04/04/2025 10:03 GMT+7

Cần đa dạng kênh tiếp cận vốn cho tư nhân

Để kinh tế tư nhân vươn lên trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, điểm nghẽn vốn phải được khơi thông bằng nhiều giải pháp, đặc biệt là phải đa dạng kênh tiếp cận vốn.

tư nhân - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần đa dạng kênh tiếp cận vốn cho tư nhân. Trong ảnh: công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất kính tại Khu công nghiệp Tam Phước, Đồng Nai - Ảnh: ĐÌNH PHÚC

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia kinh tế chung nhận định rằng bên cạnh nguồn vốn ngân hàng, điều quan trọng nhất với khu vực tư nhân lúc này là cơ chế khơi thông nguồn lực, người dân, doanh nghiệp (DN) nắm giữ tiền nếu không đầu tư vào sản xuất sẽ đi mua vàng, mua đất cất giữ tiền, tài sản. 

Ngoài ra, cần phát triển thị trường tài chính để đa dạng hóa kênh tiếp cận vốn trung và dài hạn cho DN. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia.

* Ông Nguyễn Hoàng Hải (phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN - VAFI):

Khơi thông nguồn vốn trong dân

tư nhân - Ảnh 2.

Muốn khơi thông nguồn vốn đầu tư tư nhân, điều quan trọng nhất là phải xây dựng một môi trường đầu tư tốt. Lãi suất cho vay của ngân hàng trong nước đang cao gấp 2 - 3 lần lãi suất nhiều nước trên thế giới nhưng muốn hạ lãi suất cần bài bản, không phải cứ hô hào là hạ được.

Có một thực tế là DN nhỏ muốn sản xuất, điều đầu tiên phải có là nhà xưởng nhưng giá thuê đất làm nhà xưởng gần đây tăng cao nên các DN mới thành lập, DN khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai.

Trước đây, các địa phương mời DN vào khu công nghiệp làm nhà máy sản xuất với chi phí thuê nhà xưởng, mặt bằng thấp, DN gia nhập thị trường dễ dàng, nhưng việc tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất hiện nay rất khó. Muốn đầu tư một nhà xưởng sản xuất tầm trung, chi phí giải phóng mặt bằng, làm nhà xưởng cũng trên trăm tỉ đồng.

Để hạ lãi suất và giảm chi phí đất đai cho DN, phải quản lý tốt giá đất đầu vào. Chúng ta đang thiếu biện pháp quản lý giá đất, kiểm soát đầu cơ đất đai dẫn tới giá đất tăng. Nếu không kiểm soát được giá đất, rất khó hạ lãi suất ngân hàng.

Hai thị trường đầu cơ nhiều nhất hiện nay là vàng và đất đai. Trong đó, thị trường vàng dường như không có thuế nên tạo điều kiện cho lướt sóng, đầu cơ, lượng tiền nhàn rỗi vào thị trường vàng nhiều, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Lượng vốn chảy vào thị trường bất động sản nhiều cũng đẩy giá đất lên rất cao.

Nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất, dòng tiền nhàn rỗi vào bất động sản sẽ càng nhiều. Vì vậy, phải kiểm soát được giá đất mới hạ được lãi suất, kéo giảm chi phí sản xuất đầu vào cho DN. Theo nguyên lý, khi lãi suất giảm, chứng khoán sẽ tăng, DN sẽ dễ huy động vốn với chi phí hợp lý.

tư nhân - Ảnh 3.

* TS Vũ Đình Ánh (chuyên gia kinh tế):

Phát triển thị trường tài chính, đa dạng kênh tiếp cận vốn 

Tôi cho rằng vấn đề tiếp cận vốn của DN là bình đẳng, theo nguyên tắc thị trường, không phân biệt DN nhà nước, DN tư nhân.

Để đa dạng kênh tiếp cận vốn cho DN, phải phát triển thị trường tài chính, có rất nhiều dạng định chế tài chính như quỹ tín thác bất động sản để cung cấp vốn cho lĩnh vực nhà ở.

Vấn đề với khu vực tư nhân lúc này là đừng hạn chế, phân biệt đối xử với khu vực này, then chốt là phải tháo gỡ các rào cản để tư nhân phát triển, bản thân khu vực tư nhân đã là thị trường rồi.

* PGS.TS Vũ Sỹ Cường (giảng viên Học viện Tài chính):

Cải tổ Ngân hàng Phát triển Việt Nam

tư nhân - Ảnh 4.

Về nguyên tắc, Nhà nước không thể bảo lãnh cho tư nhân vay vốn làm dự án PPP nhưng Nhà nước có thể tạo thuận lợi, giao nhà đầu tư làm dự án hạ tầng thông qua ký kết biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư tư nhân. Như vậy, nhà đầu tư có cơ sở, mang biên bản ghi nhớ đó đi vay vốn làm dự án.

Các ngân hàng, quỹ đầu tư, định chế tài chính quốc tế nếu thấy nhà đầu tư làm dự án có lời họ sẽ cho vay vốn. Tại Trung Quốc, các địa phương giao dự án hạ tầng cho các nhà đầu tư đủ năng lực để họ sử dụng chính những dự án đó đi vay vốn làm công trình.

Ngoài ra, Nhà nước có thể hỗ trợ tư nhân tiếp cận vốn dài hạn, với lãi suất phù hợp để đầu tư làm các dự án hạ tầng quan trọng của đất nước thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Nhưng điểm yếu của ngân hàng này là vốn không đủ lớn, không đủ khả năng cung cấp hàng tỉ USD làm các dự án hạ tầng quan trọng cho đất nước.

Số dự án mà Ngân hàng Phát triển Việt Nam tài trợ một phần vốn những năm qua còn rất hạn chế, quy mô tài trợ vốn còn nhỏ như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Bến Lức - Long Thành... Trong khi đó, với cơ chế vận hành còn nhiều bất cập, đơn cử tiền lương cho lãnh đạo ngân hàng này chưa đủ hấp dẫn để thu hút người giỏi vào bộ máy quản lý.

Nếu Nhà nước muốn thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam để hỗ trợ tư nhân tiếp cận vốn làm dự án hạ tầng, phải cải tổ ngân hàng này, để đưa nó trở thành một ngân hàng phát triển thực sự. Cần nâng cao vị thế, thúc đẩy hợp tác giữa ngân hàng này với các định chế tài chính quốc tế để thông qua bảo lãnh của Chính phủ, ngân hàng có thể vay vốn từ các định chế tài chính quốc tế, quỹ đầu tư nước ngoài, phát hành trái phiếu huy động vốn tài trợ cho các dự án hạ tầng.

Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng định chế ngân hàng phát triển, quỹ phát triển hạ tầng để huy động vốn cho phát triển dự án hạ tầng với lãi suất ở mức thấp, thời gian vay dài hạn.

Cần giải pháp để tiền gửi tiết kiệm chảy vào lĩnh vực sản xuất

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có nhiều giải pháp để chứng khoán hóa tiền gửi.

Ví dụ ở Mỹ, người dân gửi tiền tiết kiệm, các ngân hàng sẽ phát hành chứng chỉ tiền gửi thay vì giữ sổ tiết kiệm. Các chứng chỉ tiền gửi sẽ được hệ thống ngân hàng chứng khoán hóa, có thể mua bán, giao dịch trên sàn.

Như vậy, vốn từ tiền gửi tiết kiệm đã chuyển sang thị trường chứng khoán để đi vào sản xuất. Người dân mua chứng chỉ tiền gửi được ngân hàng bảo lãnh, ngân hàng có thể huy động vốn dài hạn từ người dân.

Huy động quỹ hưu trí, phát hành trái phiếu để xây dựng hạ tầng

Cần đa dạng kênh tiếp cận vốn cho tư nhân - Ảnh 5.

Theo một số chuyên gia, cần có cơ chế cho tư nhân huy động vốn dài hạn với lãi vay phù hợp từ quỹ hưu trí, phát hành trái phiếu công trình - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông N.V.T., một nhà đầu tư PPP ở phía Bắc, huy động vốn tư nhân là nhân tố quyết định để hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại trong thời gian tới. Nhưng để khuyến khích tư nhân đầu tư hạ tầng thông qua các hợp đồng PPP, khuôn khổ pháp luật phải rõ ràng và nhà đầu tư phải có lợi nhuận khi làm dự án.

"Đầu tư dự án hạ tầng luôn cần vốn lớn, vì thế Chính phủ phải tạo cơ chế để nhà đầu tư tư nhân huy động vốn. Chẳng hạn, tạo cơ chế ưu tiên cho tư nhân huy động vốn dài hạn với lãi vay phù hợp từ quỹ hưu trí, phát hành trái phiếu công trình, vay vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế, các định chế tài chính đa quốc gia, thay vì chỉ trông chờ vay vốn ngân hàng với lãi vay thương mại hiện nay", vị này nói.

Cũng theo vị này, trong hợp đồng PPP, Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân là hai pháp nhân nên cần thể chế các quy định để các bên thực hiện đúng cam kết hợp đồng, trừ tình huống bất khả kháng được quy định rõ trong hợp đồng. Đã ký kết hợp đồng, hai bên đều phải thực hiện nghiêm. Thời gian qua có tình trạng cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu nhà đầu tưu BOT xả trạm không đúng quy định hợp đồng.

"Một ông vụ phó cũng có thể yêu cầu nhà đầu tư BOT xả trạm, như vậy các điều khoản cam kết trong hợp đồng bị phá vỡ. Đây là một trong những lý do mà doanh nghiệp, người dân chưa yên tâm khi bỏ vốn vào các dự án PPP", ông N.V.T. khẳng định.

Cần đa dạng kênh tiếp cận vốn cho tư nhân - Ảnh 6.Kinh tế tư nhân: Những chặng đường khúc khuỷu

TTCT - Ưu tiên với các lĩnh vực kinh tế đã chuyển từ nhà nước, sang doanh nghiệp FDI, và giờ là doanh nghiệp tư nhân quốc nội, với nhiều bài học quá khứ cần được ôn lại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp