22/08/2015 09:09 GMT+7

​Cân bằng quan hệ để phục vụ lợi ích dân tộc

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Ngày 21-8 tại Nhà khách Chính phủ, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí nhiều vấn đề thời sự quốc tế nóng bỏng bao gồm Biển Đông, vấn đề biên giới với Campuchia, quan hệ với các nước lớn.

Cờ ASEAN tung bay trong nghi thức thượng cờ ASEAN tại cụm cờ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng, TP.HCM nhân dịp kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và 48 năm thành lập ASEAN - Ảnh: Quang Định
Cờ ASEAN tung bay trong nghi thức thượng cờ ASEAN tại cụm cờ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng, TP.HCM nhân dịp kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và 48 năm thành lập ASEAN - Ảnh: Quang Định

* Tuổi Trẻ: Nhìn lại những bài học trong quá khứ, không ít lần các nước lớn bắt tay sau lưng Việt Nam. Tại một hội thảo mới đây, Phó thủ tướng nói Bộ Ngoại giao có đưa ra kiến nghị khuôn khổ xây dựng quan hệ với các nước lớn, trong đó có quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Cụ thể khuôn khổ này như thế nào? 

- Chính sách đối ngoại của đất nước ta trong 70 năm qua luôn bảo đảm nhất quán lập trường giữ cân bằng trong quan hệ với các nước để phục vụ lợi ích dân tộc. Quan hệ quốc tế đúc kết ra thực tế rằng các nước lớn có thương lượng trên lưng các nước nhỏ.

Nhiều quốc gia khác cũng trải qua việc này, không chỉ có Việt Nam. Để đạt được lợi ích quốc gia, các nước cũng có nhiều thỏa thuận gây hại cho quốc gia khác.

Điều quan trọng là chúng ta phải đánh giá và có chủ trương đúng đắn, linh hoạt để tránh những tác hại từ những thỏa thuận của các nước lớn đối với lợi ích dân tộc. Đây cũng là thách thức to lớn bởi vì ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa các nước.

Quan điểm của chúng ta trong khuôn khổ quan hệ với Trung Quốc và Mỹ dựa trên cơ sở xây dựng quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, tạo dựng sự tin cậy, mở rộng quan hệ, tận dụng những thế mạnh của những nước này. 

* Tuổi Trẻ: Phó thủ tướng có tin tưởng rằng một ngày nào đó sẽ có người Việt giữ vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới, WTO… để có thể tham gia chủ động hơn nữa vào các quyết định chiến lược trong khu vực và quốc tế?

- Cách đây 30 năm, chúng ta đã đặt ra làm sao đưa những người Việt Nam làm việc trong các tổ chức quốc tế. Càng nhiều người càng tốt nhằm thể hiện khả năng năng lực của người Việt Nam, đồng thời đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, đóng góp vào hoạt động của những tổ chức quốc tế cũng phục vụ lợi ích của đất nước.

Trong thời gian qua, chúng ta cũng có một số người Việt Nam đã vào làm cho các tổ chức quốc tế của Liên Hiệp Quốc (LHQ) như ban thư ký LHQ, các tổ chức khu vực và gần đây nhất chúng ta có tổng thư ký của ASEAN là người Việt Nam.

Chúng ta cũng rất mong muốn làm sao người Việt Nam ứng cử vào các vị trí quan trọng. Vừa qua, chúng ta có những đóng góp hết sức quan trọng đối với LHQ như Việt Nam từng là phó chủ tịch của Đại hội đồng LHQ, chủ tịch một số ủy ban của LHQ. Gần đây nhất chúng ta cũng là chủ tịch phiên họp Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Chúng ta đang cố gắng phát huy vai trò, đồng thời chúng ta rất mong muốn cũng như các nước là làm sao có được tổng thư ký của LHQ, tổng thư ký của các tổ chức chuyên môn của LHQ. Tuy nhiên điều này đòi hỏi người Việt Nam phải trau dồi năng lực, kiến thức và kỹ năng không ngừng. 

* VOV: Rõ ràng một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngoại giao Việt Nam là giải quyết xung đột Biển Đông. Và triết lý “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Bác Hồ đã được vận dụng ra sao?  

- Lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là chúng ta có chủ quyền không thể tranh cãi ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Biển Đông còn nhận được sự quan tâm chung của các nước trong khu vực và trên thế giới bởi vì Biển Đông là tuyến giao thông và giao thương huyết mạch vận chuyển hàng hóa của thế giới và liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn hàng hải.

Chúng ta cũng phải thừa nhận hiện có 5 nước 6 bên đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Về tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam có chủ trương những vấn đề liên quan giữa hai nước thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến nhiều nước thì giải quyết đa phương trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình ổn định trong khu vực. 

Chúng ta đang vận dụng triết lý ngoại giao “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Bác Hồ trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển, trong đó “ứng vạn biến” nghĩa là tìm ra những biện pháp tăng cường hợp tác ở những khu vực tranh chấp để giảm thiểu xung đột trên biển, còn “dĩ bất biến” chính là lợi ích dân tộc của chúng ta và đây là lợi ích không bao giờ có thể thay đổi.

Chính sách đối ngoại của Việt Nam là bảo vệ chủ quyền an ninh bằng sức mạnh tổng hợp, không đi với nước này để chống nước kia. Chúng ta mong muốn có quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước để đóng góp vào hòa bình khu vực và thế giới. 

* Tiền Phong: Ý kiến của Phó thủ tướng như thế nào trong vấn đề biên giới với Campuchia? 

- Lập trường của Việt Nam là đảm bảo không để xảy ra những xung đột tại biên giới. Tuy nhiên chúng ta cũng chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu nhất.

Chúng ta luôn mong muốn xây dựng đường biên giới hòa bình ổn định với các nước láng giềng, trong đó có Campuchia.

Hiện chúng ta vẫn đang tiến hành phân giới cắm mốc với Campuchia. Việc phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia hoàn toàn theo đúng luật pháp quốc tế và văn bản mà hai nước ký kết.

Mới đây Chính phủ Campuchia đã tuyên bố bản đồ Campuchia mượn từ LHQ và Pháp cũng chính là bản đồ mà Campuchia và Việt Nam dùng để phân giới cắm mốc.   

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp