể thiết kế dạng có cửa, bên trong có thể mở dễ dàng thoát ra ngoài nhưng trộm đột nhập từ ngoài vào thì không được.

Đặc biệt, chuyên gia này cho rằng trong bối cảnh hiện nay nhiều nhà được cơi nới, lấn chiếm, để vật dụng chắn hết các lối có thể thoát hiểm nên việc diễn tập PCCC ở các khu dân cư là rất cần thiết. Vì thông qua đó không chỉ nhắc nhở cung cấp thêm kiến thức PCCC mà còn có thể tập huấn được những kỹ năng thoát nạn mà mỗi người có thể thực hiện được.

Phải có ít nhất 2 lối thoát hiểm

Trao đổi thêm về những vấn đề trên, đại tá Nguyễn Minh Khương - phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH Bộ Công an - cho rằng khi xây dựng và cải tạo nhà ở nói chung và nhà phố, nhà ống nói riêng cần hết sức lưu ý phải có tối thiểu 2 lối thoát nạn.

Một lối thoát nạn ra mặt trước ngôi nhà (cửa chính). Còn lối thoát nạn thứ hai có thể là qua bancông, qua nhà hàng xóm, lên sân thượng, qua mái, công trình lân cận.

"Nếu nhà nào hiện đang trong tình trạng chưa đảm bảo an toàn cháy nổ, mới chỉ có 1 lối thoát nạn thì ngay lập tức phải rà soát để có phương án điều chỉnh tăng thêm lối thoát nạn của ngôi nhà mình đang ở" - đại tá Khương khuyến cáo.

Ngoài ra, theo ông Khương, trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh người dân cũng phải sắp xếp hàng hóa đồ đạc trong nhà gọn gàng, đảm bảo không cản trở cầu thang, lối thoát nạn ra cửa. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình khi đi ngủ để xe máy, ôtô chắn luôn cửa ra vào, đó là một trong những cản trở vô cùng lớn nếu như có tình huống cháy xảy ra.

"Trong tình huống phòng, hành lang, cầu thang ngập khói do cháy, người dân nên nhanh chóng dùng khăn ướt bịt mũi, men sát tường, cúi thấp trọng tâm để di chuyển ra hướng cửa thoát nạn.

Các kỹ năng mô phỏng chữa cháy, cách thoát nạn đã được tuyên truyền, phổ cập rất nhiều trên các phương tiện thông tin, trang web của cục... Do đó người dân nên tìm hiểu để biết cách phòng tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra" - ông Khương khuyến cáo.

TP.HCM: hơn 70% vụ cháy do chập điện

Theo thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, kết quả điều tra trong 537 vụ cháy nổ xảy ra năm 2020 có đến hơn 70% nguyên nhân cháy do sự cố từ thiết bị điện trong nhà. Không chỉ sự cố từ hệ thống điện sinh hoạt mà còn xuất phát từ hệ thống điện của các xe máy bị chập điện.

Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, kiểm soát chặt chẽ, gắn các thiết bị chống quá tải chập mạch cho hệ thống điện trong gia đình.

Đại tá Nguyễn Minh Khương: mỗi gia đình cần có phương án thoát nạn riêng

Mỗi nhà, mỗi gia đình phải chủ động trong việc tự hình dung, xây dựng phương án xử lý sự cố cháy nổ trong nhà mình. Ví dụ nếu đám cháy xảy ra ở tầng 1, các thành viên trong gia đình sẽ chọn thoát nạn ra lối nào... Hoặc khi cháy ở tầng 3 thì di chuyển xuống tầng 1, cách xử lý khi cháy trong đêm...

Những kế hoạch, phương án này phải phổ biến cho từng thành viên trong gia đình và được ghi nhớ để khi tình huống cháy xảy ra có thể chủ động thoát nạn.

Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo giải quyết gấp rút vụ cháy cửa hàng làm 4 người chết Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo giải quyết gấp rút vụ cháy cửa hàng làm 4 người chết

TTO - Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc nêu ý kiến của Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh trong việc chỉ đạo giải quyết, khắc phục hậu quả vụ cháy tại phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa.

LÊ PHAN - DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp