Phó vụ trưởng Vụ Công chức - viên chức Nguyễn Tư Long - Ảnh: VŨ TUẤN
Trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo chiều 6-5, ông Nguyễn Tư Long, phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức - Bộ Nội vụ, lý giải nếu để hình thức kỷ luật "giáng chức" sẽ xung đột với một số yêu cầu về vị trí việc làm.
Ông Long nêu ví dụ, ở một cơ quan đã có lãnh đạo cấp phó và 1 cấp trưởng, nếu giáng chức cấp trưởng xuống cấp phó thì không còn vị trí để bổ nhiệm nữa.
Ông Long cũng cho hay, ranh giới giữa việc kỷ luật giáng chức và cách chức trên thực tế ở nước ta "có sự duy tình". Có trường hợp cần cách chức nhưng cơ quan thực hiện lại muốn giảm nhẹ hinh hình thức kỷ luật nên chỉ giáng chức.
Bên cạnh đó, việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức sẽ tương thích với 4 hình thức kỷ luật của hệ thống các cơ quan Đảng là cảnh cáo, khiển trách, cách chức, khai trừ khỏi Đảng.
Hiện nay đang có 6 mức kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức; cách chức và buộc thôi việc.
Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức đã sửa đổi lại điều 79, bỏ hình thức kỷ luật giáng chức. Riêng hình thức cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Công chức không giữ chức vụ quản lý có hình thức kỷ luật hạ bậc lương.
"Bỏ một hình thức kỷ luật giáng chức không có nghĩa sẽ giảm bớt tính nghiêm minh của thực thi pháp luật. Hiện nay, hình thức kỷ luật giáng chức chỉ là một trong 5 hình thức kỷ luật áp dụng xử lý đối tượng công chức lãnh đạo quản lý vi phạm", Ông Long nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận