* Tâm trạng xã hội “có vấn đề”
Phóng to |
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại Quốc hội - Ảnh: V.Dũng |
Tuy là hai chương trình nghị sự khác nhau nhưng nhìn chung, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều tập trung vào vấn đề bức xúc hiện nay là phòng chống tham nhũng.
Nên thành lập cơ quan điều tra chống tham nhũng
"Tổng bí thư đã xin lỗi trước quốc dân đồng bào. Thủ tướng Chính phủ cũng đã xin lỗi trước quốc dân đồng bào. Vậy các lãnh đạo còn lại ở các cấp, những người đảng viên cộng sản giữ các chức vụ khác hãy nói là chúng tôi hứa không tham nhũng đi. Riêng các đảng viên đã trót tham nhũng phải tự thú trước Đảng, tự thú trước nhân dân, phải hứa là từ nay về sau tôi sẽ không tham nhũng. Có như vậy mới lấy lại được thanh danh của Đảng, lấy lại được niềm tin của nhân dân " Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long |
Cho ý kiến về dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng dự thảo quy định chưa rõ, chưa đủ về quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan dân cử. “Vấn đề này thể hiện trong luật thế nào, cơ quan dân cử không phải cơ quan điều tra, truy tố, xét xử nhưng phải có trách nhiệm trong công tác phòng chống tham nhũng, vậy thì quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan dân cử đến đâu?”.
Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, ông Huỳnh Thành Lập - trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - đề nghị cần quy định luôn trong luật, không nên giao Chính phủ. Đa số ý kiến đồng thuận với việc nên mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, khi thảo luận tại tổ về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) lại băn khoăn: “Tôi cho rằng chỉ có những đối tượng nào có khả năng tham nhũng, nhũng nhiễu thì mới nên đưa vào đối tượng phải kê khai tài sản, chứ không cần quy định diện quá rộng”.
Mọi hành vi tham nhũng đều phải xử lý
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh - phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM - cho rằng một cán bộ thuế ở phường hay thanh tra xây dựng nhũng nhiễu lấy tiền, theo luật hiện hành là tham nhũng nhưng theo ĐB Ánh thì đây không phải là tham nhũng, chỉ là tội phạm. “Lấy vài trăm nghìn, một hai triệu bạc hoặc cảnh sát giao thông cưa đôi tiền xử phạt với người vi phạm mà cho là tham nhũng thì không phải” - ông Ánh đặt vấn đề. Cũng theo ông Ánh, nếu liệt kê rất nhiều hành vi tham nhũng (như trong dự thảo luật), rồi sau một năm cộng lại sẽ có đến hàng nghìn vụ tham nhũng. Thấy số vụ thì rất lớn nhưng toàn là những vụ nhỏ, trong khi đó tham nhũng to thật sự lại không phát hiện được. Ông Ánh đề nghị cần hiểu thế nào là tham nhũng cho đúng để thu hẹp bớt hành vi, xác định đúng tính chất.
Trong khi đó, ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) nói nếu chúng ta đã có quyết tâm cao độ về chống tham nhũng, thì mọi hành vi tham nhũng đều phải bị xử lý hình sự để tạo ra áp lực đối với những người có ý đồ tham nhũng. “Luật này phải là luật tổ chức cuộc đấu tranh, chứ không chỉ là luật về hành vi. Tôi cho rằng nếu xử lý nghiêm túc theo các quy định trong Bộ luật hình sự thì đã tốt lắm rồi, chứ không cần phải quy định các hành vi trong Luật phòng chống tham nhũng” - ông Ngũ nói.
Phải kiểm soát tài sản, kiểm soát thu nhập
Trước đó, trong phiên thảo luận tại hội trường, với tư cách là người được Ủy ban Tư pháp giao phụ trách lĩnh vực liên quan đến đấu tranh phòng chống tội phạm về tham nhũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết qua khảo sát, nghiên cứu các nước cho thấy có ba yếu tố quan trọng để chống tham nhũng có hiệu quả thì ở nước ta cả ba yếu tố này đều thiếu và yếu. Đầu tiên là yếu tố kiểm soát tài sản thu nhập. “Chúng ta mới kê khai, nhưng Luật phòng chống tham nhũng ra đời đã bảy năm, chưa bao giờ đặt vấn đề kiểm soát tài sản, kiểm soát thu nhập” - ông Quyền nói.
Cũng theo ông Quyền, qua nghiên cứu nhiều nơi cho thấy người ta đều tổ chức một cơ quan điều tra đặc biệt về chống tham nhũng, có thẩm quyền và những phương pháp điều tra khác với cơ quan điều tra tội phạm thông thường. Ông Quyền cho biết: “Như ở Nam Phi, cơ quan này đặt dưới sự chỉ đạo của tổng thống và có những cơ chế rất đặc biệt”. Yếu tố thứ ba được ông Quyền chỉ ra là: “Chúng ta thiếu một luật công vụ, trong đó nói lên mối quan hệ trách nhiệm của từng cấp, xác định phạm vi trách nhiệm của từng vị trí công tác”.
Tâm trạng xã hội “có vấn đề”
Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Lê Việt Trường đề xuất giải pháp cơ bản, vừa cấp bách vừa lâu dài, để giảm thiểu áp lực cho các cơ quan phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm là củng cố lòng tin của nhân dân. Ông Trường nói: “Chúng ta đang phung phí lòng tin của nhân dân. Xói mòn lòng tin của nhân dân biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ: khiếu kiện tố cáo vượt cấp tăng vì thiếu lòng tin về việc giải quyết ở cấp dưới; không dám tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tố cáo tham nhũng, bởi thiếu lòng tin vào sự bảo vệ; thấy người thi hành công vụ xử lý một người thì nhiều người xung quanh, tuy không có liên quan, sẵn sàng tham gia bênh vực người bị xử lý, mặc dù chưa biết đúng sai vì không tin vào người thi hành công vụ. Chạy chức, chạy quyền, chạy trường, chạy lớp vì sợ cứ để tự nhiên e rằng không đến lượt là một biểu hiện thiếu lòng tin; đua nhau mua vàng, đôla tích trữ vì thiếu lòng tin vào giá trị đồng tiền; khiếu kiện đông người vì đi ít sợ không được giải quyết, suy cho cùng cũng là vì thiếu lòng tin; đòi nợ bằng luật rừng thay vì luật nhà nước là vì không còn lòng tin ở cán cân công lý...”.
Từ những phân tích này, ông Trường cho rằng tâm trạng xã hội đang “có vấn đề”. Ông nói: “Tâm trạng xã hội đã và đang xuất hiện những vấn đề không bình thường, một biểu hiện của suy giảm lòng tin. Vì vậy, đây là lúc đất nước đòi hỏi phải có những quyết sách cần thiết, liệu chúng ta có thể giải quyết tốt những vấn đề đang đặt ra không? Xin thưa, hoàn toàn có thể được”.
“Không gì khổ bằng ngồi chờ chết” Về việc hàng trăm án tử hình hiện không thể thi hành án vì thiếu thuốc độc, trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 2-11, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đặt vấn đề: “Không có gì khổ bằng ngồi chờ chết. Hiện nay 500 tử tù đang ngồi chờ. Đề nghị Quốc hội cho tồn tại song song hai hình thức thi hành án tử hình cũ (xử bắn) và mới (tiêm thuốc độc), có lộ trình thay thế dần hình thức cũ bằng hình thức mới”. Bà Hải thẳng thắn nói: “Một trong những nội dung quan trọng của nghị định về thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc là quy định rõ các loại thuốc sẽ được sử dụng khi thi hành án, gồm ba loại, trước tiên là gây mê, sau đó thuốc làm tê liệt hệ thần kinh cơ bắp và cuối cùng là thuốc làm ngừng hoạt động tim với các tên khoa học đầy đủ đi kèm. Câu hỏi đặt ra với tôi là tại sao không tìm hiểu việc có ai bán hay cung cấp thuốc đó hay không? Nếu không có thì nước ta có năng lực sản xuất thuốc đó hay không và nguyên liệu sẽ lấy từ đâu?”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận