16/09/2022 09:35 GMT+7

Cần cơ chế thoáng cho công nghiệp hỗ trợ

NHƯ BÌNH - CÔNG TRUNG
NHƯ BÌNH - CÔNG TRUNG

TTO - Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đứng trước cơ hội chuyển dịch lớn của các nhà sản xuất quốc tế hậu dịch COVID-19.

Cần cơ chế thoáng cho công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 1.

Sản xuất ô tô tại Nhà máy THACO ở Chu Lai (Quảng Nam) - Ảnh: HỮU HẠNH

Có đơn đặt hàng, có thị trường nhưng để có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội thì vẫn cần nhiều cơ chế hỗ trợ hơn nữa.

Tại hội thảo "Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng - cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam" chiều 15-9 ở Bình Dương, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kỳ vọng Luật phát triển công nghiệp nhanh chóng ra đời để góp phần giải quyết những nút thắt phát triển ngành hiện nay. 

Hội thảo do báo Tuổi Trẻ, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức.

Thế giới đang dịch chuyển về Việt Nam

Ông Phil Kyun Choi, chuyên gia tư vấn người Hàn Quốc, cho biết đang có một sự dịch chuyển của các nhà sản xuất lớn đến Việt Nam để mở nhà máy, xây dựng các cơ sở sản xuất. 

Điều này cho thấy đang có cơ hội xây dựng chuỗi cung ứng ở đây, bởi bên cạnh các yếu tố như tận dụng nguồn lao động dồi dào, sự hỗ trợ chính sách từ Chính phủ thì nhà đầu tư quốc tế cũng nhìn thấy tiềm năng xây dựng, phát triển mạng lưới công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, một trong những yếu tố tiên quyết để có một chuỗi sản xuất bền vững.

Cơ hội của Việt Nam để đón làn sóng dịch chuyển nhà máy, chuỗi cung ứng từ các nước rất lớn nhưng cũng đi kèm những thách thức. "Các cụm công nghiệp chính là giải pháp lý tưởng để cải thiện ba vấn đề đang thiếu như lực lượng lao động, ngành công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng logistics", chuyên gia người Hàn Quốc chia sẻ.

Trong đó, cần phát triển cụm công nghiệp (industry cluster) tập trung theo địa lý của các công ty, nhà cung cấp và tổ chức được kết nối với nhau trong một lĩnh vực cụ thể, điều này giúp tăng cạnh tranh bằng việc tăng năng suất của các công ty trong cụm, thúc đẩy đổi mới và kích thích các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực cụ thể.

Đây cũng là bài học mà Hàn Quốc xây dựng thành công nền công nghiệp hỗ trợ của mình.

Ông Preben Elnef, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn LEGO Việt Nam, cho biết đi cùng kế hoạch triển khai dự án xây nhà máy 1 tỉ USD tại Bình Dương, tập đoàn cũng có quy trình 10 ngày để tiếp cận, đánh giá các nhà cung cấp tham gia vào chuỗi cung ứng. 

"Trong chiến lược phát triển của mình, tập đoàn luôn ưu tiên các nhà cung ứng địa phương. Không phải quy mô, mà các nhà cung ứng cần tuân thủ các tiêu chuẩn, cùng nhau phát triển bền vững, hướng tới các giá trị bảo vệ môi trường", ông Preben Elnef nói.

Nhìn nhận cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ làm mới mình là rất lớn nhưng theo ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, để cộng đồng doanh nghiệp Việt vượt lên, tham gia chuỗi cung ứng, tự chủ ngành công nghiệp, vẫn rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ, thêm cơ chế thoáng từ cơ quan chức năng và sự liên kết của cộng đồng doanh nghiệp để "đổi mới mình, tự nâng cấp"...

"Để có giá cạnh tranh, sản phẩm chất lượng, không còn cách nào khác doanh nghiệp tự nâng cấp, đổi mới mình, nâng cao năng lực trong chuỗi giá trị. Có doanh nghiệp doanh thu 100 tỉ đồng, giá trị gia tăng 10 tỉ đồng nhưng cũng có doanh nghiệp doanh thu 50 tỉ đồng nhưng giá trị gia tăng 20 tỉ đồng" - ông Tống nêu.

Cần cơ chế thoáng cho công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 2.

Ban tổ chức tặng hoa cho các khách mời tham gia hội thảo - Ảnh: HỮU HẠNH

Cơ hội lớn nhưng thách thức cũng nhiều

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết doanh nghiệp phải ở thế chủ động đón làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng. TP.HCM là điểm đến của nhiều doanh nghiệp, trong đó có dự án tỉ đô tham gia đầu tư, ở các tỉnh khác như Bình Dương cũng thu hút nhiều dự án đầu tư lớn. Cơ hội là có nhưng đi kèm là những thách thức cần phải cải thiện.

"Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đã rõ, vậy doanh nghiệp đã sẵn sàng chưa khi chúng ta ở thấp hơn các nước, tính cả các nước trong khu vực?" - ông Vũ đặt câu hỏi. Ông dẫn ví dụ sự tham gia của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp so với khu vực Đông Nam Á. 

Theo VCCI, mới chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, bao gồm cả việc xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp, trong khi tỉ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là 60%. 

Bên cạnh đó doanh nghiệp Việt đang bị phân tán và ít khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng lực sản xuất...

Với TP.HCM, ông Vũ cho hay triển khai chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để giúp doanh nghiệp, khai thác cải tiến công nghệ, xây dựng nhiều mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp... Ngoài ra, đầu tư cơ sở hạ tầng là để lưu thông thuận lợi, nâng cao cạnh tranh logistics.

Ông Lai Xuân Đạt - phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương - cũng nhìn nhận khi chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam thì các nhà đầu tư nước ngoài thường kéo theo cả hệ sinh thái của họ. Vì vậy việc vừa thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng cũng vừa khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước là trăn trở của các nhà hoạch định chính sách.

"Tỉnh xác định luôn hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có hơn 4.000 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và gần 60.000 doanh nghiệp trong nước. 

Trong thu hút đầu tư, thời gian tới Bình Dương cũng có sự điều chỉnh, sau gần 30 năm phát triển công nghiệp. Theo đó sẽ tiếp tục điều chỉnh và đầu tư cho quy hoạch, có đề án thành phố thông minh để tìm ra các giải pháp tăng năng suất lao động, thu hút đầu tư công nghệ cao", ông Đạt chia sẻ về cách thức để đón sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Cần cơ chế thoáng cho công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 3.

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đứng trước cơ hội chuyển dịch lớn của các nhà sản xuất quốc tế hậu dịch COVID-19 - Ảnh: H.HẠNH

Cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Ông Phạm Tuấn Anh, phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), chỉ ra những điểm yếu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong đó mối liên kết giữa các doanh nghiệp còn yếu, khả năng tiếp cận vốn thấp do quy mô sản xuất nhỏ. 

Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nên không có tài sản thế chấp. Ngay cả phương án kinh doanh cũng tùy thuộc vào đơn vị đặt hàng, nguồn nhân lực thì yếu. Chính vì vậy khi đi vay vốn rất khó được các ngân hàng phê duyệt.

Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ ngành này phát triển, Chính phủ có giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính triển khai chương trình ưu đãi chênh lệch cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là 5%.

"Trong quản lý, điều hành chúng tôi biết rằng các doanh nghiệp FDI nếu đi vay để đầu tư sản xuất chỉ phải chịu lãi suất 1-3%, trong khi doanh nghiệp Việt Nam đi vay lãi suất phải trả lên đến 8-10%. Nếu không cấp bù lãi suất chúng ta thua ngay từ đầu. Trong nghị định 111, quy định các chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng có chính sách ưu đãi về thuế".

Đến nay có 140 doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp hỗ trợ để được hưởng chính sách. "Hầu hết các tiêu chí này không khó khăn nhưng vẫn chưa nhiều doanh nghiệp tiếp cận được", ông Anh thừa nhận. 

Theo các chuyên gia, con số trên cũng cho thấy các chính sách hỗ trợ của Nhà nước với ngành công nghiệp hỗ trợ không thiếu, tuy nhiên số doanh nghiệp tiếp cận và hưởng thụ chưa nhiều là do có khung pháp lý đi kèm.

Do đó Luật phát triển công nghiệp sớm được thông qua không chỉ giải quyết các nút thắt hiện nay mà còn chắp cánh cho mục tiêu Việt Nam trở thành nền công nghiệp hiện đại.

Cần nhiều yếu tố thúc đẩy

TH CHU

Ông Lê Thế Chữ

Ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, khẳng định cơ hội để doanh nghiệp Việt gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu đang rất lớn thông qua những câu chuyện thực tế.

Tuy vậy, mặt bằng chung, các doanh nghiệp công nghiệp của chúng ta đa số với quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu về chất lượng, tính ổn định sản phẩm cũng như giá thành cạnh tranh…

Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng.

Để công nghiệp hỗ trợ trở thành động lực phát triển kinh tế cần rất nhiều yếu tố tạo thúc đẩy, từ chính sách đúng đắn đến những bước đi trong đầu tư, sản xuất vững chắc, nắm bắt nhanh những cơ hội của doanh nghiệp, sự ủng hộ của đông đảo chuyên gia, người lao động.

Bổ trợ nhau để sản xuất hiệu quả, tiết kiệm

VAN MINH

Ông Võ Văn Minh

Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết hiện nhiều doanh nghiệp hướng về Bình Dương để xây dựng nhà máy, ngoài các chính sách thu hút đầu tư, hệ thống hạ tầng thuận lợi, các cảng biển kết nối... là "điểm sáng" để nâng cao năng lực logistics.

Đồng hành với các doanh nghiệp, tỉnh xác định hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng phát triển sẽ bổ trợ cho hoạt động sản xuất hiệu quả, tiết kiệm chi phí…

Chia sẻ đơn hàng để cùng mạnh lên

MINH TAN

Ông Đỗ Minh Tâm

Ông Đỗ Minh Tâm, tổng giám đốc Tập đoàn Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries, thuộc Tập đoàn THACO), cho biết tập đoàn đang có những chiến lược đầu tư mạnh vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua nhiều mô hình đầu tư liên kết khác nhau. Đây là bước đi tất yếu khi tập đoàn đã tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện thị trường xuất khẩu của THACO Industries đang mở rộng rất lớn với các thị trường trọng điểm như Mỹ, Úc, Canada và sắp tới mở rộng thêm các đối tác châu Âu… Gần như ngày nào doanh nghiệp cũng có những buổi tiếp xúc của các đối tác mới.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức như cạnh tranh giá thành sản xuất hay năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế trong khi đây là mối quan tâm hàng đầu với các nhà sản xuất quốc tế.

"Chúng tôi đã thực hiện nhiều đơn hàng quốc tế, nhưng việc đầu tiên của các đối tác khi xuống sân bay là đến ngay nhà máy để xem năng lực sản xuất có đảm bảo hay không hay có thay đổi gì không. Khi vào đơn hàng rồi thì doanh nghiệp cũng phải có năng lực để nâng cao năng suất, đảm bảo tiến độ hay có khả năng xây dựng chuỗi cung ứng lên một mức cao hơn hay không", ông Tâm nói.

Hiện nay THACO đã chủ động trong sản xuất và tiến tới liên kết, tổ chức sản xuất cho doanh nghiệp bên ngoài, những đối tác có thể giúp hãng tăng khả năng hấp thu các đơn hàng theo đúng tiêu chuẩn chất lượng, tiến độ, thời gian… Do đó, tập đoàn đang muốn mở rộng hợp tác, chia sẻ đơn hàng với các doanh nghiệp để xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng.

"Với kinh nghiệm kỹ thuật và quản trị, các doanh nghiệp tham gia sẽ có cơ hội bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp muốn cung ứng cho những chuỗi lớn đều phải đảm bảo năng lực xây dựng chuỗi cung ứng của riêng mình", ông Tâm thông tin.

Nhiều cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ Nhiều cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ

TTO - Nhiều cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ đang mở ra với các doanh nghiệp trong nước, nhất là vùng Đông Nam Bộ, khi nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn bắt đầu chuyển dịch chuỗi cung ứng, mà Việt Nam là một trong những điểm đến được lựa chọn.

NHƯ BÌNH - CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp