Họp báo về vụ việc điểm cao bất thường tại ngày 17-7 - Ảnh: ANH ĐỨC
Điểm số của nhiều thí sinh không chỉ bất thường so với mặt bằng điểm chung của cả nước mà bất thường với chính thí sinh.
Tỉnh thừa nhận bất thường
Đến 22h30 tối 16-7, đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT và Ban chỉ đạo tỉnh Hà Giang vẫn làm việc tại khu vực bảo quản bài thi trong trụ sở Sở GD-ĐT Hà Giang.
Đây là khu vực hiện được cán bộ an ninh gác 24/24. Khá nhiều phóng viên tập trung đông ở sân Sở GD-ĐT nhưng từ tầng 2 của tòa nhà, nơi có phòng làm việc của đoàn kiểm tra, ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết công việc kiểm tra vẫn đang tiến hành chưa có kết luận cuối cùng.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy công việc kiểm tra được tiến hành thông trưa. Đoàn kiểm tra không ra ngoài mà gọi đồ ăn mang đến để ăn tối tại chỗ. Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, công việc kiểm tra tập trung vào quy trình bảo quản bài thi và chấm thi. "Rà soát từng bài thi rất mất thời gian", một cán bộ có mặt trong khu vực này cho biết.
Việc kiểm tra cũng rà soát toàn bộ quy trình niêm phong, mở niêm phong túi bài thi và các quy định cần thiết trong khu vực chấm trắc nghiệm, quy trình chấm trắc nghiệm nhằm bảo mật thông tin bài thi.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Đức Quý, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cũng thừa nhận ngay sau khi dư luận xôn xao về Hà Giang quá cao, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra thông tin và thấy có những điểm bất thường.
Ban chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang đã chủ động rà soát từ khâu coi thi, nhận đề, chuyển bài thi, bảo quản túi bài thi, chấm thi. Nhưng do vấn đề phức tạp nên ban chỉ đạo thi chủ động báo cáo và đề nghị Bộ GD-ĐT lên hỗ trợ cùng phối hợp xử lý.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, khâu đang được tập trung kiểm tra là quy trình giám sát việc mở niêm phong các túi bài thi, quét dữ liệu, chấm thi trắc nghiệm. Để hỗ trợ kiểm tra, ngoài đoàn của Bộ GD-ĐT, có cả các chuyên gia về tin học và chuyên gia lĩnh vực liên quan để kiểm tra.
Ngày 16-7, cuộc làm việc giữa Bộ GD-ĐT, các chuyên gia và Ban chỉ đạo thi của tỉnh Hà Giang vẫn tiếp tục diễn ra ngay tại Sở GD-ĐT Hà Giang, nơi từng diễn ra việc chấm thi các bài trắc nghiệm.
Trước đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu Ban chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang phải kiểm tra vấn đề bất thường điểm thi và báo cáo kết quả về Bộ GD-ĐT chậm nhất vào ngày 17-7.
Có can thiệp từ bài thi gốc?
Theo các chuyên gia có kinh nghiệm trong việc xử lý phát hiện gian lận thi nói chung và thi trắc nghiệm nói riêng, để phát hiện việc có hay không có tác động từ bên ngoài vào kết quả thi thì việc chấm thẩm tra là việc cần thiết phải thực hiện.
Trường hợp kết quả được điều chỉnh trên hình ảnh quét bài thi thì có thể đối chiếu với phiếu trả lời trắc nghiệm gốc có chữ ký của hai giám thị, thông tin thí sinh điền trên phiếu.
Tuy nhiên có những phỏng đoán cho rằng sự can thiệp ngay từ bài thi gốc (phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh) thì sự việc sẽ phức tạp hơn trong việc giám định, tìm kiếm dấu vết gian lận (nếu có).
Đây có lẽ cũng là lý do mà như lời ông Trần Đức Quý, ban chỉ đạo thi cần phải mời thêm các chuyên gia về tin học, chuyên gia trong các lĩnh vực khác để kiểm tra, phát hiện dấu hiệu sai phạm.
Kỳ thi năm 2018, một trong những điểm mới mà Bộ GD-ĐT đặt ra là việc dán tem niêm phong túi bài thi có chữ ký của lãnh đạo hội đồng coi thi. Việc mở niêm phong phải có sự chứng kiến của thanh tra cắm chốt, cán bộ an ninh và những người chứng kiến ký vào biên bản mở niêm phong theo mẫu có sẵn trong mỗi túi bài thi.
Bài thi sau khi được quét để chấm bằng máy lại được niêm phong, cũng với sự chứng kiến của các thành phần như quy định.
Nếu trường hợp có sai phạm can thiệp vào bài thi gốc tại Hà Giang như một số phỏng đoán thì những việc cần kiểm tra sẽ là chữ ký, tem niêm phong ở cả hai giai đoạn coi thi và chấm thi.
"Xử lý rốt ráo, mang lại công bằng cho thí sinh"
Theo GS Phạm Minh Hạc (nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT), trong khi mặt bằng chung chất lượng của giáo dục Hà Giang còn thấp mà lại có số lượng thí sinh đạt điểm xuất sắc bất thường như thế là không chấp nhận được.
"Với một kỳ thi lớn như thế, quy trình chặt chẽ như thế, nếu xảy ra gian lận thì chắc chắn có cái sai do cán bộ, nhà quản lý. Với sai phạm này, cần phải chấm lại các bài thi tiêu cực để khắc phục phần nào hậu quả", GS Hạc nói.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), với những gì đang diễn ra ở Hà Giang, nếu kết luận sau này chỉ rõ những gian lận, tiêu cực trong thi cử thì ngành giáo dục nên làm triệt để.
"Hãy rà soát chính kết quả thi của Hà Giang các năm trước nữa. Còn năm nay ở đâu đó đã có những dấu hiệu bất thường thì bộ cũng cần yêu cầu rà soát ngay để trả lại một kỳ thi sạch. Liệu khâu chấm thi và bảo quản bài thi đã có sự điều chỉnh, bổ sung, thay đổi việc trả lời đáp án so với bản gốc ban đầu của thí sinh?", ông đặt vấn đề.
Trong khi đó TS Lê Trường Tùng (chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT) cho rằng nếu đề thi năm nay không quá khó như mọi năm, điểm cao nhiều thì rất có thể bất thường ở Hà Giang lại không ai phát hiện. Nhưng vì điểm thi mặt bằng năm nay thấp nên sự nhảy vọt của Hà Giang trở thành hiện tượng "rất trớ trêu".
Tuy nhiên, cũng có bài làm bị can thiệp, tẩy xóa một số lựa chọn của thí sinh và tô lại bằng các lựa chọn theo đáp án đúng. Với tình huống này, ngoài việc xử lý người sai phạm, sẽ phải rất kỳ công để sử dụng các biện pháp nghiệp vụ (các giải pháp hóa lý) để nhận dạng những chỗ đã can thiệp, phục hồi bài thi ban đầu rồi chấm lại.
Trường hợp này nếu xảy ra, chắc chắn sẽ có sự "bắt tay" thống nhất của một số người có trách nhiệm.
Ông Đỗ Hữu Hưng (phụ huynh ở Q.7, TP.HCM), có con dự thi THPT quốc gia 2018 cho biết gia đình ông rất quan tâm đến vụ việc bất thường ở Hà Giang. "Các cơ quan chức năng nên vào cuộc để làm sáng tỏ mọi việc, xử lý những người liên quan theo đúng pháp luật để làm gương cho những địa phương khác.
Hà Giang là địa phương còn rất nhiều khó khăn, tôi không thể tin rằng học sinh ở Hà Giang lại giỏi hơn học sinh ở TP.HCM được. Kỳ thi THPT quốc gia không chỉ dùng để xét tốt nghiệp THPT mà còn dùng để xét tuyển vào ĐH. Trong cuộc đua ấy, chỉ hơn nhau 0,25 điểm thì kết quả đã khác xa nhau rồi.
Do đó, phụ huynh chúng tôi rất mong vụ việc ở Hà Giang phải được xử lý một cách rốt ráo, mang lại sự công bằng cho thí sinh. Đừng để cho các học sinh lớp 12 năm nay - những công dân trẻ của đất nước - mới bắt đầu bước vào đời đã phải chịu sự bất công ngay trong chính cuộc thi của mình", ông nói.
Còn địa phương nào "bất thường" chưa bị phát hiện?
Tôi cho rằng vụ việc ở Hà Giang là do dư luận phát hiện và vì kết quả thi quá bất thường. Từ đây, chúng tôi đã đặt ra nghi vấn còn bao nhiêu địa phương nữa có thể có "điều bất thường" nhưng chưa bị phát hiện?
Những quy định, quy chế về thi cử dù cho có chặt chẽ đến đâu thì con người vẫn có thể tìm ra kẽ hở - nếu họ đã có ý muốn tiêu cực. Sau vụ Hà Giang, nhiều người trong ngành giáo dục đã đặt nghi vấn về tiêu cực trong quá trình chấm thi trắc nghiệm, có hay không tình trạng hội đồng chấm thi đã rút bài thi cũ của một số thí sinh nhất định ra và đưa vào những bài thi mới?
Tóm lại, chúng ta nên kêu gọi những thầy giáo cô giáo, thí sinh hãy thể hiện lòng tự trọng và sự trung thực trong quá trình đi thi hay làm công tác coi thi, chấm thi...
Thầy Đoàn Hồng Hà (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận