17/06/2015 09:27 GMT+7

Cán bộ Đoàn không xuống cơ sở sao thu hút quần chúng?

LĨNH HỒNG
LĨNH HỒNG

TT - Cán bộ Đoàn chưa thường xuyên xuống chi đoàn, cùng tham gia sinh hoạt để hướng dẫn, kiểm tra, động viên "vậy lấy đâu ra sự thu hút quần chúng?”.

Một cán bộ Đoàn cùng chơi trò dân gian đập niêu với thiếu nhi tại xã Cư Pui (Krông Bông, Đắk Lắk) - Ảnh: Đức Hậu
Một cán bộ Đoàn cùng chơi trò dân gian đập niêu với thiếu nhi tại xã Cư Pui (Krông Bông, Đắk Lắk) - Ảnh: Đức Hậu

Tại hội thảo khoa học về giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn chuyên trách cấp xã do Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và công nghệ Đắk Lắk vừa tổ chức, anh Y Nhuân Byă - bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk - cho biết hơn một nửa số ý kiến qua đợt khảo sát mới đây cho rằng cán bộ Đoàn chưa thường xuyên xuống chi đoàn, cùng tham gia sinh hoạt để hướng dẫn, kiểm tra, động viên. 

"Vậy thì lấy đâu ra sự thu hút quần chúng?”- anh Y Nhuân đặt câu hỏi.

Sôi nổi và thẳng thắn, tại hội thảo nhiều vấn đề được các cán bộ Đoàn nhìn nhận, trao đổi.

Ông Hoàng Trọng Hùng, phó giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk, nêu: “Vấn đề cấp bách phải kể đến là công tác đào tạo nguồn, quy hoạch cán bộ. Một số cán bộ Đoàn chuyên trách cấp xã do chuyển từ cơ chế cũ, được hình thành từ nhiều nguồn nên cơ cấu chưa đồng bộ, trình độ, phẩm chất, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn".

Tranh luận lại, nhiều ý kiến cho rằng khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của Đoàn xã là thiếu kinh phí: một năm Đoàn xã được cấp 7 triệu đồng nên khó tổ chức hoạt động. Thêm vào đó, không thiếu những cán bộ Đoàn xã tham gia một thời gian, cuộc sống khó khăn nên phải nghỉ đi làm công việc khác.

Theo anh Bùi Trọng Hoàng - bí thư Đoàn thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’Leo, để thật sự sâu sát với quần chúng đòi hỏi cán bộ Đoàn xã phải thường xuyên đến sinh hoạt cùng các thôn, buôn. Nhưng để làm được điều này, người cán bộ Đoàn cấp xã cần có một chế độ đãi ngộ hợp lý để họ chuyên tâm vào công việc nhiều hơn.

“Nhiệt tình, sẵn sàng đi, lăn lộn nhiều nhưng không có kinh phí trang trải cuộc sống thì có hăng hái đến đâu cũng khó lòng duy trì được” - anh Hoàng giãi bày.

Cũng vậy, anh Đoàn Xuân Vân - bí thư Đoàn xã Ea Lê, huyện Ea Súp - nói: “Với kinh phí thấp nhưng phải sâu sát được quần chúng, hoạt động phải sôi nổi, chất lượng, đáp ứng được mọi chỉ tiêu của các cấp ủy Đảng đề ra, chẳng khác nào bắt chúng tôi phải chế biến một món ăn vừa ngon lại phải bổ, rẻ”.

Nhiều cán bộ Đoàn đồng tình với ý kiến này và cho biết thêm: vẫn còn cán bộ Đoàn có tư tưởng hoạt động Đoàn chỉ để làm bước đệm, được đào tạo và điều động một vị trí khác trong tương lai. Do đó, nhiều người chỉ lo "vun vén" cho bản thân để được luân chuyển vào vị trí mới.

Anh Hoàng Xuân Việt - bí thư Đoàn huyện Cư M’Gar - đề xuất phải có một cơ chế tuyển chọn, đào tạo sử dụng cán bộ Đoàn linh hoạt, đổi mới theo hướng lựa chọn hạt giống từ phong trào cơ sở.

Đồng tình, anh Trọng Hoàng hiến kế: “Có thể xét đặc cách, xét ưu tiên hoặc thi tuyển cán bộ Đoàn để chọn ra những cán bộ Đoàn giỏi” .

Nhiều đại biểu cũng nêu giải pháp ưu tiên công tác tuyển dụng công chức cấp xã đối với những người tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên ở trong nước và đạt loại khá trở lên ở nước ngoài nhằm tăng cường đội ngũ có trình độ chuyên môn cao.

“Phải mạnh dạn xem xét cho rút tên khỏi quy hoạch những đồng chí không đủ điều kiện công tác Đoàn. Đồng thời phải đặc biệt chú trọng đến quy hoạch đội ngũ cán bộ dự nguồn”- anh Đặng Gia Duẩn, phó bí thư Tỉnh đoàn, thẳng thắn.

LĨNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp