Liều mình đi qua những đoạn đường sạt lở là cảnh thường thấy của người dân miền núi trong thời gian này - Ảnh: Trần Mai |
Đường Đông Trường Sơn nối từ tỉnh Quảng Ngãi đi Kon Tum bị sạt lở rất nhiều điểm. Trong đó có 15 điểm sạt nặng, khối lượng đất đá lớn hàng nghìn khối sạt từ taluy dương chắn lối đi.
Hiện các đơn vị do Chi cục quản lý đường bộ III.2 (tổng cục Đường bộ) tổ chức thi công thông tuyến phải dùng xe cơ giới liên tục san ủi trong nhiều ngày qua. Tuy nhiên công trình vẫn còn đang rất ngổn ngang.
Ông Tiết Đinh Quang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.2 cho biết đơn vị vẫn đang nỗ lực tổ chức lực lượng và phương tiện làm việc không quản ngày đêm để thông tuyến, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, khối lượng đất đá bị sụt lún ở taluy âm và taluy dương quá lớn làm không kịp.
“Trong vài ngày tới chúng tôi sẽ thông toàn tuyến. Đó chỉ là bước đầu tiên, việc gia cố đảm bảo an toàn cho tuyến đường sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Phải cần nguồn vốn từ vài chục đến cả trăm tỉ mới có thể khắc phục những điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở”, ông Quang cho biết.
Các đơn vị thi công đang cố gắng thông tuyến bước 1 để người dân đi lại. Tiếp đó là sẽ khắc phục toàn tuyến - Ảnh: Trần Mai |
Tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ do Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi quản lý, tình trạng sạt lở cũng diễn ra hết sức nghiêm trọng. Quốc lộ 24 có 8 điểm sạt lở nặng gây ách tắc giao thông. Tương tự là tình trạng của quốc lộ 24B và 24C.
Các tỉnh lộ 624, 626, 623, 628 cũng bị sạt lở cả trăm điểm lớn nhỏ. Đoạn tỉnh lộ 623 thuộc xã Sơn Tân (huyện Sơn Hà) mưa lũ làm vỡ ống nước, sạt lở bờ taluy âm, ăn sâu vào nền đường tạo thành một hố sâu 12m, rộng 14m và có nguy cơ sạt nặng nếu gặp mưa.
Ông Nguyễn Xuân Thảo, phó trưởng phòng kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Quảng Ngãi cho biết mưa lũ gây thiệt hại cho ngành giao thông tỉnh Quảng Ngãi khoảng 500 tỉ đồng.
Hiện trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ vẫn xuất hiện nhiều điểm sạt lở, hố sụt trượt, lở núi với khối lượng đất đá lên đến hàng chục nghìn khối.“Bước đầu tạm thời thông tuyến tạo lối đi cho người dân. Tuy nhiên khối lượng đất đá sạt lở quá lớn nên sắp tới sở tiến hành khảo sát, lập thiết kế chi tiết trình Bộ GTVT và tỉnh Quảng Ngãi để cấp nguồn kinh phí sửa chữa lại từng khu vực cụ thể”, ông Thảo nói.
Xe cơ giới không tiếp cận được các điểm sạt sâu, đơn vị quản lý phải sử dụng sức người xử lý điểm sạt lở - Ảnh: Trần Mai |
Bờ kè khu tái định cư A Nhua 2, thuộc dự án thủy điện Đăk Đrinh (xã Sơn Long) cũng sạt lở nghiêm trọng. Hiện tại có hai hộ bị ảnh hưởng trực tiếp đã phải di dời khẩn cấp vào ở ghép với các hộ dân trong thôn.
Khoảng 7 hộ dân nằm trong diện nguy cơ nhà cửa sẽ bị chôn vùi nếu bờ kè này sạt lở. Chính quyền xã Sơn Long cho biết dù đã hết mưa nhưng đất ngấm nước, có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Chính vì thế xã tính toán tháo dỡ nhà cửa di dời khẩn cấp nếu nền đất yếu gặp phải trời mưa. Đến thời điểm hiện tại, 5 hộ dân phải di dời khẩn cấp khỏi những điểm có nguy cơ sạt lở.
Trong khi đó tại khu tái định cư Nước Vương (xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây) sau đợt mưa lớn vừa qua, tình trạng sạt lở cũng diễn ra hết sức nghiêm trọng. Đất đá đổ sập xuống vực chỉ còn cách nhà dân vài bước chân.
Ông Trần Đông Phong, chủ tịch UBND xã Sơn Liên cho biết “Trước kia nhà dân cách vực sâu hơn 10m thì nay chỉ còn cách vài bước chân. Xã đang kiến nghị lên trên hỗ trợ nguồn kinh phí để di dời những hộ dân này”.
Khu dân cư A Nhua 2 đang bị uy hiếp bởi bờ kè bị sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: Trần Mai |
Em bé co ro bên căn nhà bị vùi lấp bởi núi lở - Ảnh: Trần Mai |
Một quả đồi đổ sập vùi lấp một căn nhà của người dân - Ảnh: Trần Mai |
Taluy âm tỉnh lộ 623 bị sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: Trần Mai |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận