Phá rừng thông gây bức xúc đối với người dân Lâm Đồng - Ảnh: Mai Vinh |
Bà Hoàng Thị Khiêm, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng, phát biểu: “Các vi phạm trong bảo vệ rừng ngày càng nhiều và tinh vi hơn nhưng các cơ quan chức năng chưa có giải pháp ngăn chặn kịp thời và hiệu quả. Các trường hợp vi phạm chủ yếu bị xử lý hành chính, số lượng vụ việc truy tố trước pháp luật còn hạn chế nên các đối tượng liên quan có biểu hiện coi thường pháp luật”.
Trong sáu tháng đầu năm 2015, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đã ghi nhận hơn 500 vụ phá rừng khiến hơn 114ha rừng bị mất.
Theo chi cục này, nạn phá rừng thông xảy ra nóng nhất tại nhiều huyện như Bảo Lâm, Lạc Dương, Di Linh và vùng ngoại ô Đà Lạt. Đến nay chỉ có 22 vụ xử lý hình sự. Ông Nguyễn Văn Yên, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận số vụ vi phạm các quy định bảo vệ rừng tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Các đại biểu HĐND dẫn ý kiến cử tri ở các huyện Lạc Dương, Lâm Hà rằng các cán bộ liên quan đến quản lý rừng đã lơi lỏng để người dân đốn hạ, đầu độc cây rừng bằng nhiều cách.
Nơi cây rừng bị đốn hạ sau một thời gian biến thành đất trồng cà phê trái phép. Không chỉ lơi lỏng, xử lý không nghiêm, cán bộ lâm nghiệp có dấu hiệu tiếp tay với lâm tặc bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có cố tình lơi lỏng trong tuần tra vào những thời điểm nhạy cảm.
Ông Lê Văn Minh, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, khi trả lời chất vấn đại biểu đã thừa nhận có sự tiếp tay, thông đồng giữa cán bộ ngành lâm nghiệp và lâm tặc.
Mới đây, cơ quan điều tra huyện Di Linh, Đạ Tẻh và TP Bảo Lộc đã khởi tố và tạm giam 5 cán bộ lâm nghiệp và 2 lâm tặc. Ông Minh đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo cơ quan điều tra rà soát lại các vụ vi phạm quy định bảo vệ rừng để từ đó truy tố các cá nhân, tập thể liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận