02/08/2019 08:55 GMT+7

Cần an cư, chắt chiu từng đồng rồi lại liều xây nhà không phép

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Lâu nay xây dựng không phép xảy ra tràn lan tại một số quận, huyện vùng ven TP.HCM. Hàng loạt cán bộ, công chức huyện, xã liên tục bị kỷ luật vì để xảy ra sai phạm đất đai, xây dựng. Thế nhưng tại sao tình trạng xây dựng không phép vẫn diễn ra?

Cần an cư, chắt chiu từng đồng rồi lại liều xây nhà không phép - Ảnh 1.

Cần giải quyết căn cơ vấn đề nhà ở cho người dân mới giảm được nạn xây nhà không phép. Trong ảnh: tháo dỡ nhà xây không phép tại huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

PV Tuổi Trẻ đến huyện Bình Chánh (TP.HCM), điển hình hai xã Vĩnh Lộc A và B là "điểm nóng" xây dựng không phép, để hiểu rõ hơn bản chất thực trạng này.

Tiền ít sao mơ nhà sổ hồng

Đường sá ở hai xã Vĩnh Lộc A và B còn gập ghềnh, tạm bợ. Nhiều tuyến đường nham nhở ổ voi, ổ gà, mưa xuống đóng vũng, sình lầy. Từ trên cao, những khoảng đất rộng, cỏ cây mọc um tùm như tấm "da beo" giữa khu dân cư hoang sơ, nhếch nhác. Trong những khu đất trống ấy là những ngôi nhà xây dựng không phép tràn lan.

Một tháng nay, bà Nguyễn Thị Phượng (42 tuổi, sinh sống tại tổ 8, ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) như ngồi trên lửa khi nhận quyết định buộc phá dỡ nhà xây không phép. Căn nhà bà mới mua ở chưa được 6 tháng có khả năng bị đập bỏ.

Vợ chồng bà vào Sài Gòn làm ăn gần 20 năm, cưới nhau được 14 năm. Dành dụm được 350 triệu đồng, vợ chồng bà vay thêm 350 triệu đồng tính mua căn nhà nhỏ thoát đời ở trọ.

Cầm 700 triệu đồng nhưng hơn một năm vợ chồng bà không tìm được nhà nào có giấy tờ bán với giá ấy. Tháng 2-2019, vợ chồng bà chấp nhận mua bằng giấy tay căn nhà 36m2 xây trên đất nông nghiệp.

Biết có rủi ro nhưng bà Phượng thở dài: "Quanh đây cũng với diện tích như tui mua mà có giấy tờ giá bán toàn tiền tỉ, tiền đâu mua. Phải liều mua giấy tay mới có nhà ở".

Cần an cư, chắt chiu từng đồng rồi lại liều xây nhà không phép - Ảnh 2.

Những khu nhà xây dựng trái phép bị cưỡng chế tháo dỡ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Bên cạnh nhà bà Phượng, một căn nhà xây không phép vừa bị đập còn ngổn ngang gạch đá, mái tôn, xà gỗ... Bà Phượng cho biết chủ nhà là một gia đình công nhân nghèo, dành dụm tiền của sau 20 năm buôn bán, làm lụng ở Sài Gòn mới mua được mảnh đất không giấy. Bỏ hoang 10 năm không thấy quy hoạch điều chỉnh, vợ chồng liều về dựng tôn ở.

Hằng ngày làm dư dả chút tiền thì mua ít gạch, ximăng về âm thầm xây nhà lên nhưng giờ bị đập bỏ, vợ chồng, con cái lại rời đi thuê trọ ở.

"Cùng cảnh nghèo tui hiểu, làm ra đồng tiền cực khổ chắt chiu giờ bị đập nát đau lắm. Ai mà không muốn mua nhà hợp pháp để ở..." - bà Phượng nói, mắt đỏ hoe.

Ở hai xã Vĩnh Lộc A và B rất nhiều người dân mua nhà, đất bằng giấy tay. Từ người mua nhà bằng giấy tay, ông D.T. (62 tuổi) trở thành môi giới nhà đất không giấy tại khu vực ấp 3, xã Vĩnh Lộc A.

Ông T. cho biết người vào mua đất "khu không giấy" toàn là công nhân, dân nghèo. Mua xong họ liều lợp tạm mái tôn, xây cất tạm bợ để ở. Nhiều nhà dân "xây chui" bị đào móng, phá dỡ nhưng rồi một thời gian cũng tái diễn.

"Nghèo khổ, người ta mới chịu vô đây liều mua nhà không giấy để ở. Nhiều khi không có tiền, hai ba người hùn hạp mới đủ mua miếng đất nho nhỏ cất nhà ở tạm bợ" - ông T. ngậm ngùi.

Ngoài trời mưa ngày một nặng hạt, giấc mơ một mái nhà an cư lập nghiệp của nhiều người xa xứ vào mưu sinh tại Sài Gòn - "vùng đất hứa" nặng trĩu, dường như càng buồn hơn.

Cần an cư, chắt chiu từng đồng rồi lại liều xây nhà không phép - Ảnh 3.

Nhà xây không phép của người dân bị cưỡng chế tháo dỡ ở xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh - Ảnh: TỰ TRUNG

Thiếu đất ở, thừa đất nông nghiệp

Một tháng nay, Thành ủy, UBND TP.HCM tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp vạch rõ bản chất việc xây dựng nhà không phép, sai phép. Nhiều nguyên nhân như cán bộ, công chức quản lý buông lỏng, sai phạm; đầu nậu, "cò đất" thao túng... được chỉ ra.

Nhưng ghi nhận của Tuổi Trẻ, bất cập quy hoạch, thiếu đất ở là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng tràn lan, khó kiểm soát ở vùng ven.

Hiện tại huyện Bình Chánh đang rất "nóng" vì các đoàn thanh tra, kiểm tra và điều tra làm việc về tình trạng sai phạm xây dựng diễn ra tràn lan. Không chỉ năm nay mà từ trước tới nay đã có nhiều cán bộ, công chức bị kỷ luật do buông lỏng, thậm chí tiếp tay để xảy ra vi phạm xây dựng.

Nhưng thực tế, hết cán bộ, công chức này bị xử lý, điều chuyển công tác đi nơi khác, người khác về lại bị kỷ luật vì để xây dựng không phép hoành hành. Tại sao vậy?

Cần an cư, chắt chiu từng đồng rồi lại liều xây nhà không phép - Ảnh 4.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Phượng như ngồi trên lửa khi nhận quyết định buộc tháo dỡ căn nhà xây không phép mà ông bà vừa mua được 6 tháng. Bên cạnh là căn nhà hàng xóm đã bị tháo dỡ - Ảnh: T.LONG

Mới đây, tại hội nghị Thành ủy TP.HCM, bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng trăn trở huyện đang gặp khó khăn vì dân số đông, nhu cầu nhà ở diện tích nhỏ tăng cao nhưng đất ở lại thiếu.

Điều này thấy rõ nhất ở hai xã Vĩnh Lộc A và B. Tại xã Vĩnh Lộc A theo thống kê có khoảng 120.000 dân. Nếu tính mỗi người cần 19,7m2 (diện tích nhà ở bình quân của TP.HCM), xã này cần khoảng 240ha sàn nhà ở. Tuy nhiên quy hoạch chung huyện Bình Chánh, xã Vĩnh Lộc A chỉ có khoảng 235ha đất ở hiện hữu.

Trừ phần đất dành cho đường sá, kênh rạch..., đồng thời chiếu theo quy định mật độ xây dựng thì chỉ còn khoảng 144ha đất thuần để xây nhà. Nghĩa là mới đáp ứng tối đa 60% nhu cầu nhà ở cho dân.

Tương tự, xã Vĩnh Lộc B có khoảng 120.000 dân nhưng xã cũng chỉ đáp ứng được tối đa 132ha đất để xây nhà. Trong khi theo quy hoạch chung, đất nông nghiệp của xã Vĩnh Lộc A còn 745ha, của xã Vĩnh Lộc B là 548ha. Ông Huỳnh Văn Thanh - trưởng Phòng quản lý đô thị huyện Bình Chánh - cho biết trong tổng số diện tích đất được quy hoạch là đất ở có cả đất làm đường, sông rạch và các loại đất khác không xây được nhà.

Mặt khác, nhiều hộ gia đình ở quận, huyện vùng ven như Bình Chánh sở hữu những thửa đất lớn nên mật độ xây dựng thấp hơn những quận nội thành.

Chưa kể người ở nơi khác cũng tìm đến khu vực này để mua nên tính ra đất ở không đủ cho nhu cầu của người dân nhập cư đông và ngày càng tăng trên địa bàn huyện.

Cần an cư, chắt chiu từng đồng rồi lại liều xây nhà không phép - Ảnh 5.

Càng thiếu đất ở vì dự án treo

"Theo đồ án xây dựng nông thôn mới xã Vĩnh Lộc A và B được phê duyệt năm 2014, huyện Bình Chánh đã điều chỉnh một phần đất nông nghiệp tại hai xã này sang đất ở. Tuy nhiên quyết định duyệt quy hoạch sử dụng đất huyện Bình Chánh đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm được duyệt trước đó vẫn xác định phần đất chuyển đổi là đất nông nghiệp.

Chính vì thế, phần diện tích chuyển đổi chưa được chuyển mục đích để xây dựng. Điều này cũng góp phần làm ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu đất ở cho dân" - ông Thanh cho hay.

Nhu cầu nhà ở tăng cao nhưng tại huyện Bình Chánh, quỹ nhà đất ở hợp pháp rất ít. Nhiều khu quy hoạch dự án nhà ở, khu sinh thái, khu công nghiệp... kéo dài chưa thực hiện. Thậm chí có những dự án kéo dài trên 20 năm chưa triển khai.

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện này đang có 140 dự án chậm triển khai từ năm 2003 đến nay. Nếu những dự án này được thực hiện sẽ có trên 1.000ha đất ở giải quyết nhà ở cho dân.

Riêng hai xã Vĩnh Lộc A và B, trong 15 năm chỉ có 4 dự án nhà ở được xây dựng. Trong đó, tại xã Vĩnh Lộc A có 3 dự án thì chỉ tạo khoảng 270 căn nhà ở riêng lẻ, còn 1.875 căn hộ chung cư tái định cư (chỉ dành cho các hộ dân bị giải tỏa tại các dự án). Xã Vĩnh Lộc B chỉ có một dự án khu dân cư tạo ra 151 căn nhà liên kế vườn và 39 căn biệt thự.

Đất có giấy tờ đắt đỏ, trong khi dự án nhà ở xây dựng ít ỏi, không có dự án nhà ở giá rẻ khiến dân nghèo, thu nhập thấp phải "tự bơi" tìm nhà ở trên những khu đất nông nghiệp.

* Ông Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam):

Chuyển một phần dự án thương mại sang nhà ở xã hội

dang-son-15198709029601927354095 ngay 1-8 2(read-only)

Tại TP.HCM, một nghịch lý hiện nay là dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp rất ít, trong khi nhiều dự án nhà ở thương mại được duyệt đầu tư trên quỹ đất lớn lại chậm thực hiện. Điều này vừa lãng phí quỹ đất, vừa hạn chế quyền tiếp cận nhà ở của người dân vướng quy hoạch do không chuyển được mục đích để xây nhà.

Giải quyết nhà ở của người dân là vấn đề cấp thiết. TP cần rà soát những khu vực quy hoạch, đặc biệt khu dân cư xây dựng hỗn hợp, xây dựng mới chậm triển khai dự án để chuyển đổi, thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho dân thu nhập thấp. Nhà ở xã hội có thể bán hoặc cho thuê tùy điều kiện từng quận, huyện.

* PGS.TS Võ Trí Hảo (trưởng khoa luật Đại học Kinh tế TP.HCM):

Quy hoạch nhà ở phải tương ứng dân số thực

votrihao 3 ngay 1-8 2(read-only)

Lâu nay các TP đưa thông tin dân số không sát thực tế, dẫn đến quy hoạch dự báo nhu cầu nhà ở không chính xác. Như TP.HCM cần có chính sách nhà ở cho người nghèo, thu nhập thấp. Muốn vậy, TP cần điều chỉnh quy hoạch nhà ở cho 13 triệu dân, dự báo lên đến 20 triệu người để có kế hoạch cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở với quy mô phù hợp.

Tuyệt đối không cho chuyển đổi nhỏ giọt, vì sẽ tạo ra khan hiếm giả tạo, đẩy giá đất tăng cao, người nghèo không mua nổi. Khi dân nghèo không đủ điều kiện mua đất ở hợp pháp, để có chỗ ở, họ đành phải mua đất ở không hoàn chỉnh về pháp lý.

* KTS Nguyễn Ngọc Dũng (TP.HCM):

Xây nhà giá rẻ ở vùng ven

3775032 ngay 1-8 2(read-only)

TP.HCM có lượng người nhập cư rất đông nhưng lại hiếm có dự án nhà ở cho người thu nhập thấp an cư lập nghiệp. Khuynh hướng dân đổ dồn về TP lớn là tất yếu, không thể ngăn cản.

Quy hoạch gò bó khống chế diện tích đất ở dựa trên số dân thống kê không đầy đủ, không đánh giá đầy đủ việc di dân sẽ tự làm khó cho TP. Lẽ ra, TP.HCM phải có kịch bản sẵn đón đầu luồng dân di cư từ sớm.

TP.HCM không nên giữ quá nhiều đất nông nghiệp và cần tính toán lại dựa trên quy hoạch tổng thể của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TP phải giảm đất nông nghiệp, tăng đất ở để đảm bảo nhu cầu nhà ở cho người dân nhập cư với giá chấp nhận được. Nếu để người dân tự lo thì tình trạng xây dựng không phép sẽ ngày càng phức tạp.

Trước mắt, mỗi quận huyện vùng ven như Bình Chánh, Bình Tân, Thủ Đức... nên chọn một số diện tích đất nông nghiệp xin chuyển sang làm nhà ở giá rẻ, giải quyết "nóng" nhu cầu nhà ở cho dân. Việc xây 5.000 - 7.000 căn nhà/năm không khó. Những khu này tính toán kỹ để sau này quy hoạch tổng thể sẽ kết nối vào khu vực, không phải đập bỏ.

Nhiều TP trên thế giới cũng đã xây nhiều TP vệ tinh để đón đầu luồng dân di cư. Trong những TP vệ tinh họ làm nhà ở giá rất rẻ để thu hút người dân theo những ngành nghề quy hoạch trước vào sinh sống. TP.HCM có thể tận dụng nguồn 26.000ha đất nông nghiệp được Thủ tướng cho chuyển đổi để tạo ra các TP vệ tinh, tạo rất nhiều chỗ ở cho người nhập cư.

Nếu TP chỉ đơn thuần giao đất cho doanh nghiệp làm dự án để thu tiền sử dụng đất sẽ không hiệu quả, lợi ích chỉ rơi vào doanh nghiệp. Người thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở giá rẻ như Bình Dương đang làm.

TP.HCM mạnh tay xử lý xây dựng không phép

TTO - Ngày 11-7, tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM khóa IX, các đại biểu đã dành thời gian phân tích, mổ xẻ nguyên nhân gốc rễ của tình hình vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp, kéo dài trên địa bàn TP và đưa ra các giải pháp.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp