03/01/2011 04:03 GMT+7

Cần có luật chống ô nhiễm tiếng ồn

DS NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (Úc)
DS NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (Úc)

TT - Liên tục mấy ngày qua, một vụ ẩu đả gây ra án mạng tại Sóc Trăng và một vụ tương tự ở quận Thủ Đức (TP.HCM) xảy ra do nguyên nhân rất “lạ”, đó là mở nhạc có âm lượng quá lớn.

Nói là nguyên nhân “lạ” nhưng thật sự nó quá quen thuộc trong xã hội của chúng ta. Nhà nhà gây tiếng ồn, người người gây tiếng ồn. Thật ngao ngán khi đi ngang quán cà phê, quán ăn hay bất cứ cơ sở kinh doanh nào cũng đều nghe tiếng nhạc xập xình với âm lượng ở mức tối đa. Người ta thì lại cố ý tạo ra tiếng ồn, càng đinh tai nhức óc càng tự thấy mình hay!

Chúng ta đã có đủ thứ luật ở trên đời, thậm chí có những luật lạ đến mức không ai có thể ngờ tới, chẳng hạn như luật “sáu ngón tay” (luật cấm người có bàn tay sáu ngón thi lấy bằng lái xe hai bánh), thế nhưng luật về tôn trọng sự tĩnh lặng cho con người lại chưa có.

Khi về Việt Nam, tôi được người thân sắp xếp ở một căn phòng rộng rãi và thoáng mát trên tầng hai, có cửa sổ để đón gió trời tươi mát. Thế nhưng khi mở cửa sổ ra tôi đã không chịu nổi với tiếng ồn. Đó là tiếng ồn của quán cà phê đối diện bên đường, tiếng ồn của những chiếc còi xe “khủng”, tiếng nẹt pô xe của những cậu choai choai (và cũng không hiếm người lớn), tiếng ra rả của những chiếc loa phường.

Đêm về, đến lượt những nhà xung quanh lại vô tư... sản xuất tiếng ồn, nhà thì hát karaoke, nhà thì tiệc tùng đình đám thâu đêm. Tôi phải dùng những miếng bông nhét tai mới có thể đương đầu với màn đêm đầy tiếng ồn ào hỗn tạp.

Tôi hiện sinh sống tại Úc, thật sự mà nói tôi chưa bao giờ nghe bất cứ âm thanh “lạ” nào từ nhà kế bên. Họ rất tôn trọng không gian yên tĩnh cho những người xung quanh và cho chính họ. Đôi khi mở tiệc tùng đình đám họ cũng nói cho hàng xóm biết để mong cho đậu nhờ xe hoặc xin được phép mở nhạc hơi lớn chút ít không có gì phải phiền trách và không bao giờ quá 22g.

Ngày thứ bảy, chủ nhật, họ biết hàng xóm của mình cần ngủ lâu hơn ngày thường nên không bao giờ gây ra những tiếng ồn như cắt cỏ, làm vườn, sửa xe... nhằm đảm bảo sự nghỉ ngơi của hàng xóm sau một tuần làm việc cực nhọc.

Về mặt sức khỏe và môi trường, tiếng ồn gây ra những tác hại nghiêm trọng. Thống kê cho thấy tại Việt Nam có khoảng 800.000 người bị giảm thính lực và phần lớn có nguyên nhân từ tiếng ồn.

Tiếp xúc nhiều với tiếng ồn của còi xe, động cơ xe, loa phóng thanh... sẽ gây cao huyết áp và các vấn đề về tim mạch, các rối loạn về tiêu hóa, có nhiều người bị stress mà không hiểu tại sao, chỉ khi tiếng ồn chấm dứt họ mới có lại trạng thái thư giãn.

Tiếng ồn cũng gây tác hại đến đô thị do hủy diệt môi trường sinh thái, chẳng hạn chim gọi bầy to tiếng hơn, lâu hơn và dĩ nhiên sẽ... chết sớm hơn, cây xanh ở đô thị cũng bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của tiếng ồn.

Tại Úc, trẻ em được giáo dục về ô nhiễm âm thanh từ nhỏ, cha mẹ và nhà trường dẫn các em vào một khu rừng tĩnh lặng trong vài giờ rồi trở ra các khu đô thị sầm uất để các em có được sự so sánh về hai môi trường âm thanh và sẽ nhận thức được tác hại của tiếng ồn.

Chúng ta đã thành công trong việc gắn kính chiếu hậu cho xe gắn máy, trong việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm, chúng ta cũng đã có cảnh sát môi trường để xử phạt những kẻ gây ô nhiễm môi trường. Hi vọng chúng ta cũng sẽ có luật âm thanh. Cần xử lý nghiêm những trường hợp gây tiếng ồn để người dân được thanh thản hơn.

DS NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (Úc)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp