Ngày 15-1, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và một số cơ quan hữu quan tổ chức hội thảo "Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới".
Văn hóa tiên phong, văn hóa gương mẫu
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ văn hóa trong Đảng là một cấu phần đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị - tư tưởng của Đảng.
Đây là yếu tố để củng cố sự đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh nội sinh của Đảng.
Xây dựng văn hóa trong Đảng có vai trò hệ trọng, quyết định đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Hình thành phong cách lãnh đạo dân chủ, khoa học, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển mới trong điều kiện Đảng ta là đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền.
Đồng thời giúp cán bộ, đảng viên rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng; ngăn chặn hiệu quả những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"...
Theo ông Thắng, văn hóa trong Đảng còn là sợi dây bền chặt gắn kết Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng...
Tham luận tại hội thảo, GS.TS Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh vấn đề văn hóa trong Đảng là "vấn đề chiến lược trong xây dựng Đảng hôm nay và mai sau", bởi hiện nay, bên cạnh những thành tựu đạt được, có cả những biểu hiện về sự xuống cấp về văn hóa trong Đảng, trong xã hội.
Ông Dũng nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh", nhấn mạnh rằng theo câu nói của Bác, Đảng ta là văn minh, nghĩa là tinh hoa, là đỉnh cao của văn hóa.
"Khi nói về văn hóa trong Đảng, hay văn hóa Đảng là nói về tinh hoa văn hóa của dân tộc", GS Dũng nói.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh văn hóa trong Đảng phải là văn hóa tiên phong, văn hóa gương mẫu. Đảng viên, cán bộ phải nêu gương.
Toàn bộ hoạt động của Đảng phải thể hiện văn hóa, trong nội bộ Đảng, trong mối quan hệ với nhân dân, trong điều hành và quản lý xã hội, trong mối quan hệ với các nước...
Ông nêu rõ thêm một yếu tố là phải biến nhận thức chính trị trở thành giá trị, phẩm chất văn hóa của những người cộng sản, đảng viên.
"Vừa qua, một số cán bộ vi phạm bị xử lý kỷ luật là do chưa chuyển biến nhận thức chính trị, văn hóa chính trị chưa trở thành bản chất, dẫn đến suy thoái...", ông Dũng nêu rõ.
Còn GS Nguyễn Trọng Chuẩn - nguyên viện trưởng Viện Triết học - khẳng định công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xử lý cán bộ vi phạm là một nỗ lực rất lớn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Theo ông Chuẩn, việc này lấy lại niềm tin của người dân. "Nếu không sớm bài trừ các tệ nạn này thì nguy cơ với chế độ là rất lớn", ông Chuẩn nêu thêm.
GS Mạch Quang Thắng - nguyên giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cũng khẳng định văn hóa Đảng nằm trong văn hóa dân tộc Việt Nam.
Văn hóa trong Đảng là văn hóa của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. Tổ chức Đảng, đảng viên phải trong sạch, nếu không trong sạch thì "đừng nói tới văn hóa".
Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương - nguyên viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng - cũng dẫn lại quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh "làm cho dân tin thì dân sẽ theo".
Ông Dương phân tích thêm, xây dựng văn hóa Đảng là "phải gương mẫu, nói được làm được, phải nêu gương". Nếu cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, không nêu gương, tham nhũng, thì "không thể nói gì được".
Xây dựng văn hóa trong Đảng là sự nghiệp của Đảng
Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ xây dựng văn hóa trong Đảng là vấn đề hệ trọng, trong điều kiện Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Đó là một trong những nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh đến 5 nhóm giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa trong Đảng.
Trong đó, xác định rõ xây dựng văn hóa trong Đảng là sự nghiệp của Đảng, là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và từng đảng viên; có ý nghĩa căn bản, cấp thiết, cần phải được triển khai đồng bộ, khoa học, thường xuyên, liên tục.
Gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng văn hóa trong Đảng với tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam...
Thường xuyên kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng và thực hành phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân của đảng viên.
Thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận