Chia sẻ góc nhìn độc lập, ông Hinh phân tích:
- Thị trường vàng Việt Nam thiếu nơi giao dịch tập trung, thay vào đó rất nhiều cửa hàng và nhà kinh doanh vàng quy mô nhỏ hoạt động độc lập. Sự phân mảnh này cản trở sự minh bạch về giá và tạo điều kiện cho khả năng thao túng giá.
Hơn giá thế giới 20% là rất cao
* Giá vàng Việt Nam cách biệt với giá thế giới, theo ông, những yếu tố nào đã góp phần?
- Không giống thị trường của các nước phát triển nơi các giao dịch liên quan đến vàng chủ yếu được thông qua các công cụ phái sinh và quỹ ETF (quỹ giao dịch hoán đổi).
Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào vàng miếng và đồ trang sức. Nhu cầu vàng vật chất này gây áp lực lên giá vàng trong nước, khiến nó dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động toàn cầu.
Ngoài sự phân mảnh nói ở trên, những nỗ lực của Chính phủ nhằm kiểm soát giá vàng thông qua thuế nhập khẩu và hạn ngạch thường gây ra những hậu quả không lường trước, như tình trạng thiếu hụt giả tạo.
Trong khi đó, hệ thống tài chính đang phát triển của Việt Nam còn thiếu nhiều công cụ đầu tư hấp dẫn. Nhiều người Việt vẫn ưa thích vàng như một nơi trú ẩn an toàn, đặc biệt lúc kinh tế có dấu hiệu bất ổn.
Ngoài các vấn đề mang tính nội tại, giá vàng quốc tế tăng khiến giá vàng Việt Nam tăng theo.
* Nhưng tại sao giá vàng ở Việt Nam lại cao hơn giá thế giới, trong khi Ngân hàng Nhà nước được chỉ thị phải giảm bớt khoảng cách này?
- Giá vàng Việt Nam vừa đạt đỉnh mới 92,4 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới tới 19 triệu đồng/lượng, tức hơn 20%, là mức chênh rất cao.
Nguyên nhân chính cầu vượt xa cung, do dân Việt Nam có thói quen giữ vàng để đảm bảo tài sản và đầu cơ, nhất là khi thấy giá vàng quốc tế đang có xu hướng tăng. Trong khi đó, mức cung lại bị giới hạn nhập khẩu vàng thô và sản xuất vàng miếng SJC được giữ độc quyền.
Vì vàng được định giá bằng USD nên đồng Việt Nam suy yếu đáng kể. Điều này tạo ra một vòng xoáy, theo đó giá vàng tăng càng làm suy yếu đồng VND, thúc đẩy việc mua vàng nhiều hơn như một biện pháp phòng ngừa lạm phát.
Các nhà đầu tư và người dân càng tìm mua vàng, cộng thêm cơ cấu thị trường manh mún và tính minh bạch hạn chế tạo mảnh đất màu mỡ cho đầu cơ. Tin đồn, sự thao túng thị trường của một số người chơi nhất định và tâm lý bầy đàn có thể khuếch đại biến động giá, dẫn đến bong bóng và dễ xảy ra các vụ sụp đổ sau đó.
Nên xem xét 5 giải pháp cơ bản
* Vậy giải pháp quan trọng, theo ông nên là gì?
- Để ổn định cho thị trường vàng Việt Nam, tôi và TS Phạm Đỗ Chí (nguyên chuyên viên cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) đã có bài phân tích và đề xuất 5 biện pháp.
Thứ nhất, xem xét việc bỏ độc quyền nhập khẩu vàng thô và sản xuất vàng miếng SJC, thiết lập một cơ chế giao dịch vàng tập trung, theo đó các công ty quốc doanh có thể cạnh tranh nhau nhập cảng vàng ròng sau đó sản xuất vàng miếng theo tiêu chuẩn SJC và bán ra cho tư nhân một cách minh bạch với hóa đơn chính thức có sự kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước.
Tương tự như xăng dầu ở Việt Nam, điều này sẽ thúc đẩy sự minh bạch về giá và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch vàng hiệu quả. Mặt khác, việc này sẽ giúp hạn chế thao túng giá và cung cấp điểm tham chiếu đáng tin cậy hơn cho những người tham gia thị trường.
Thứ hai, kiểm soát biên giới, tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực để hạn chế buôn lậu vàng.
Phát triển hệ thống tài chính đa dạng, nâng cao hiểu biết về tài chính, thiết lập các công cụ dựa trên thị trường là ba giải pháp còn lại.
Trong đó, cần nhấn mạnh việc thay thế sự can thiệp của Chính phủ bằng các công cụ như: hợp đồng tương lai (là một thỏa thuận pháp lý để mua hoặc bán một tài sản hàng hóa cụ thể hoặc chứng khoán ở mức giá định trước tại một thời điểm xác định trong tương lai); quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng (ETF - là một chứng khoán theo dõi giá vàng và cho phép các nhà đầu tư tiếp cận với vàng mà không cần mua, lưu trữ hoặc bán lại vàng).
* Nhưng việc bỏ độc quyền SJC và cho nhập khẩu tự do vàng, nhiều người lo sẽ tăng áp lực tỉ giá vốn đang căng thẳng?
- Giá vàng và tỉ giá USD có tác động đến nhau. Giá USD tăng làm suy yếu đồng VND, thúc đẩy việc mua vàng nhiều hơn như một biện pháp phòng ngừa lạm phát.
Tuy nhiên, khi giá vàng giảm xuống do biện pháp đưa ra nêu trên sẽ làm giảm nhu cầu mua vàng, mua USD và như vậy sẽ giúp ổn định tỉ giá.
Còn về ngoại hối, nhiều điểm cần xem xét kỹ hơn. Trong đó, tư nhân khi được phép nhập vàng, họ cũng phải trả bằng tiền USD của họ chứ không dùng ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.
Nếu như hiện nay, không nhập khẩu chính ngạch vì lo ngại thâm hụt ngoại tệ, thì cũng khó loại trừ việc gom USD thị trường tự do rồi nhập lậu. Dù cách này hay cách khác vẫn chảy ngoại tệ và gây tác động ngược lại thị trường chính thức...
* Vậy làm thế nào để không bị "vàng hóa" nền kinh tế?
- Để không bị "vàng hóa", phải tạo ra niềm tin của dân chúng cho đồng tiền Việt Nam và như vậy nên thực hiện những chính sách kinh tế nói trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận