Cử tri quận 11 gửi gắm ý kiến đề đạt đến các ứng cử viên đại biểu Quốc hội - Ảnh: TUYẾT MAI
Chiều 13-5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị bầu cử số 3 TP.HCM đã tham gia hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại quận 11, TP.HCM.
Đơn vị bầu cử số 3 gồm ông Lê Minh Trí - viện trưởng Viện KSND tối cao; ông Trịnh Chí Cường - tổng giám đốc Công ty cổ phần nhựa Đại Đồng Tiến; ông Lê Thanh Phong - chánh án TAND TP.HCM; ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy và ông Trần Kim Tuyền - hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề TP.HCM.
Là cử tri đang công tác trong ngành tòa án, cử tri Nguyễn Thị Yến Duyên cho biết bà đặc biệt quan tâm đến công cuộc cải cách tư pháp và chương trình hành động của chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong.
Theo cử tri này, tòa án là cơ quan thay mặt Nhà nước, nhân danh Nhà nước Việt Nam để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con nguời. Tuy nhiên cán bộ tòa án hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, áp lực về công việc, khó khăn về biên chế.
"Tôi xin gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến ứng cử viên Lê Thanh Phong. Nếu trở thành đại biểu Quốc hội, mong ông quan tâm, đề xuất nâng cao chế độ đãi ngộ, biên chế cho ngành tòa án chúng tôi, giảm áp lực cho hệ thống tòa án. Từ đó góp phần xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn" - bà Duyên trình bày.
Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong phát biểu tiếp thu ý kiến cử tri - Ảnh: TUYẾT MAI
Phát biểu tiếp nhận đóng góp ý kiến cử tri, ông Lê Thanh Phong cho biết với cương vị là lãnh đạo ngành, ông đã nắm bắt được những khó khăn và áp lực của cán bộ tòa án, lãnh đạo TAND TP.HCM đã đặt ra kiến nghị và TAND tối cao cũng đã nắm bắt được vấn đề này.
"Sắp tới đây, nếu được tín nhiệm trở thành đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ tiếp tục đeo bám, kiên trì, trình Quốc hội giải quyết những vấn đề mà cử tri đã đặt ra. Những vấn đề về biên chế, cải cách tư pháp chắc chắn sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới" - ông Phong nói.
Giải thích với cử tri về mục tiêu xây dựng tòa án điện tử trong chương trình hành động của mình, ông Lê Thanh Phong cho biết đây là công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động tố tụng nhằm phục vụ tốt hơn cho thời gian tới, giúp người dân tiết kiệm được thời gian, công sức.
"Tòa án điện tử có thể giúp người dân tham gia tố tụng ở bất kỳ nơi đâu mà không cần trực tiếp đến tòa án" - ông Phong giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận