03/02/2015 09:03 GMT+7

​Cần có nghị quyết về kiểm soát quyền lực

VÕ VĂN THÀNH - PHẠM VŨ thực hiện
VÕ VĂN THÀNH - PHẠM VŨ thực hiện

TT - Trong điều kiện một Đảng cầm quyền, nhiều cán bộ, đảng viên được giao quyền lực lớn, trong khi đó lâu nay cơ chế kiểm soát quyền lực ở ta chưa được đặt đúng tầm quan trọng.

Ảnh: V.V.Thành

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng, ông Vũ Ngọc Hoàng - ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương - chia sẻ với Tuổi Trẻ những tâm huyết của mình về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

* Là một đảng viên, ông nhận xét gì về công tác xây dựng Đảng sau ba năm thực hiện nghị quyết trung ương 4 (khóa XI)?

- Xuyên suốt lịch sử Đảng, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới, đã có nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được ban hành. Các chủ trương, nghị quyết này, trong đó có nghị quyết trung ương 4, đều có nội dung rất tốt, hợp lòng dân, việc triển khai đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên thực tế thì chưa đạt được như mong muốn. Qua nhiều nghị quyết, từ chỗ nhận định “một số cán bộ thoái hóa”, sau đó là “một bộ phận thoái hóa”, đến bây giờ là “một bộ phận không nhỏ” và “trong bộ phận không nhỏ có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý suy thoái”. Như vậy, cứ theo thời gian thì chúng ta thấy tình hình cấp bách hơn.

Tới đây, các cấp có thẩm quyền sẽ đưa ra đánh giá chính thức. Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng ba năm thực hiện nghị quyết trung ương 4, chuyển biến tích cực là đã nâng cao nhận thức, nhìn thẳng được vào sự thật, đã giải quyết được một số vụ việc, một số vấn đề nhưng chưa thể nói chuyển biến đó đã đáp ứng được mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nội dung nghị quyết đúng rồi, triển khai với quyết tâm chính trị rất cao, vậy cái còn thiếu là gì? Vấn đề cốt lõi gì nếu bổ sung thêm sẽ giúp công việc này đi trúng hơn, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ hơn?

Hiện nay, theo tôi, nguy cơ nguy hiểm nhất là lợi ích nhóm. Nếu không ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ này thì quyền lực của nhân dân sẽ bị nhóm lợi ích chi phối, các nguồn lực của đất nước bị thâu tóm, tài sản đất nước bị chuyển hóa thành tài sản của nhóm lợi ích
Ông VŨ NGỌC HOÀNG

 

* Theo ông, cái còn thiếu đó là gì?

- Nhìn dưới góc độ khoa học có hai vấn đề.

Thứ nhất, phải làm tốt cơ chế kiểm soát quyền lực. Cán bộ tha hóa vì bị mặt trái của quyền lực tác động vào.

Đại hội XI của Đảng đã thấy vấn đề, đưa vào văn kiện nội dung về kiểm soát quyền lực và mới đây Quốc hội đã thể chế hóa vào Hiến pháp 2013.

Tuy nhiên chủ trương muốn đi vào cuộc sống phải bằng cơ chế, chính sách cụ thể, ta chưa có nhiều quy định để luật hóa vấn đề này.

Cần nhớ rằng một cá nhân không tự nhiên có quyền lực, đây là ủy quyền của nhân dân. Tha hóa quyền lực biến quyền lực của nhân dân thành quyền lực của cá nhân. Để vận hành cơ chế ủy quyền đúng nghĩa quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân phải có cơ chế kiểm soát quyền lực.

Ta không nói tam quyền phân lập như các nước phương Tây. Đảng ta khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Nhưng phân công, phối hợp và kiểm soát như thế nào để quản trị cho tốt một quốc gia hiện đại? Sự phát triển của nhân loại đã để lại nhiều kinh nghiệm quý. Chúng ta cần nghiên cứu dưới góc độ khoa học, để rồi từ tinh hoa tri thức nhân loại và từ trí tuệ, từ thực tiễn phong phú của chính chúng ta để Đảng lãnh đạo Nhà nước ban hành những cơ chế cụ thể về kiểm soát quyền lực.

Tôi nhấn mạnh phải có “cơ chế cụ thể” vì không thể chỉ dừng lại ở chủ trương chung mà tạo ra chuyển biến được. Tôi rất mong muốn Đảng ta có một nghị quyết chuyên đề về kiểm soát quyền lực.

Thứ hai là cơ chế dân chủ. Đảng ta từ nhân dân, dân tộc sinh ra, xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải là công việc của toàn dân. Đúng là trong xã hội có những người lợi dụng dân chủ, nhưng không vì thế mà chúng ta cản trở hay làm chậm lại những bước đi của dân chủ.

Cũng như khi xuất hiện Internet, ai cũng thấy Internet có nhiều mặt trái nguy hại, nhưng không vì thế mà từ chối văn minh của nhân loại. Chúng ta phải chăm lo cho tốt vấn đề dân chủ.

Nhân dân phải học, lãnh đạo phải học, cán bộ phải học lại những bài học cơ bản thế nào là dân chủ theo đúng nghĩa lành mạnh và khoa học của nó. Đây là câu chuyện về nhận thức của cả một cộng đồng dân tộc.

Làm tốt được hai việc trên, tôi tin tưởng tương lai sẽ tươi sáng hơn.

* Khi nói đến phát huy dân chủ ai cũng đồng tình, nhưng cũng có ý kiến nhấn mạnh đến duy trì, đảm bảo ổn định. Ông nghĩ sao?

- Ổn định chính trị một cách lành mạnh là nền tảng không thể thiếu cho một xã hội thịnh vượng. Xã hội rối tung lên thì làm sao phát triển được, thậm chí khi rối thì dân chủ không những không thực hiện được mà còn sẽ có bước thụt lùi vì lúc đó người ta chơi luật rừng. Nhưng sự ổn định phải là ổn định lành mạnh chứ không phải ổn định giả tạo. Cần phân biệt cho được hai mặt này.

Thực tế tôi nghĩ có những người lãnh đạo chỉ thích duy trì ổn định giả tạo trong nhiệm kỳ của họ, trong khi đó nền móng ở dưới mỗi ngày thêm vết nứt... Nghĩa là sự ổn định giả tạo ở bề mặt tạm thời phủ bóng lên một cuộc không ổn định sau đó.

* Trở lại vấn đề cơ chế kiểm soát quyền lực, theo ông, đâu là điều kiện tiên quyết để xây dựng được cơ chế này?

- Muốn làm được việc này thì những người có quyền phải rất gương mẫu, vì đây là khống chế chính mình. Kiểm soát quyền lực phải bằng chính các cơ quan nhà nước, bằng công luận thông qua sự minh bạch thông tin và bằng quyền tham chính của dân.

Tôi cũng cho rằng phải đổi mới tư duy hơn nữa, vượt lên chính mình, bằng tình yêu đất nước, yêu dân tộc, yêu Đảng sâu sắc mới làm được. Đổi mới tư duy quan trọng lắm, có đổi mới tư duy mới đổi mới được cơ chế.

* Ông từng là lãnh đạo địa phương, từ chủ tịch UBND tỉnh rồi bí thư tỉnh ủy. Khi ở địa phương, ông có thấy cấp dưới và người dân kiểm soát được quyền lực của lãnh đạo hay không?

- Không kiểm soát hết được. Lãnh đạo làm rất nhiều việc, có việc kiểm soát được nhưng có những việc rất khó kiểm soát. Trên lý thuyết thì có kiểm soát, nhưng vào thực tế không kiểm soát được hết. Nói cách khác là nhiều khi lý thuyết mới dừng lại ở hô khẩu hiệu, mà khẩu hiệu thì chúng ta thừa rồi.

Tôi còn nhớ lúc tôi công tác ở địa phương, thu hút đầu tư là một vấn đề quan trọng. Có một giai đoạn nhiều tập đoàn lớn, ngoài nước, trong nước đến đề nghị đầu tư các dự án lên đến nhiều tỉ USD.

Đối với địa phương, các khoản đầu tư lớn mới nghe qua rất quý, lãnh đạo tỉnh có ý kiến đồng ý. Nhưng sau thường vụ tỉnh ủy bàn bạc, nghe góp ý của các nhà khoa học thấy rằng đây là những dự án không bền vững, ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân, ảnh hưởng đến thế mạnh khai thác du lịch. Cuối cùng chúng tôi quyết định không chấp thuận. Bây giờ nhìn lại thấy rằng hồi đó quyết định như vậy là đúng, chắc cũng hợp lòng dân dù khi ấy người dân chưa có thông tin.

* Là ủy viên Trung ương Đảng, ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề kiểm soát quyền lực trong Đảng với cơ chế kiểm tra, giám sát hiện hành, cơ chế chất vấn và mới đây là lấy phiếu tín nhiệm...?

- Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế. Chất vấn trong Đảng hiện nay chưa được nhiều như chất vấn ở Quốc hội. Tất cả đều phải được nghiên cứu để bổ sung sao cho đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, ngay cả với chất vấn ở Quốc hội thì cử tri cũng cho rằng cần làm tốt hơn nữa.

* Ông giữ thái độ lạc quan hay ngược lại?

- Tôi tin cái gì tốt và đúng sẽ đến. Cuộc sống sẽ đi tới, không thể ngăn cản, nhưng chúng ta tác động cho nó đi tới sớm hơn thì tốt hơn.

 

VÕ VĂN THÀNH - PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp