Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng và có tính lịch sử đối với TP.HCM khi đang tập trung chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để triển khai thực hiện nghị quyết 98 với nhiều kỳ vọng.
Người dân muốn các dự án giao thông hoàn thành đúng tiến độ
Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho thấy người dân rất phấn khởi khi dự án đường vành đai 3 được khởi công và nhiều dự án như dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, dự án cầu Long Kiểng, cầu Tân Kỳ Tân Quý... cùng nhiều dự án khác được tái khởi động với các mốc tiến độ cụ thể.
"Người dân TP mong muốn các dự án trọng điểm của TP, nhất là các dự án giao thông sẽ hoàn thành đúng tiến độ, không chỉ có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP mà còn tăng cường năng lực giao thông tuyến Bắc - Nam và có tính liên kết vùng", báo cáo nêu.
Theo tờ trình về danh mục dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, UBND TP.HCM đề xuất 13 dự án. Có 6 dự án đăng ký mới năm 2023 và 7 dự án đã có nghị quyết HĐND TP thông qua quá 3 năm nay trình mới lại.
Đáng chú ý trong danh mục có dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư. Dự án này dự kiến thu hồi khoảng 204ha đất ở các xã Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Nhuận Đức, Phước Hiệp, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng và Phước Thạnh (huyện Củ Chi).
Một dự án đáng chú ý nữa là dự án xây dựng đường vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội). Dự án này dự kiến thu hồi 47,6ha tại các phường Phước Long A, Phước Long B, Tăng Nhơn Phú B, Bình Thọ và Trường Thọ (TP Thủ Đức).
Cũng tại kỳ họp, UBND TP trình tờ trình về việc thông qua danh mục chuyển mục đích đất trồng lúa để làm dự án. Có 11 dự án có chuyển mục đích đất trồng lúa, với diện tích 193,5ha. Ngoài ra, hàng chục dự án liên quan đến chống ngập và xây dựng, nâng cấp trường học ở các địa bàn cũng được trình HĐND chấp thuận chủ trương.
Áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất
Trong ngày đầu kỳ họp, HĐND TP.HCM thảo luận và thông qua nghị quyết triển khai thực hiện nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM. Theo nghị quyết, HĐND TP sẽ đồng tâm hiệp lực, sẵn sàng tâm thế để cụ thể hóa từng cơ chế, chính sách nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết 98.
HĐND TP triển khai 14 nội dung thuộc trách nhiệm và 13 nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND TP được quy định tại nghị quyết 98. Trong đó, HĐND TP.HCM ban hành tiêu chí, điều kiện, mức hỗ trợ, nội dung, thời gian hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. Quy định quy mô, tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao, văn hóa.
HĐND TP giao UBND TP khẩn trương trình HĐND quyết định các nội dung thuộc nhiệm vụ và thẩm quyền của HĐND TP tại các kỳ họp HĐND TP năm 2023 và năm tiếp theo. Tập trung triển khai thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm của UBND TP.
Ngoài ra, xây dựng và ban hành đề án, kế hoạch, các giải pháp thực hiện sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. UBND TP thường xuyên rà soát các quy định khác nhau giữa nghị quyết 98 với luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề, để đề xuất HĐND xem xét, áp dụng theo quy định của nghị quyết.
Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn nghị quyết 98 thì đề xuất HĐND TP xem xét, quyết định việc áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất.
Xử lý hành vi cố tình vi phạm
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên một lần nữa nhấn mạnh việc thực hiện nghị quyết 98 là thời cơ, điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cũng như giúp TP khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực cho sự phát triển bền vững.
Đánh giá kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng và có tính lịch sử đối với TP.HCM, ông Nên cho hay TP đang tập trung chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để triển khai thực hiện nghị quyết này với nhiều kỳ vọng.
Trong đó, từng vị trí việc làm trong hệ thống chính trị không thể chấp nhận những cán bộ thiếu trách nhiệm, thiếu nỗ lực, thiếu cố gắng và không có chỗ cho người cơ hội, tiêu cực. Thậm chí không có chỗ cho những cán bộ có thái độ bàng quan, làm làng nhàng trong thời điểm TP đang khẩn trương thực hiện nghị quyết.
Ông Nên cũng đề nghị HĐND TP phải đổi mới nội dung, phương pháp, cách tiếp cận trong hoạt động giám sát để hạn chế thấp nhất những rủi ro, kịp thời ngăn chặn không để xảy ra những rủi ro lớn.
"Giám sát không chỉ đi tìm lỗi và cũng không phải chờ để bắt lỗi, mà với tinh thần "kế hoạch 1, biện pháp 10, kiểm tra uốn nắn 20". Đồng thời, giám sát phải kịp thời phát hiện vi phạm; phải xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời các hành vi cố tình vi phạm, không làm đúng việc phải làm", ông Nên nhấn mạnh.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM sáu tháng đầu năm 2023 đã đạt một số kết quả tích cực.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) tăng 3,55%; các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,9%.
Thu ngân sách ước thực hiện đạt hơn 227.000 tỉ đồng, đạt 48,5% dự toán, chi ngân sách tăng mạnh 70,9%, trong đó chi đầu tư phát triển tăng 90,4%.
Các dự án trọng điểm, hạ tầng giao thông kết nối quan trọng được tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công xây dựng và khánh thành như dự án đường vành đai 3, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2...
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại. Bởi kinh tế TP vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do chịu tác động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới. Biểu hiện qua những khó khăn của doanh nghiệp về đơn hàng, xuất khẩu hay các vấn đề giải quyết việc làm.
Theo chương trình kỳ họp, hôm nay (11-7) HĐND TP.HCM sẽ tổ chức chất vấn lãnh đạo UBND TP.HCM, hai giám đốc sở (Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch) và UBND quận 1. Các đại biểu sẽ nghe, thảo luận và thông qua nghị quyết về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của thường trực HĐND TP.HCM.
* Ông Lương Minh Phúc (giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM): Kỳ vọng vài năm nữa bức tranh giao thông TP.HCM tươi sáng hơn
Trong nghị quyết 98, ngành giao thông có năm cơ chế mới rất thuận lợi.
Cụ thể như tách dự án đền bù ra khỏi dự án chính, BOT trên đường giao thông hiện hữu, BT trả chậm bằng tiền, mời gọi đầu tư hạ tầng giao thông, tận dụng quỹ đất quy hoạch theo các trục giao thông chính thành nguồn lực xây dựng các công trình giao thông.
Và cuối cùng là cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Yếu tố này góp phần rất lớn thúc đẩy, tạo bước nhảy vọt cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Như dự án đường vành đai 3 vừa rồi, sắp tới các dự án giao thông sẽ thuận lợi hơn khi đã có cơ chế rõ ràng. Cơ chế mới này tạo ra sự đồng thuận khi hài hòa lợi ích giữa người dân và Nhà nước trong việc thu hồi đất để triển khai dự án. Đồng thời thời gian triển khai dự án cũng nhanh hơn, rút gọn nhiều quy trình trong việc đền bù, giải tỏa. Đây vốn là điểm nghẽn lớn của nhiều dự án trước đây.
Cơ chế đặc thù giúp chúng ta có thêm công cụ, giải pháp, chính sách để các dự án giao thông nhanh chóng triển khai và hoàn thiện. Gần nhất có thể nói tới dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Với kinh nghiệm đường vành đai 3 và thêm cơ chế mới thì dự án này sẽ rất thuận lợi. Kỳ vọng trong vài năm nữa bức tranh giao thông TP.HCM sẽ tươi sáng hơn rất nhiều.
* Ông Lê Minh Đức (phó trưởng Ban Pháp chế của HĐND TP.HCM):
Với vấn đề hạ tầng giao thông, việc triển khai các dự án thời gian qua rất được TP quan tâm thúc đẩy tiến độ nhưng một số chủ đầu tư, nhà thầu vẫn làm chậm.
Ví dụ như dự án nút giao Nguyễn Văn Linh, đường Lương Định Của, mở rộng đường Đồng Văn Cống rất chậm.
Cho nên vai trò của HĐND cần được nâng cao, trách nhiệm cao hơn trong công tác giám sát, kiểm tra đôn đốc để không ảnh hưởng đến vấn đề giao thông của người dân, thiệt hại của TP.
* Bà Hoàng Thị Tố Nga (đại biểu HĐND TP.HCM):
Lãnh đạo TP cần quan tâm hơn đến đề án tạo động lực và giữ chân cán bộ công chức.
Thời gian qua, tôi thấy nhiều trường hợp cán bộ giỏi xin nghỉ sau đó qua doanh nghiệp làm vì doanh nghiệp trả lương cao hơn, điều này khiến TP chảy máu chất xám.
Đề nghị HĐND TP.HCM tổ chức giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện nghị quyết 98 ngay từ ban đầu để đảm bảo triển khai đạt hiệu quả cao nhất.
Cần thiết thành lập tổ công tác để phân công công việc cho các sở, ngành, đơn vị một cách cụ thể, rõ ràng trên tinh thần phối hợp chung, đồng bộ và trách nhiệm. Việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền sẽ hạn chế được việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị, địa phương, đồng thời động viên cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
* Ông Trần Văn Khuyên (đại biểu HĐND TP.HCM):
Cần phân nhóm rõ việc điều hành của UBND TP.HCM và các sở ngành, nhóm thuộc quận huyện. Từ đó phân rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, công việc cụ thể của từng bộ phận, sở ngành, địa phương.
Cùng với đó, TP cần mạnh dạn ủy quyền cho sở ngành, quận huyện một số công việc mang tính sát thực của cơ sở, nhất là ủy quyền mạnh cho năm huyện như cơ chế của TP Thủ Đức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận