Theo đó, việc cấm các hoạt động thu đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định được coi là nhiệm vụ đột phá năm 2014 nhưng báo cáo của Bộ VH-TT&DL cũng thừa nhận rằng: “Dịch vụ đổi tiền lẻ, việc sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn diễn ra ở một số lễ hội. Tiền lễ, hoa dâng lễ, gạo muối ở một số nơi chưa được thu gom kịp thời làm ảnh hưởng tính tôn nghiêm nơi thờ tự”.
Tuy ghi nhận tình trạng này nhưng theo công bố của Thanh tra Bộ VH-TT&DL thì 30 đợt kiểm tra trước, trong và sau lễ hội, lực lượng thanh tra chưa xử phạt bất cứ trường hợp nào. “Những điểm như chùa Hương (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), hay Vĩnh Phúc… đều có hiện tượng đổi, rải tiền lẻ. Chúng tôi cũng đã đề nghị ban quản lý di tích trực tiếp tuyên truyền, chấm dứt các hoạt động này. Tuy nhiên, thực tế rất khó xử phạt. Như đền Trình ở chùa Hương thì cứ thấy thanh tra đến là chạy mất”, đại diện Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết. Ông Phan Đình Tân (người phát ngôn Bộ VH-TT&DL) cũng thừa nhận: “Tiền lẻ là vấn đề nan giải vì không có chế tài rõ ràng, cụ thể. Tôi biết không chỉ người dân mà cán bộ nhà nước cứ sắp tết là đi đổi tiền lẻ, tôi hỏi đổi làm gì thì họ trả lời là để đi chùa”.
Khẳng định việc thu đổi tiền lẻ là hành vi “buôn tiền” song ông Vương Duy Bảo (phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở) thừa nhận vì không có chế tài nên khó có thể xử lý được, chỉ có thể thông qua tuyên truyền, thuyết phục người dân chấp hành. Liên quan đến việc quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu, ông Vương Duy Bảo cho biết: Hiện nay Bộ VH-TT&DL đang trong quá trình lấy ý kiến các bộ ban ngành và phía Giáo hội Phật giáo. Tuy nhiên, ông Bảo cũng cho biết đây là vấn đề nhạy cảm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận