Nước mắt lăn dài trên má của một phụ nữ cầu nguyện cho những người biểu tình Myanmar thiệt mạng, bên ngoài trụ sở một cơ quan của Liên Hiệp Quốc ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Reuters
"Đừng đặt cược thêm nữa, bấy nhiêu là đã đủ.
Báo cáo viên chuyên trách Myanmar Thomas Andrews kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hành động "nhanh chóng và dứt khoát" để chấm dứt bạo lực ở Myanmar.
18 người đã thiệt mạng trong ngày 28-2 khi cảnh sát xả súng vào đám đông biểu tình, trong đó có Nyi Nyi Aung Htet Naing, theo Hãng tin Reuters. Chỉ hơn hai ngày sau đó, ngày 3-3, thêm 38 người nữa ngã xuống trong các cuộc biểu tình khắp Myanmar. Đến 5-3, thêm 1 người biểu tình thiệt mạng.
"Chìa khóa nằm ở Myanmar"
Theo tường thuật của phóng viên AFP, trường hợp thiệt mạng đầu tiên trong ngày 5-3 là một thanh niên 26 tuổi ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar.
Sự việc xảy ra chỉ một ngày sau khi Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, bà Michelle Bachelet, kêu gọi quân đội Myanmar "ngừng việc sát hại và tống giam người biểu tình" và ngay trước thềm một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tối 5-3 (giờ Việt Nam).
Trước đó, súng lại nổ, lựu đạn gây choáng lại nổ trên đường phố Myanmar ngay sau một cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN về tình hình Myanmar ngày 2-3.
Đã có người tự hỏi những gì xảy ra chỉ là sự vô tình trùng hợp hay là một động thái cố ý nhằm gửi thông điệp cảnh báo hậu quả của sự can thiệp vào Myanmar?
Không một ai có câu trả lời trực tiếp, nhưng gián tiếp thì nhiều. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã gián tiếp lên án chính quyền quân sự Myanmar, mô tả hành động quân đội "cầm súng bắn vào chính nhân dân của mình là đỉnh cao của nỗi ô nhục quốc gia".
"Chúng tôi ghê tởm với các hành động chống lại thường dân của các lực lượng an ninh" - ông Balakrishnan phát biểu trước Quốc hội Singapore ngày 5-3.
Nhưng cũng chính ông chua chát nhận định áp lực từ bên ngoài có khi sẽ chẳng thay đổi được gì ở Myanmar. "Nếu chịu khó nhìn lại trong hơn 70 năm qua, thành thật mà nói chính quyền quân sự ở Myanmar không quan tâm tới các lệnh trừng phạt kinh tế hay những điều liên quan đạo đức. Chìa khóa giải quyết vấn đề nằm ngay trong Myanmar".
Bế tắc tìm giải pháp
Singapore là nước đầu tư nhiều nhất vào Myanmar trong năm 2020, theo tạp chí Nikkei Asia. Dù cứng rắn trong lời nói, Singapore cũng giống như Trung Quốc hay Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Á khác ở chỗ không có các động thái quyết liệt mạnh mẽ.
Các lợi ích kinh tế tập trung tại Myanmar như sợi dây vô hình trói chặt tay của họ. Và nếu nhìn bằng cách đó, Mỹ đang vô cùng rảnh tay vì Washington chẳng có lợi ích kinh tế nào đáng kể đang hiện hữu tại Myanmar.
Sau khi trừng phạt các tướng lĩnh đứng sau đảo chính ngày 1-2, Mỹ tiếp tục tăng cấp hành động bằng lệnh trừng phạt ngày 4-3 (giờ Mỹ). Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ (quản lý lực lượng an ninh) cùng 2 công ty thuộc sở hữu quân đội Myanmar bị đưa vào danh sách "người dùng cuối là quân đội".
Động thái này được hoan nghênh vì mang tính thực chất hơn các lệnh cấm nhập cảnh đã được đưa ra trước đó.
Một số sản phẩm công nghệ, có yếu tố trí tuệ Mỹ sẽ phải được sự đồng ý của chính quyền Mỹ trước khi xuất sang Myanmar. Một nguồn tin của báo New York Times cũng tiết lộ chính quyền quân sự Myanmar đã tìm cách rút 1 tỉ USD gửi tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ chi nhánh New York. Số tiền hiện đã bị đóng băng này có thể trở thành đòn bẩy cho Washington trong việc giải quyết khủng hoảng.
Cách tiếp cận của châu Á và phương Tây cũng hoàn toàn khác biệt. Trong khi các nền dân chủ châu Á kêu gọi các bên ở Myanmar hòa giải và giải quyết khác biệt, phương Tây lại tìm lối thoát bằng cách gây sức ép và trừng phạt.
Ông Thomas Andrews, một chuyên viên của Liên Hiệp Quốc đặc trách Myanmar, kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Myanmar để chấm dứt cảnh đổ máu. Thật vậy, ngăn chặn và chấm dứt thành công bạo lực ở Myanmar nên là nhiệm vụ cấp bách lúc này trước khi nghĩ đến các giải pháp dài hơi khác.
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener tại cuộc họp Hội đồng Bảo an ngày 5-3 kêu gọi cơ quan này đồng lòng hành động để ngăn bạo lực và khôi phục dân chủ tại Myanmar sau cuộc đảo chính ngày 1-2.
"Điều quan trọng là hội đồng phải kiên quyết và chặt chẽ trong việc cảnh báo các lực lượng an ninh và sát cánh mạnh mẽ với người dân Myanmar, ủng hộ kết quả bầu cử rõ ràng vào tháng 11-2020" - Hãng tin Reuters dẫn lời bà Burgener nói trước 15 thành viên hội đồng trong một cuộc họp kín. Bà Burgener cho biết đã nhận được khoảng 20.000 thông điệp từ Myanmar yêu cầu cộng đồng quốc tế hành động. T.P.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận