Ông Minh nói: “Xem trên mặt báo hằng ngày, những điều tồi tệ của một bộ phận bất hảo hầu như mỗi lúc một nhiều thêm. Sự chấp hành luật pháp không nghiêm, văn minh ứng xử trong xã hội ít được coi trọng, trách nhiệm trong cộng đồng rất mờ nhạt, lòng tự trọng của con người không được tôn vinh. Về khoa học kỹ thuật, con em chúng ta đã phát huy rất tốt ở nước ngoài, nếu ở trong nước theo hệ đào tạo của mình thì nói rất hay nhưng làm thường lúng túng, khó khăn. Chúng ta đang dạy học theo cách: cứ thi đậu là được. Cái này cần phải thay đổi ngay vì thời đại bây giờ cần đào tạo con người có năng lực chứ không phải con người khoa bảng”.
Để tiến kịp và hội nhập với thế giới, ông Minh đề nghị “không thể tiếp tục tư duy theo kiểu cũ mà phải xuất phát từ con người, từ tiêu chí đòi hỏi và đặc điểm có được của con người mà quyết định hình dáng và phương thức đào tạo của nhà trường, phương thức đào tạo của trường sư phạm và thiết kế cơ sở vật chất cho trường học”.
ThS Phan Tấn Chí, phó trưởng khoa quản lý giáo dục Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM, lại quan tâm đến vấn đề tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục: “Trong thực tế, nhu cầu tài chính để hoạt động và phát triển của các cơ sở giáo dục luôn lớn hơn khả năng bao cấp tài chính của Nhà nước, tạo ra cơ chế xin - cho. Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục thực chất là xóa bỏ cơ chế độc quyền, ban phát, xóa bỏ quyền lực và lợi ích nhóm. Liệu văn hóa “biết điều”, “có trên có dưới”, “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn”... có thể ngày một ngày hai thay đổi?”.
Ông Chí còn băn khoăn về quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục. Theo ông, “quy trình này còn liên quan đến yếu tố tâm lý, truyền thống. Quan niệm “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ” đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người”.
TS Ninh Văn Bình, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, cũng lo lắng: “Trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên là thu nhập của thầy cô giáo ở trường công lập không đủ bảo đảm cho họ có một cuộc sống tươm tất. Để tự cứu, nhiều người phải dạy thêm dẫn đến dạy thêm tràn lan. Trong khi đó, tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa trong xã hội gây nhiều tác động tiêu cực đến trường học mà ngay cả giáo viên cũng bị lây nhiễm. Do vậy, vị thế xã hội của nghề giáo và người thầy bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội. Chưa kể học sinh khá, giỏi không chọn thi vào trường sư phạm”.
Ông Bình đề xuất: “Cần đổi mới phương thức tuyển sinh và nội dung đào tạo trong các trường sư phạm. Nhà nước cần ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và chính sách thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có năng lực cho trường sư phạm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận