10/09/2021 08:54 GMT+7

Cần cơ chế tiếp sức nhân viên y tế

HƯƠNG THẢO - THU HIẾN
HƯƠNG THẢO - THU HIẾN

TTO - Cải thiện dinh dưỡng bữa ăn, có thêm không gian, thời gian nghỉ ngơi sau mỗi tua trực, trang bị đầy đủ bảo hộ cùng trang thiết bị máy móc, thuốc men…

Cần cơ chế tiếp sức nhân viên y tế - Ảnh 1.

Một bệnh nhân F0 trở nặng khó thở được các bác sĩ và điều dưỡng cõng từ lầu 2 xuống phòng cấp cứu tầng trệt tại Bệnh viện dã chiến Chi Lăng, quận 4, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Đó chính là những nhu cầu cần thiết được nhiều nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 mong mỏi… Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả phục vụ nhân dân.

Tôi rất hiểu và trân trọng tất cả đội ngũ y tế thời gian qua đã rất nỗ lực vì người bệnh. Dù không ai nói ra nhưng tôi đã thấy rõ sự mệt mỏi trên từng nét mặt; sự đau xót khi nỗ lực hết mình nhưng nhiều người bệnh không thể qua khỏi. Tôi mong rằng từng nhân viên y tế đã nỗ lực hãy cùng nhau cố thêm chút nữa để cứu chữa người bệnh.

PGS.TS TĂNG CHÍ THƯỢNG (giám đốc Sở Y tế TP.HCM)

Giấc ngủ tính bằng phút

Đã gần 2 tháng kể từ khi tham gia điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến huyện Bình Chánh, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiếu vẫn chưa về thăm gia đình. Số lượng bệnh nhân COVID-19 ngày càng lớn, nên mỗi nhân viên y tế đều phải đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, cùng tập thể gánh công việc trong bệnh viện.

Bác sĩ Hiếu kể trung bình mỗi ngày anh chăm sóc đến 80-90 bệnh nhân COVID-19 từ nặng đến nhẹ. Có 3-4 tình nguyện viên hỗ trợ nhưng cũng phụ công việc chăm sóc thông thường, bác sĩ vẫn là người trực chính theo sát cấp cứu cho bệnh nhân. "Lượng bệnh nhân đông nên việc trở nặng nhanh lắm. Chúng tôi thường phải trực cấp cứu 24/24, có những đêm giấc ngủ chỉ tính bằng phút, vừa ngả lưng rồi lại phải bật dậy lao vào cấp cứu cho bệnh nhân trở nặng" - bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Không những sẻ chia, trách nhiệm hết mình trong việc chữa trị cho bệnh nhân, mới đây khi lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh đến thăm hỗ trợ 10 triệu đồng, nhóm bác sĩ Hiếu động viên nhau không lấy số tiền đó dùng cho cá nhân mà dành mua thuốc hỗ trợ người bệnh.

Còn bác sĩ Nguyễn Thành Tâm - Bệnh viện dã chiến số 1 (KTX ĐH Quốc gia TP.HCM) - kể có lúc bệnh nhân lên đến 4.500 người, mỗi bác sĩ phụ trách từ 70-80 bệnh nhân. Không chỉ trực tiếp điều trị, các bác sĩ còn phải đảm nhận nhiều vị trí khác nhau như đẩy bình oxy, các công việc hành chính như nhập liệu, viết hồ sơ... Từ lúc bước vào cuộc chiến chống dịch hầu như các y bác sĩ đều chú tâm vào công việc chữa trị cho người bệnh mà quên mất ngày nghỉ hay ngày lễ.

Bên cạnh cường độ làm việc cao, theo bác sĩ Tâm, dinh dưỡng của nhân viên y tế có lúc chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết, có bữa cơm khô, rất khó ăn. Khu nghỉ ngơi cũng được trưng dụng từ các khu ở dành cho bệnh nhân mắc COVID-19, mọi thứ với nhân viên y tế cũng giống như một người bệnh thông thường. "Việc đảm bảo dinh dưỡng và nơi nghỉ ngơi cho các nhân viên y tế là điều rất quan trọng. Bởi khi mọi người đủ sức khỏe mới mong chăm sóc người bệnh được tốt nhất" - bác sĩ Tâm bộc bạch.

Những khó khăn từ thực tế như trên cũng đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu trong công văn gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM ngày 7-9. Theo đó, sau khi kiểm tra tại một số bệnh viện dã chiến, ông Sơn nhận thấy còn một số điểm bất hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của nhân viên y tế.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, hiện mỗi bác sĩ, điều dưỡng phải chăm sóc và quản lý từ 140-150 bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, mỗi người làm việc theo tua kéo dài từ 8-10 tiếng/ngày, trong điều kiện trang phục bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải. Các bác sĩ và điều dưỡng thường xuyên phải trực cấp cứu 12 tiếng/ngày nếu được điều động tăng cường và với số lượng người bệnh quá lớn, trực nhiều giờ cũng là lý do chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh bị giảm sút.

Cần cơ chế tiếp sức nhân viên y tế - Ảnh 3.

Các bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai điều hành ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Mệnh lệnh từ trái tim: cứu người!

Gần hai tháng đi vào hoạt động với nguồn nhân lực chi viện từ nhiều bệnh viện khắp cả nước, Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức đứng trước một khối lượng công việc khổng lồ. Trong số hơn 2.600 bệnh nhân tiếp nhận điều trị đã có hàng trăm bệnh nhân nặng, nguy kịch khỏi bệnh. Để có được thành quả này, TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm giám đốc điều hành Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức - chia sẻ hầu như tất cả nhân viên đều lao vào cuộc chiến với tâm thế cống hiến, cứu người, hiếm ai để ý đến các khoản phụ cấp, hỗ trợ.

Ngoài sự chăm lo hỗ trợ từ Nhà nước, điều mang lại "sức mạnh tinh thần" cho các nhân viên y tế của bệnh viện còn đến từ sự "đùm bọc" của cộng đồng xã hội. Có khi chỉ cần ly trà sữa, cái bánh ít, trứng gà luộc... được người dân gửi vào cũng làm cho các bác sĩ, điều dưỡng ấm lòng. "Ở riết trong bệnh viện với áp lực công việc thường trực, nhiều khi anh chị em y bác sĩ chỉ thèm một giấc ngủ trọn vẹn, những món ăn dân dã như bánh tráng trộn, xoài lắc, trà sữa từ cộng đồng, chỉ thế thôi đã vui lắm rồi" - bác sĩ Thức chia sẻ.

Trong bối cảnh hiện nay, bác sĩ Thức cho rằng việc đáp ứng nhân lực cho các bệnh viện là điều khá khó khăn, giống như chiếc chăn "kéo đầu này hụt đầu kia". Do đó riêng tại bệnh viện hồi sức, mỗi nhân viên xác định phải làm bằng 4-5 người so với ngày thường. Để giảm áp lực, mỗi ngày bệnh viện còn chia làm 4 kíp (3 ca làm, 1 ca nghỉ), xoay vòng mỗi kíp 8 tiếng. Tuy vậy có ngày thiếu hụt người (nhân viên mắc COVID-19) buộc phải tăng giờ làm gối đầu cho ca sau. 

"8 tiếng chăm sóc bệnh nhân hồi sức thì gấp 4-5 lần chăm sóc bệnh nhân thông thường. Do đó với một nhân viên y tế làm việc liên tục suốt 8 tiếng thì chẳng khác gì làm ca 24 giờ/ngày cả" - bác sĩ Thức bộc bạch thêm.

Cần cơ chế tiếp sức nhân viên y tế - Ảnh 4.

Nguồn: Công văn 6041 Bộ Y tế ngày 7-8-2021 - Đồ họa: TUẤN ANH

Do vậy, để tái tạo sức lao động, tạo động lực làm việc cho lực lượng tuyến đầu chống dịch này, bác sĩ Thức cho rằng việc chú trọng chăm lo miếng ăn, giấc ngủ là điều rất quan trọng. Bác sĩ Thức cho biết hiện bệnh viện có được không ít thuận lợi là các nhân viên đang được bố trí chỗ ăn ở khá thoải mái, có xe đưa rước khá tốt. Ngoài ra, các nhà hảo tâm cũng ủng hộ đồ ăn, thức uống thường xuyên. Sau mỗi ca làm cực nhọc, nhân viên y tế được bố trí nơi vệ sinh tắm rửa bằng nước nóng, có ghế massage, nghe nhạc để giảm bớt căng thẳng.

Nói thêm về câu chuyện trên, bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh kiêm giám đốc Bệnh viện dã chiến số 3 (TP Thủ Đức) - chia sẻ khi bước chân vào trận chiến với "giặc" COVID-19, phía sau lưng của nhân viên y tế còn là con thơ, mẹ già và người thân trong gia đình. Tuy vậy, ai cũng đều hiểu "phía trước là sinh mạng người bệnh" và đều có chung một quyết tâm cố gắng làm trọn trách nhiệm của người thầy thuốc. Ít có ai quan tâm so đo thiệt hơn về chuyện tiền bạc trợ cấp, cũng ít có ai mong được tung hô, tán thưởng.

Theo bác sĩ Khanh, với đặc thù công việc trong môi trường nguy hiểm, mỗi nhân viên y tế đều có ít nhiều căng thẳng trước áp lực công việc và nguy cơ lây bệnh bất cứ lúc nào. "Ngoài sự hy sinh cho cộng đồng, nhân viên y tế cần thêm thời gian để nghỉ ngơi hợp lý tái tạo sức khỏe. Ngoài ra, dinh dưỡng mỗi bữa ăn cũng cần phải được cải thiện phù hợp hơn và cần đảm bảo trang bị đầy đủ đồ bảo hộ để anh chị em tiếp tục chiến đấu với cuộc chiến chống dịch còn kéo dài" - bác sĩ Khanh chia sẻ.

Cần cơ chế tiếp sức nhân viên y tế - Ảnh 5.

Ngoài việc thăm khám, cấp cứu cho F0, các bác sĩ Bệnh viện dã chiến huyện Bình Chánh còn kiêm luôn việc vận chuyển bình oxy cho người bệnh - Ảnh: THU HIẾN

Phải chăm lo sức khỏe cho đội ngũ y tế

Theo số liệu cập nhật đến nay có trên 17.000 nhân lực y tế chi viện cho các tỉnh phía Nam chống dịch. Và hiện TP.HCM được chi viện phần lớn số lượng, ước tính khoảng 10.000 người. Lực lượng này hỗ trợ rất lớn, "chia lửa" cho đội ngũ y tế tại TP.HCM trong công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua.

Bộ Y tế đánh giá ngoài làm việc môi trường áp lực cao, nhân viên y tế là những người có nguy cơ nhiễm bệnh. Chỉ tính sơ bộ riêng TP.HCM đã có trên 900 nhân viên y tế phơi nhiễm trong quá trình tham gia chăm sóc, điều trị người bệnh. Ở nhiều quốc gia số nhân viên y tế mắc chiếm khoảng 10% tổng số ca mắc COVID-19. Đã có 3 nhân viên y tế tử vong trong khi làm nhiệm vụ, trong đó TP.HCM 2 người và Bình Dương 1 người.

Liên quan đến việc đảm bảo các chế độ chính sách cho đội ngũ y tế, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi bệnh viện điều trị COVID-19 đề nghị đảm bảo các chế độ phụ cấp chống dịch cho nhân viên y tế, tình nguyện viên khi tham gia công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, đảm bảo các phương tiện phòng hộ đạt chuẩn, bữa ăn đủ dinh dưỡng, đa dạng và có nơi nghỉ ngơi sau khi làm việc.

Để "tiếp sức" cho nhân viên y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị TP.HCM ngoài việc tăng cường lực lượng hỗ trợ, cần đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho các nhân viên y tế, tránh để làm việc liên tục trong thời gian dài không có ngày nghỉ. Đặc biệt TP.HCM cần cung cấp thực phẩm, điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, có thêm lựa chọn phù hợp khẩu vị mỗi vùng miền đối với lực lượng chi viện. Với trường hợp nhân viên y tế không may mắc COVID-19 cần được đảm bảo chế độ ăn tối thiểu như thường ngày, không áp dụng chế độ của người bệnh.

Đề nghị tăng trợ cấp chống dịch cho nhân viên y tế

Ngày 9-9, thông tin từ Bộ Y tế cho biết bộ trưởng Bộ Y tế đã giao Vụ Pháp chế là đầu mối xây dựng chính sách trợ cấp mới cho nhân viên y tế.

Cụ thể, trong tờ trình gửi Chính phủ về chế độ trợ cấp trong phòng chống dịch, Bộ Y tế đề nghị nâng mức trợ cấp chống dịch cho nhân viên y tế lên gấp đôi so với hiện hành cho người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm và nghi nhiễm COVID-19, tức là 600.000 đồng/người/ngày. Các nhóm nhân viên y tế tham gia điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, phân tích mẫu... tại cơ sở y tế, xử lý môi trường y tế được đề nghị tăng trợ cấp từ 300.000 đồng/người/ngày hiện nay lên mức 400.000 đồng/người/ngày.

Người vận chuyển mẫu bệnh phẩm, vận chuyển người bệnh, vận chuyển người tử vong do COVID-19, giám sát và theo dõi dịch tễ tại xã phường được đề nghị nâng trợ cấp từ 200.000 đồng/người/ngày hiện nay lên gấp đôi. Đội vận chuyển cấp cứu 115 hiện đang nhận trợ cấp mức 150.000 đồng/người/ngày được đề nghị lên 300.000 - 400.000 đồng/người/ngày. Các nhóm đang được trợ cấp mức 130.000 đồng/người/ngày được đề nghị nâng lên mức 200.000 đồng/người/ngày. Nâng mức tiền ăn cho nhân viên y tế tham gia chống dịch từ 80.000 đồng/người/ngày hiện nay lên 150.000 đồng/người/ngày.

Với học sinh, sinh viên tham gia chống dịch, Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ 190.000 đồng/người/ngày cho tiền ăn và sinh hoạt phí. Đối với các bệnh viện tự chủ tài chính nhưng hiện phải cử nhân viên y tế tham gia chống dịch, không có nguồn thu tại chỗ, đề nghị ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, đồng thời đề nghị trợ cấp độc hại cho nhân viên y tế.

Công đoàn y tế Việt Nam cho biết đến nay đã có các gói hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm cho y bác sĩ, hỗ trợ "gói dinh dưỡng" trị giá 1 triệu đồng/đợt cho nhân viên y tế phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, trên 1.200 y bác sĩ bị nhiễm COVID-19 đã được hỗ trợ mức 10 triệu đồng/người.

phat thuoc f0 tai nha

Thiếu tá Nguyễn Thái Trị - bác sĩ CK1, trạm trưởng trạm y tế lưu động phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM - phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà sáng 9-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không đặt nặng việc kỷ luật bác sĩ bỏ việc

Tại buổi họp báo thông tin tình hình dịch COVID-19 ở TP.HCM chiều 9-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết như trên khi nói về công văn đề nghị xử lý hành chính và thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với các y bác sĩ tự ý bỏ việc.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm nội dung công văn có 3 phần và Bộ Y tế không đưa ra các hình thức kỷ luật, mà chỉ khuyến cáo trong một trận chiến, có những chiến sĩ hết sức dũng cảm, có chiến sĩ bình thường nhưng cũng có những người quay đầu. "Bộ Y tế nhắc nhở để mong muốn đồng nghiệp hãy cùng nhau chung sức cho trận chiến COVID-19, cùng với toàn thể người dân đạt được thắng lợi. Còn vấn đề kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính chúng tôi nghĩ đây không phải vấn đề đặt nặng của công văn này" - ông Sơn nói.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải - phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM - khẳng định đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế là những chiến sĩ hết sức kiên cường, phải được tri ân và tôn vinh. Tuy nhiên, ông Hải thừa nhận dù đã rất nỗ lực nhưng thực tế vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu khám chữa bệnh. Chế độ chính sách đã thông qua nhưng việc triển khai còn chậm, TP đang khẩn trương xử lý.

T.MAI - Đ.THUẦN

L.ANH

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu đảm bảo chế độ, bữa ăn cho nhân viên y tế, tình nguyện viên Sở Y tế TP.HCM yêu cầu đảm bảo chế độ, bữa ăn cho nhân viên y tế, tình nguyện viên

TTO - Ngoài yêu cầu các đơn vị đảm bảo chế độ phụ cấp, Sở Y tế TP.HCM sẽ kiểm tra, giám sát việc cung cấp bữa ăn cho nhân viên y tế, tình nguyện viên khi tham gia chống dịch COVID-19.

HƯƠNG THẢO - THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp